ĐÀ NẴNG NÂNG CẤP, MỞ RỘNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG NHỎ

Bài cuối: Nhà nước và nhân dân cùng làm

.

Mở rộng các tuyến đường là chủ trương lớn của thành phố để phát triển đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân ở những tuyến đường quá nhỏ hẹp. Do vậy, trong quá trình triển khai, ngoài nỗ lực của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành thì cần sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là ủng hộ chủ trương hiến đất mở đường để hiện thực hóa phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Kiệt 5 Tô Ngọc Vân, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê đang được khởi công nâng cấp, mở rộng. 						      Ảnh: VĂN HOÀNG
Kiệt 5 Tô Ngọc Vân, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê đang được khởi công nâng cấp, mở rộng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Hiến đất mở rộng lòng đường

Khi nghe tin thành phố có chủ trương mở rộng các tuyến đường có bề rộng dưới 4m, tháng 3-2021, người dân ở kiệt 68 Lê Đình Lý (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) liền bàn nhau tháo dỡ một phần mặt tiền nhà, lùi vào 0,3-1,2m để bảo đảm cho đường kiệt hiện trạng (rộng từ 2,8-3,7m) đủ rộng 4m.

Người dân viết đơn kiến nghị lên phường và quận đầu tư mở rộng đường. Cách đây hơn 1 tháng, sau khi được UBND quận Thanh Khê thống nhất, 15 hộ dân đồng loạt gọi thợ đến tháo dỡ mặt tiền nhà và xây dựng lại.

Ông Phan Anh Hùng (người dân trú kiệt 68 Lê Đình Lý) phấn khởi nói: “Gia đình tôi tháo dỡ 2 trụ trước, tường nhà, cổng và cắt ngắn dầm để lùi vào hơn 1m với diện tích đất hiến để làm đường là hơn 5m2. Tôi bỏ ra 45 triệu đồng để xây, sửa lại mặt tiền nhà, bàn giao mặt bằng cho quận để chuẩn bị thi công mở rộng đường. Tuyến kiệt này có đông học sinh và phụ huynh do sát bên một trường tiểu học. Có 15/18 hộ dân ở kiệt này tự nguyện hiến đất, tự bỏ kinh phí để sửa lại mặt tiền nhà cho quận đầu tư mở rộng đường”.

Ông Hồ Viết Vượng (trú kiệt 68 Lê Đình Lý) thông tin thêm: “Đại gia đình tôi có 4 nhà ở dọc tuyến kiệt này đều tháo dỡ mặt tiền nhà để hiến đất mở rộng đường và bỏ ra tổng cộng khoảng 100 triệu đồng sửa lại mặt tiền 4 nhà sau khi tháo dỡ. Người dân rất mong muốn mở rộng đường nên tự nguyện viết đơn đề xuất quận đầu tư mở rộng, còn người dân thì hiến đất, không đòi hỏi đền bù”.

Người dân ở các tuyến đường 3,5m, 3,75m có vỉa hè bảo đảm đủ điều kiện để mở rộng lòng đường lên 5,5m cũng phấn khởi và đồng thuận thu hẹp vỉa hè để mở rộng lòng đường.

Bà Ngô Thị Sáu (người dân trú tuyến đường An Hải 14, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Thành phố phát triển mạnh mà đường hẹp thì không còn phù hợp nữa. Khi biết chủ trương mở rộng tuyến đường này, người dân vui lắm, ai cũng sẵn sàng hiến đất và mong sớm triển khai thi công”.

Còn bà N.T.H.N. (một người dân ở đường Huỳnh Lý, quận Hải Châu, xin giấu tên) cho rằng: “Nhiều người dân rất phấn khởi khi có chủ trương mở rộng đường Huỳnh Lý. Tuy nhiên, hiện có một số hộ dân xây dựng tường rào, cổng ngõ và cả tường nhà bếp lấn chiếm khoảng lùi và vỉa hè. Do đó, các cơ quan chức năng cần vận động các hộ này tháo dỡ để bảo đảm công bằng. Mặt khác, sau khi mở rộng lòng đường thì bề rộng vỉa hè còn lại rất nhỏ nên cần tận dụng thêm diện tích ở khoảng lùi để bù lại phần diện tích vỉa hè bị thu hẹp do mở rộng lòng đường nhằm có lối cho người đi bộ và trồng được cây xanh, bảo đảm cảnh quan, môi trường”.

Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Cao Đình Hải thông tin: “Phường có số lượng tuyến đường được đề xuất mở rộng nhiều nhất quận Sơn Trà với 18 tuyến đường. Qua lấy ý kiến của người dân, có 15 tuyến đường được hơn 50% hộ dân đồng ý mở rộng, trong đó có 8 tuyến đường được 100% hộ dân đồng ý. Trước mắt, sẽ triển khai mở rộng các tuyến đường mà người dân đồng thuận cao. Chúng tôi tin rằng, về lâu dài, khi thấy việc mở rộng các tuyến đường mang lại hiệu quả, người dân ở các tuyến đường còn lại sẽ đồng lòng thực hiện”.

Còn Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) Đặng Đức Nhật cho biết: “Đa số hộ dân ở các tuyến đường 3,5m, 3,75m có vỉa hè bảo đảm đủ điều kiện mở rộng lòng đường lên 5,5m đều đồng thuận chủ trương mở rộng đường vì đây cũng là nhu cầu và kiến nghị tha thiết của người dân mấy năm nay. Chỉ còn 2 tuyến đường có vỉa hè quá hẹp và khó bảo đảm hạ tầng để mở rộng nên người dân chưa đồng thuận. Vì thế, trước mắt mở rộng các tuyến đường có vỉa hè bảo đảm đủ điều kiện để làm trước; còn 2 tuyến đường có vỉa hè quá hẹp thì phường và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án phù hợp, triển khai sau”.

Đề xuất nhiều giải pháp

Bí thư Quận ủy Hải Châu Vũ Quang Hùng cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận những năm đến là mở rộng, nâng cấp các tuyến đường 3,5m, 3,75m và các tuyến kiệt, hẻm. Đặc biệt, những khu vực dân cư có các tuyến kiệt hẻm quá nhỏ, không bảo đảm các điều kiện thiết yếu sẽ từng bước triển khai tái thiết đô thị. Hiện nay, quận đang triển khai vận động thực hiện chủ trương thí điểm tái thiết đô thị khu vực phường Bình Hiên với phương án quy hoạch đô thị có tổng diện tích giải tỏa, thu hồi đất 1,75ha, bao gồm cả đất công cộng.

Ông Nguyễn Văn Cường (một kiến trúc sư ở quận Sơn Trà) đề xuất: “Với các tuyến đường có bề rộng 3,5m, 3,75m và tuyến kiệt, hẻm có vỉa hè hẹp hoặc không có vỉa hè, việc thu hồi thêm đất của dân để mở rộng đường là quá khó và dễ phá vỡ quy hoạch hiện tại. Do đó, cần điều chỉnh ngay quy hoạch lộ giới, chỉ giới xây dựng có dự kiến bề rộng lòng đường cũng như vỉa hè được mở rộng trong tương lai. Từ đó, các địa phương quản lý quy hoạch, xây dựng bằng cách là khi cấp giấy phép xây dựng, yêu cầu người dân xây dựng lùi vào một khoảng cách đủ rộng và cho phép nâng thêm tầng cao. Với cách làm như thế này, khoảng 20-30 năm đến, khi toàn bộ những nhà xây mới đều lùi vào sâu sẽ dễ dàng triển khai thi công mở rộng, nâng cấp đường, vỉa hè trên phần đất mà người dân đã nhường”.

Đồng tình với đề xuất quy hoạch lộ giới cho tương lai ở các tuyến đường có bề rộng nhỏ, chật hẹp nói trên, ông Nguyễn Nam (trú kiệt 68 Lê Đình Lý) cho rằng: “Hiện nay gia đình tôi đã tháo dỡ mặt tiền nhà, hiến 8m2 đất và tự bỏ kinh phí thêm 40 triệu đồng để cải tạo lại mặt tiền nhà, phục vụ cho việc mở rộng tuyến kiệt này lên 4m, đủ cho 2 chiếc ô-tô con lưu thông ngược chiều tránh nhau. Về tương lai, rõ ràng cũng cần quy hoạch lộ giới lên 5,5m hoặc rộng hơn nữa để người dân thống nhất thực hiện. Khi nhiều nhà dân xây dựng sau cùng lùi vào sâu với cho phép nâng thêm tầng cao, trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể mở được đường rộng thêm nữa, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”.

Phát huy bài học đồng thuận

Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố) bày tỏ: “Việc mở rộng các tuyến đường nhỏ, hẹp là cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Đối với các tuyến đường, kiệt, hẻm quá nhỏ mà diện tích đất thuộc sở hữu của các hộ dân cũng hạn chế thì cần nghiên cứu quy hoạch theo hướng giải tỏa đất và đưa người dân lên tầng cao, tái thiết đô thị... để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bố trí các tiện ích đô thị như: vườn dạo, công viên cây xanh cho người dân thụ hưởng. Việc này cần thực hiện ngay từ bây giờ vì giá đất còn rẻ. Nếu để thêm một thời gian nữa mới tiến hành thì giá đất tăng lên, sẽ rất khó thực hiện. Việc này thực hiện từ bây giờ cũng đã khó khăn và không tránh khỏi việc có nhiều người dân sẽ không đồng ý, nhưng phải quyết tâm làm. Chẳng hạn, cách đây 24 năm, khi người dân đang ở “nhà chồ”, chúng tôi vận động dân lên nhận đất để định cư, nhưng lúc đầu nhiều người dân không đồng ý, phải quyết tâm làm và vận động thì mới thực hiện được. Bây giờ cũng như vậy, phải quyết tâm làm và vận động nhân dân đồng thuận thực hiện”.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ: “Việc vận động người dân hiến đất để mở rộng các tuyến kiệt, hẻm gặp không ít khó khăn và khó nhận được sự đồng thuận 100% của các hộ dân. Nguyên nhân là nhà ở của một số hộ dân khá chật hẹp, thậm chí có nhà diện tích chưa đến 50m2 mà phải hiến ít nhất từ 3-4m2 đất; có hộ dân còn yêu cầu đền bù thiệt hại về đất. Chính vì vậy, cán bộ Mặt trận các cấp, hội, đoàn thể trong khu dân cư phải trực tiếp tìm hiểu, “gõ cửa” từng hộ dân, lắng nghe, nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của người dân để từng bước vận động. Việc mở rộng các tuyến đường, kiệt, hẻm mang lại nhiều lợi ích cho người dân nhưng để hoàn thành được những công trình này, vai trò của những người làm công tác dân vận rất quan trọng. Phải gần dân, hiểu dân, giải thích cho dân hiểu rõ thì mới thành công”.

Tiến sĩ Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đánh giá: “Hơn 20 năm qua, hưởng ứng chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân Đà Nẵng đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng chục ngàn m2 đất để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Khi mở rộng và nâng cấp nhiều tuyến đường ở nội thành, người dân đã hiến đất, thành phố không phải đền bù với trị giá hàng trăm tỷ đồng... Thời gian tới, thành phố cần tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm, thành tựu đã đạt được, tiếp tục khai thác các nguồn lực, trong đó có nguồn lực đất đai làm nền tảng, góp phần xây dựng và phát triển thành phố, thúc đẩy kinh tế-xã hội”.

Đà Nẵng thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” rất thành công

Trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã được thành phố thực hiện rất thành công. Từ cách đây 24 năm, khi mở rộng, nâng cấp các tuyến đường như: Lê Duẩn, Phan Thanh, Đống Đa, Nguyễn Thiện Thuật... người dân đã hiến đất để mở rộng đường và đóng góp tiền để xây dựng cầu Sông Hàn. Trong 12 năm trở lại đây, thành phố cũng đã rất thành công khi vận động được hàng ngàn hộ dân hiến đất để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường như: Phạm Như Xương, Tô Hiệu, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan, Tôn Đản, Lê Trọng Tấn, Lâm Hoành... và nhiều tuyến kiệt, hẻm. Điều này phản ánh sự đồng thuận, sự hy sinh, chia sẻ và tinh thần dựng xây thành phố của người dân Đà Nẵng. Đây còn là những điều kiện thuận lợi và kinh nghiệm quý trong việc vận động nhân dân thực hiện mở rộng các tuyến đường, kiệt, hẻm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hiện nay và trong thời gian đến.

Phát động phong trào hiến đất mở đường

Kiểm tra thực tế tại một số tuyến đường sẽ mở rộng ở quận Hải Châu và Sơn Trà vào ngày 23-3-2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng lưu ý, việc mở rộng, chỉnh trang các tuyến đường cần phải tính đến phương án hạ ngầm cáp quang, điện, viễn thông... và phải đồng bộ tất cả các tuyến đường để tiết kiệm nguồn lực rất lớn cho xã hội. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương phát động phong trào vận động người dân hiến đất để mở rộng đường. Việc này cần phải triển khai mạnh, tìm sự đồng thuận của người dân và nên giao lại quyền này cho các địa phương; đồng thời phải tham khảo các phương án triển khai để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân trong khu vực.

HOÀNG HIỆP - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.