Siết chặt phòng, chống dịch tại khu công nghiệp

.

Tại nhiều khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố, hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung cùng lúc nhiệm vụ “kép” là đẩy mạnh hoạt động sản xuất và bảo đảm phòng, chống dịch. Việc chống dịch đang được đẩy lên cấp độ cao, nhất là khi có ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam (đường số 2, KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ).

Các doanh nghiệp đẩy mạnh phòng, chống dịch đồng thời bảo đảm sản xuất, kịp tiến độ giao hàng.Ảnh: PHẠM ĐĂNG KHIÊM
Các doanh nghiệp đẩy mạnh phòng, chống dịch đồng thời bảo đảm sản xuất, kịp tiến độ giao hàng. Ảnh: PHẠM ĐĂNG KHIÊM

Lấy mẫu, cách ly nhanh chóng

Tại Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam (đường số 2, KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) nơi có 2.400 công nhân tham gia lao động, sau khi phát hiện 5 ca F0 vào ngày 11-8 đã tạm dừng hoạt động trong 7 ngày và tiến hành khử khuẩn toàn bộ công ty. Các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly theo đúng quy định và cách ly tại nhà trường hợp F2. Đối với số lượng công nhân còn lại, trong một tuần nghỉ việc ở nhà được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần.

Ông Nguyễn Vũ Khoa Nguyên, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi đã áp dụng nghiêm ngặt toàn bộ những khuyến cáo về công tác phòng, chống dịch. Từ đầu năm đến nay, công ty luôn bảo đảm được tiến độ giao hàng cho các đối tác tại thị trường Nhật Bản, chưa từng để đứt mạch sản xuất dù có thời điểm xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 vào đầu tháng 7. Đây là cố gắng lớn của đơn vị cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền các cấp. Chúng tôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế để doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, công nhân có việc làm và thu nhập”, ông Nguyễn Vũ Khoa Nguyên nói.

Theo đại diện bộ phận nhân sự của Công ty TNHH Martrix Việt Nam (KCN Hòa Cầm), hiện 4 F1 liên quan đến F0 từ Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam đã được đưa đi cách ly, các F2 cũng được cho nghỉ việc tại nhà để cách ly theo đúng quy định. Công ty đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ số công nhân còn lại và chờ kết quả, đồng thời tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên đơn vị.

Sau khi xuất hiện các ca nhiễm F0 tại Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm (đơn vị quản lý KCN Hòa Cầm) một mặt đã nhanh chóng phối hợp cùng lực lượng y tế và quận Cẩm Lệ tiến hành xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng ngay trong ngày 10 và 11-8. Mặt khác, thực hiện tuyên truyền cho các doanh nghiệp nâng cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng trực chốt tại cổng ra, vào KCN để kiểm tra việc ra/vào của công nhân, khách lạ... thông qua giấy đi đường.

“Với những doanh nghiệp có xuất hiện ca F0, chúng tôi đã phối hợp triển khai xét nghiệm lấy mẫu với SARS-CoV-2, yêu cầu cách ly nghiêm ngặt, giám sát các đối tượng F1, F2, F3. Đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) và các KCN trong việc tiêm phòng vắc-xin cho công nhân”, ông Bùi Đức Lợi, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm cho biết.

Hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa đẩy mạnh các biện pháp chống dịch. TRONG ẢNH: Hoạt động  sản xuất tại Công ty TNHH Apple Film (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). 	        Ảnh: KHÁNH HÒA
Hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa đẩy mạnh các biện pháp chống dịch. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Apple Film (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: KHÁNH HÒA

Doanh nghiệp duy trì phương án “3 tại chỗ”

Trong khi đó, tại 2 KCN đang nằm trong vùng cách ly y tế là KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang và KCN Đà Nẵng (quận Sơn Trà), một số doanh nghiệp duy trì hoạt động cầm chừng để đáp ứng cho các đơn hàng theo hợp đồng đã ký. Ông Nguyễn Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Massda Land (đơn vị quản lý KCN Đà Nẵng) thông tin, các doanh nghiệp trong KCN Đà Nẵng hiện gặp khó khăn ở việc vận chuyển hàng hóa nên các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, dịch vụ đã tạm dừng hoạt động khá nhiều. Các công ty còn hoạt động cơ bản vẫn duy trì ổn định hình thức “3 tại chỗ”.   

