Đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực” nhận được những tín hiệu tích cực trong thời gian qua, hứa hẹn mang đến cơ hội và động lực để phát triển thành phố; thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lãnh đạo Chính phủ và thành phố Đà Nẵng chúc mừng UBND thành phố ký kết với nhà tài trợ lập đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực”. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Xúc tiến xây dựng đề án
Ngày 15-3-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ tập trung đầu tư, hoàn thành dự án trọng điểm là Tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ; hình thành tuyến phố thương mại, tài chính. Ngày 19-3-2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về chủ trương UBND thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, lập đề án “Xây dựng trung tâm tài chính khu vực” theo mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị.
Ngay sau đó, tại buổi lễ công bố nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố Đà Nẵng vào dịp kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng thành phố 29-3, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã ký kết với Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xuất khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) Johnathan Hạnh Nguyễn về tài trợ xây dựng đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực”. Theo đó, IPPG cam kết bàn giao đề án cho UBND thành phố trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký kết thỏa thuận (không kể thời gian lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt). Công ty Sherman (Anh) được lựa chọn là nhà tư vấn chính cho đề án.
Ngày 1-4, UBND thành phố quyết định thành lập Tổ công tác lập đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực” do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh làm tổ trưởng; Giám đốc Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ phó. Tổ công tác do Sở Tài chính làm cơ quan thường trực, có nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố trong việc lập và trình cấp có thẩm quyền ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực”.
Theo đó, việc xây dựng nội dung của đề án phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam và định hướng phát triển thành phố; có tính khả thi trên thực tiễn khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai và có khả năng thu hút các nhà đầu tư quốc tế vào dự án. Theo thông tin từ Sở Tài chính, giữa tháng 4 vừa qua, Công ty IPPG đã gửi kế hoạch sơ bộ và các mốc thời gian tương ứng xây dựng đề án để Sở Tài chính báo cáo lên UBND thành phố.
Mở ra nhiều cơ hội mới
Đánh giá về động thái nhanh chóng xúc tiến xây dựng đề án trung tâm tài chính quy mô khu vực của UBND thành phố, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, Giám đốc Công ty CP Kho vận Liên Chiểu Xanh Tô Văn Hiệp cho rằng, việc xây dựng Đà Nẵng là trung tâm tài chính quy mô khu vực sẽ thúc đẩy ngành logistics. Bởi hạ tầng giao thông hiện đại là một trong những điều kiện cơ bản để phát triển trung tâm tài chính khu vực.
Ngoài ra, khi Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực sẽ có nhiều tổ chức, doanh nghiệp tài chính tụ hội tại đây. Khi đó doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng có rất nhiều cơ hội để tìm được nhà đầu tư cho các dự án của mình. Có thể nói, khi Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực thì ngành logistics cũng sẽ phát triển song hành.
Ông Tô Văn Hiệp cũng nhìn nhận, để các công ty tài chính chọn Đà Nẵng là điểm đến, thành phố cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi, chính sách đặc thù cho doanh nghiệp của lĩnh vực này. Song song đó, chú trọng phát triển mạnh kinh tế địa phương từ chính nội lực của thành phố, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, tạo dựng môi trường thông thoáng để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Việc thực hiện đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực” là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy thành phố phát triển trong giai đoạn tới. TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng nhìn từ quận Sơn Trà. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ |
Ông Lê Trường Kỹ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Kỹ thuật DINCO nhận định, việc Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực sẽ thu hút được các tập đoàn lớn trên thế giới vào đầu tư. Mặt khác, mở ra nhiều việc làm cho người lao động, kích thích kinh tế thành phố phát triển, tạo thu nhập nhiều hơn cho người dân.
Theo ông Kỹ, ngay từ bây giờ, cần thay đổi tư duy của doanh nghiệp, nâng cấp năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính để có thể tiếp cận được các nhà đầu tư tài chính, đặc biệt là thế hệ trẻ và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực sẽ là một tiếp cận mới trong quá trình phát triển thành phố trong thời gian tới để tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư.
Trung tâm tài chính khu vực sẽ hướng đến mục tiêu thu hút các ngân hàng lớn trong và ngoài nước, công ty tài chính truyền thống và tài chính dựa vào nền tảng công nghệ, các quỹ đầu tư, bảo hiểm, các công ty chứng khoán thành lập, hội sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại thành phố; phát triển hệ thống tổ chức tài chính, tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả, vững chắc với cấu trúc đa dạng về quy mô, loại hình.
MAI QUẾ