Phòng, chống dịch trên các công trình xây dựng

.

Nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa phòng, chống Covid-19,  các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố vẫn duy trì thi công và thực hiện 5K theo quy định.

Công nhân làm việc tại các công trình xây dựng luôn tuân thủ phương án phòng, chống Covid-19. TRONG ẢNH: Thi công hoàn thiện cầu qua sông Cổ Cò.	  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Công nhân làm việc tại các công trình xây dựng luôn tuân thủ phương án phòng, chống Covid-19. TRONG ẢNH: Thi công hoàn thiện cầu qua sông Cổ Cò. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Thực hiện nghiêm quy định 5K

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho biết, theo nội dung Công văn số 4537/UBND-KGVX ngày 22-7-2021 của UBND thành phố về việc “bổ sung các biện pháp cấp bách công tác phòng, chống Covid-19 trong tình hình hiện nay”, không cấm hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, nhà thầu phải ban hành phương án thi công gắn với cam kết phòng, chống dịch tại công trình lẫn nơi lưu trú cho công nhân. Sở Xây dựng đã phân cấp quản lý và đề nghị UBND các quận, huyện chủ động kiểm tra các công trình xây dựng, kể cả hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Nguyễn Minh Huy cho hay, là đơn vị điều hành nhiều dự án đầu tư xây dựng nên có hàng trăm công nhân làm việc thường ngày. Do đó, việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh tại các công trường là rất quan trọng. Do tính chất nghề nghiệp, các công nhân xây dựng tại các dự án thường tới từ nhiều địa phương khác nhau trên cả nước, nên đơn vị thực hiện hết sức nghiêm ngặt theo quy định.

Qua kiểm tra, giám sát tại một số công trình như: dự án nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, cầu qua sông Cổ Cò... cho thấy, công tác chống dịch được tuân thủ theo thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - không tụ tập - khai báo y tế - khoảng cách).

Với phương châm “chống dịch hơn chống giặc”, các cá nhân ra, vào công trình đều phải đo thân nhiệt. Đội ngũ giám sát, công nhân buộc phải đeo khẩu trang bên cạnh các thiết bị bảo hộ. Với trách nhiệm cảnh giác, chủ động ứng phó nên ngày 23-7, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã có văn bản yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện các biện pháp thi công bảo đảm chống dịch, trong đó giữ khoảng cách 2m giữa người với người trong quá trình lao động.

Nhiều sáng kiến phòng, chống dịch

Anh Lê Nguyên Vũ, chủ thầu công trình xây dựng khách sạn tại đường Hoàng Kế Viêm (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Tiến độ thi công là một trong những giá trị của nhà thầu. Vì phải hoạt động trong bối cảnh Covid-19 nên ngoài việc bảo đảm an toàn trong lao động thì chúng tôi quan tâm đặc biệt đến khuyến cáo của Bộ Y tế. Việc tách biệt khu vực công trường và khu vực nghỉ ngơi nhằm đề phòng dịch bệnh lây lan trong trường hợp xấu nhất để công trình không bị ngừng thi công. Đặc biệt, khi làm việc, chúng tôi luôn cố gắng giữ khoảng cách 2m và không tụ tập đông người khi hết ca làm”.

Hiện nhiều công trình trên địa bàn thành phố có sáng kiến chia ca làm việc theo nhiều khung giờ. Tại công trình nâng cấp cải tạo Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng khi thi công dự án đã nắm rõ lý lịch, hành trình di chuyển của công nhân trước khi vào làm việc tại công trường. Điều này hỗ trợ tốt cho quá trình truy vết F1, F2... trong trường hợp không may có ca lây nhiễm.

Anh Nguyễn Văn Bé, làm việc tại công trình xây dựng tại Khu Công nghệ thông tin tập trung cho hay, ban chỉ huy công trình thường xuyên vệ sinh công trường sau ngày làm việc, cung cấp khẩu trang và dung dịch rửa tay cho công nhân nhằm tối đa hóa công tác phòng dịch.

Khó khăn hiện nay là một số công trình xây dựng đang triển khai và phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng. Giá cả vật liệu như: cát, đá, sỏi... tăng cao do khan hiếm nguồn cung. Thực tế này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành của công trình, nhà thầu đang đứng trước nguy cơ bị phạt tiến độ.

Mặt khác, do ảnh hưởng của Covid-19, việc vận chuyển vật liệu xây dựng từ các địa bàn khác đến chân công trình cũng khó khăn và kéo dài hơn do phải thực hiện giãn cách, khai báo y tế, kiểm dịch... Nguồn nhân lực huy động tại công trường cũng bị thiếu hụt, trong khi việc điều động nhân sự ở những vùng khác đến thi công không phải là dễ dàng.

Ở nhiều địa bàn xây dựng đặc thù hoặc trong vùng có dịch diễn biến phức tạp, tiến độ xây dựng phải hoãn, giãn nên ảnh hưởng tổng thể tiến độ toàn công trình. Trong khi đó, nguồn vốn bố trí cho các dự án chưa kịp thời, ở nhiều gói thầu, tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với tiến độ thi công khiến nhà thầu gặp trở ngại trong việc tiếp tục huy động nguồn lực tài chính để thực hiện công trình.

Để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, cần sớm có giải pháp điều chỉnh bù giá vật tư, vật liệu có biến động lớn thời gian qua. Các chủ đầu tư cần bố trí nguồn vốn kịp thời để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho nhà thầu, bảo đảm thi công kịp tiến độ. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền nên xem xét tình hình thực tế ở các công trình bị ảnh hưởng, giãn tiến độ thực hiện cho nhà thầu. Trong một số trường hợp, không xử phạt nhà thầu vì chậm tiến độ thực hiện do các nguyên nhân khách quan.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.