Có nhà máy tại KCN Đà Nẵng, Công ty TNHH Trùng Khoa đã tổ chức “3 tại chỗ” cho 20 nhân viên của công ty từ giữa tháng 7 đến nay. Bà Nguyễn Thị Thịnh, Giám đốc công ty cho hay, việc tổ chức “3 tại chỗ” cho công ty để đáp ứng các đơn hàng theo những hợp đồng quan trọng. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa vào thời điểm này rất khó nên công ty sẽ sắp xếp giải pháp phù hợp, thương lượng với các đối tác về tình hình hiện nay. Công ty cũng quán triệt các nhân viên đang “3 tại chỗ” ở công ty nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện sát khuẩn xưởng in bằng Cloramin B sau khi kết thúc mỗi ca làm việc.

Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (đơn vị quản lý KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang và KCN Hòa Khánh) cho biết, tới sáng ngày 12-8, 5/6 doanh nghiệp sản xuất thủy sản đang hoạt động với 30-50% công suất. Còn các doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) vẫn đang hoạt động trong điều kiện thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống Covid-19, trong đó một số doanh nghiệp tiếp tục duy trì “3 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc Công ty CP Vinatex Quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng (đường số 3, KCN Hòa Khánh) cho hay, từ ngày 17-7, công ty đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động sang sản xuất “3 tại chỗ” cho khoảng 400 công nhân và tới cuối tháng 7 vừa rồi là 500 công nhân luân phiên làm việc 3 ca để bảo đảm tiến độ các đơn hàng. Với việc tổ chức “3 tại chỗ” như vậy, chi phí của công ty tăng lên khá nhiều, tuy nhiên, công ty chấp nhận chi phí phát sinh để đổi lấy an toàn và uy tín của mình.

“Để công nhân yên tâm làm việc, công ty đã tuyên truyền, vận động để công nhân hiểu và đồng tình. Việc vừa đi làm, vừa trở về và sinh hoạt tại địa phương trong điều kiện dịch bệnh thì có nguy cơ người lao động sẽ không an toàn, có khả năng mang mầm bệnh vào công ty. Vì vậy, ở lại công ty là cần thiết. Đây cũng là cách đồng hành cùng công ty và chính quyền để nhanh chóng đẩy lùi Covid-19 trong giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi tin tưởng thành phố sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, khống chế dịch bệnh”, ông Trực chia sẻ.

Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để công tác phòng, chống dịch hiệu quả hơn, ngoài nỗ lực duy trì an toàn của doanh nghiệp, cần nâng cao ý thức của công nhân ngay tại nơi họ sinh sống cũng như siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng theo phương châm “ai ở đâu ở yên đó”, “một cung đường hai điểm đến”.

Thông tin từ ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban quản lý KCNC và các KCN thành phố Đà Nẵng, trước các ca nhiễm mới tại KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ), đơn vị đã chỉ đạo các KCN trên địa bàn nâng cao công tác phòng, chống dịch. Thời gian qua, ngoài các giải pháp thông thường như thực hiện 5K, áp dụng chia ca, giãn cách số lượng công nhân trong nhà máy... Ban quản lý KCNC và các KCN thành phố còn triển khai mạnh hai giải pháp đồng bộ là tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng toàn bộ công nhân tại các KCN luân phiên 3 ngày/lần đi cùng với đẩy nhanh công tác tiêm ngừa Covid-19. Trong đợt 1, đã tiến hành tiêm vắc-xin cho 1.500 công nhân, đợt 2 dự kiến tiêm cho 17.000 công nhân trên toàn địa bàn thành phố.

KHÁNH HÒA - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích