Tìm giải pháp khôi phục ngành du lịch

.

Các doanh nghiệp, những người làm du lịch trên địa bàn thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và nỗ lực, tìm hướng để vượt qua giai đoạn này.

Ngành du lịch đang nghiên cứu các sản phẩm du lịch để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách khi các hoạt động du lịch được cho phép mở cửa trở lại. Trong ảnh: Du khách tham gia các hoạt động thể thao tại biển Đà Nẵng. (Ảnh chụp tháng 4-2021)							  Ảnh: NHẬT HẠ
Ngành du lịch đang nghiên cứu các sản phẩm du lịch để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách khi các hoạt động du lịch được cho phép mở cửa trở lại. TRONG ẢNH: Du khách tham gia các hoạt động thể thao tại biển Đà Nẵng. (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: NHẬT HẠ

Chị T.T.H, Phó Giám đốc điều hành một khách sạn 4 sao trên đường Võ Nguyên Giáp chia sẻ, những năm trước, mùa hè được xem là mùa bội thu của ngành du lịch Đà Nẵng. Nhân viên khách sạn làm việc từ sáng tới tối, khách sạn không lúc nào ngớt người ra vào. Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến cục diện thay đổi. Nhiều khách sạn phải đóng cửa tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Dịch bệnh cũng tạo tâm lý e ngại cho du khách khi đi du lịch. Do đó, cần có thời gian để ngành du lịch phục hồi trở lại.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đang duy trì hoạt động, cố gắng giữ chân những lao động chủ chốt để đợi khi du lịch phục hồi sẽ có người làm việc. Tuy nhiên, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng: “Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì khả năng nhiều doanh nghiệp khó giữ chân các lao động chủ chốt. Việc thiếu lao động khi ngành du lịch phục hồi là có nhưng sẽ không quá cấp bách vì ngành du lịch cần thời gian để phục hồi nên lao động cũng theo đó mà phát triển”.

Ông Cao Trí Dũng cũng cho biết thêm, việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch sẽ thực hiện theo chủ trương phòng, chống dịch của thành phố và Chính phủ, cho tới đâu làm tới đó. Trước mắt cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thông qua các gói giải cứu mới, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, giảm thuế, phí; tạo điều kiện để người lao động ngành du lịch tiếp cận các gói vay hỗ trợ. Đồng thời, hiệp hội cũng đề xuất cho doanh nghiệp du lịch cũng như những người làm du lịch sớm tiếp cận tiêm vắc-xin. Qua các đợt dịch, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đều cho rằng đến thời điểm này, để hoạt động du lịch trở lại bình thường phải có vắc-xin để tạo hành lang an toàn cho người lao động trong ngành, khi đó mới có thể tính đường dài được.

Thời gian tới, ngành du lịch sẽ không triển khai các hoạt động kích cầu lớn như trước kia vì hiện nay các thị trường tiềm năng từ hai đầu đất nước cũng đang gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Hiệp hội, ngành du lịch sẽ triển khai các gói nhỏ hơn, khoanh vùng thị trường khách gần, thị trường tại chỗ, khách đi lẻ. “Năm nay sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2020 vì nếu theo kịch bản lạc quan nhất, dịch bệnh sớm được khống chế trong tháng 7 sẽ có khách lẻ, khách địa phương.

Còn nếu dịch bệnh kéo dài, với tâm lý e ngại, khách sẽ không đi du lịch thì mất cả mùa hè. Tới tháng 8, tháng 9 không còn là mùa cao điểm khách nội địa nữa mà Đà Nẵng bắt đầu vào mùa mưa nên các doanh nghiệp sẽ chỉ còn cơ hội vào thị trường khách khen thưởng hội thảo, hội nghị cuối năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch ở thời điểm này cũng xác định chỉ khi nào có vắc-xin thì mới có thể triển khai được các kế hoạch lâu dài”, ông Cao Trí Dũng cho hay.

Được biết, kế hoạch 6 tháng cuối năm, ngành du lịch thành phố cũng đưa ra các kịch bản tăng trưởng dưới tác động của dịch bệnh trong năm 2021 và các giải pháp tương ứng, trong đó có các nhóm giải pháp tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và nguồn nhân lực du lịch, tạo động lực và hướng dẫn giúp doanh nghiệp duy trì đội ngũ nhân viên chủ chốt, sẵn sàng phục vụ khi khách quay trở lại Đà Nẵng; đẩy mạnh chương trình du lịch tại chỗ (Staycation) đối với các phân khúc nhóm nhỏ, gia đình, học sinh...; nghiên cứu thị trường truyền thống, quảng bá thu hút khách khi dịch bệnh hoàn toàn được khống chế.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương cho biết, cùng với các hoạt động phòng, chống dịch, thời gian tới ngành sẽ đẩy mạnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh các giải pháp để triển khai Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 13-4-2021 về khôi phục hoạt động du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2022 và tham mưu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19; triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch năm 2021. Trong đó, tập trung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ nguồn nhân lực du lịch; xây dựng kế hoạch nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, nghiên cứu các sản phẩm du lịch; tiến hành khảo sát (hành vi, xu hướng, tâm lý, từ khóa tìm kiếm của khách) nhu cầu du lịch trở lại của khách du lịch nội địa thông qua các nền tảng công cụ trên internet để định hướng cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch phù hợp.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.