Tạo động lực cho nghiên cứu khoa học và công nghệ

.

Khoa học và công nghệ được xem là một trong những chiến lược để phát triển kinh tế bền vững. Thời gian qua, thành phố ban hành các chính sách về khen thưởng trong hoạt động khoa học - công nghệ phù hợp với đặc thù của thành phố, góp phần tạo động lực cho đội ngũ trí thức, cán bộ nghiên cứu.

Đề tài nghiên cứu Ứng dụng LORA của khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng được Đại học Đà Nẵng và Liên hiệp các  Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố đánh giá cao về tính ứng dụng trong nghiên cứu khoa học. (Ảnh chụp tháng 12-2020)         		 Ảnh: X. BÌNH
Đề tài nghiên cứu Ứng dụng LORA của khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng được Đại học Đà Nẵng và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố đánh giá cao về tính ứng dụng trong nghiên cứu khoa học. (Ảnh chụp tháng 12-2020). Ảnh: X. BÌNH

Đánh giá cao tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, những năm qua, thành phố đã huy động các nhà khoa học đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc xây dựng quy chế khen thưởng trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN). Bắt đầu từ năm 2012, thành phố đã xét khen thưởng cho các công trình cấp thành phố trở lên được nghiệm thu đạt loại giỏi hoặc xuất sắc, các kết quả nghiên cứu mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Đến năm 2019, để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 248/2019/NQ-HĐND quy định về việc khen thưởng trong hoạt động KH&CN tại Đà Nẵng.

Theo đó, Sở KH&CN là cơ quan chủ trì xem xét, đánh giá hiệu quả ứng dụng của các kết quả nghiên cứu, từ đó lựa chọn những công trình KH&CN để tham mưu lãnh đạo thành phố xem xét khen thưởng. Các đối tượng xét duyệt được mở rộng; phạm vi các công trình cũng được bổ sung như sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ và có địa chỉ của chủ văn bằng ghi trên văn bằng là thành phố Đà Nẵng; bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học uy tín có địa chỉ của tác giả ghi trên bài báo là thành phố Đà Nẵng; các công trình đạt các giải thưởng về KH&CN có tác giả đang sinh sống hoặc học tập, lao động tại thành phố Đà Nẵng; công trình không sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện và ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và lĩnh vực KH&CN của thành phố...

Với các chính sách khen thưởng trên, số lượng các bài báo, công trình khoa học, giải pháp hữu ích được khen thưởng đã tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016, thành phố khen thưởng 4 công trình đạt giải tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc và đạt Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam, 3 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và 26 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế.

Năm 2018, thành phố đã khen thưởng cho 2 giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 1 công trình đạt giải Ba tại Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam, 1 nhóm tác giả đạt giải Nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2017 và đạt danh hiệu Sao Khuê 2018, 113 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục của Viện Thông tin khoa học Quốc tế Hoa Kỳ (ISI). Đặc biệt, trong năm 2020, bên cạnh 57 bài báo khoa học được khen thưởng còn có 4 công trình, sáng chế, giải pháp hữu ích của tác giả, nhóm tác giả đã được cấp văn bằng bảo hộ và đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi được UBND thành phố khen thưởng.

TS. Lê Thị Xuân Thùy, giảng viên khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) là một trong những nhà khoa học nhiều lần được thành phố khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN. Năm 2018, TS. Thùy được khen thưởng khi là tác giả duy nhất của hai giải pháp, sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ gồm “Thiết bị lọc nước ngầm đa năng” và “Phương pháp xử lý nước thải nhiễm i-on kim loại nặng bằng vật liệu từ Gamma Polyglutamic Acid. Trong tháng 5-2021, TS. Thùy tiếp tục được khen thưởng với vai trò đồng tác giả của giải pháp “Thiết bị nuôi trùn quế đa tầng để xử lý chất thải nông nghiệp”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Các giải pháp này là kết quả của nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn và đều hướng đến lợi ích của người dân, cộng đồng. Cũng từ đó, TS. Thùy tiếp tục hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, đề tài thạc sĩ liên quan. “Những gì có thể giúp ích cho xã hội thì tôi luôn nỗ lực làm vì đó là trách nhiệm và tâm huyết của một nhà khoa học. Việc được công nhận và cấp bằng sáng chế với tôi là niềm vinh hạnh và sự khích lệ đối với những người làm nghiên cứu khoa học vì cộng đồng”, TS. Thùy chia sẻ.

Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN, công tác khen thưởng trong hoạt động KH&CN tại thành phố đã được đổi mới so với trước đây. Việc đầu tư cho con người, cho chất xám cũng như chính sách đãi ngộ người tài là đầu tư chiến lược cho sự phát triển thịnh vượng và phát triển bền vững của thành phố. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII đã khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển KH&CN; đồng thời đặt ra yêu cầu huy động các nguồn lực tham gia vào việc thúc đẩy nhanh quá trình phát triển thành phố trở thành đô thị thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, nhiều tập thể đã mạnh dạn theo đuổi các hướng nghiên cứu mới đạt trình độ quốc tế, nhiều cán bộ khoa học trẻ đã sớm có uy tín trên các diễn đàn khoa học khu vực và thế giới. Từ đó, sẽ giúp đóng góp thiết thực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

PHONG LAN - XUÂN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.