Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mong muốn sớm được tiếp cận các chương trình hỗ trợ tín dụng, giãn nợ, giảm lãi suất vay vốn từ phía các ngân hàng trong thời điểm khó khăn do Covid-19.
Doanh nghiệp mong muốn được giảm lãi suất và giãn lãi vay ngân hàng trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế, quận Liên Chiểu. Ảnh: M.QUẾ |
Hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về xoay vòng, luân chuyển nguồn vốn vì nguyên, vật liệu nhập về còn tồn nhiều, trong khi kinh doanh gián đoạn và vẫn phải trả các chi phí, lương cho người lao động đầy đủ.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng DNC (quận Thanh Khê) cho hay, mặc dù đã tạm ngừng kinh doanh gần hai tháng nay nhưng vẫn phải trả gần 100 triệu đồng/tháng tiền lương cho 10 người lao động của công ty. Hằng tháng, công ty phải trả khoảng 80 triệu đồng tiền vay ngân hàng, tuy nhiên, trong hai ngân hàng mà công ty đang vay, chỉ có một ngân hàng giảm 0,2% lãi suất trong vài tháng, còn ngân hàng kia vẫn duy trì lãi suất 8%/tháng; cả hai ngân hàng đều không giãn nợ.
Tương tự, các cửa hàng của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại BQ đã đóng cửa phần lớn thời gian trong 4 tháng gần đây, dẫn đến tình trạng sản phẩm giày dép cho thị trường hè - thu đến nay đã lỗi mốt và tồn đọng vốn.
Ông Phan Hải, Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được việc hỗ trợ giảm lãi suất hay giãn nợ nào từ phía ngân hàng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác lại gặp khó khăn về xoay vòng vốn để nhập nguyên liệu sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (quận Liên Chiểu) bày tỏ, do tình hình dịch bệnh phức tạp, kế hoạch sản xuất của công ty bị thu hẹp, nhiều đơn hàng xuất khẩu gặp khó khăn, ngược lại giá cước vận tải tăng cao vì nhiều chi phí phát sinh. Hiện nguồn nguyên liệu của công ty này chủ yếu linh hoạt từ nguồn tại chỗ, tồn kho nhưng cũng chỉ đủ đáp ứng để duy trì sản xuất trong thời gian ngắn hạn. Nếu dịch bệnh còn kéo dài sẽ rất khó để công ty tiếp tục hoạt động vì thiếu nguồn nguyên liệu trong những tháng cuối năm. Do đó, công ty mong muốn có thêm các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đơn cử như các hỗ trợ về tín dụng...
Qua tìm hiểu, thực tế vẫn có một số doanh nghiệp được giảm lãi suất nhưng không đáng kể với mức 0,1-0,3%/năm. Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng thông tin, nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ các gói tín dụng phù hợp, cụ thể là các hỗ trợ về tín dụng, tài chính.
“Một số doanh nghiệp mới chỉ nhận được hỗ trợ về vay vốn để trả lương cho người lao động, trong khi nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng khác vẫn chưa dễ tiếp cận vì còn vướng về thủ tục, quy định vay vốn từ phía ngân hàng. Do đó, rất cần có các chính sách kịp thời, giải pháp hỗ trợ tín dụng như: giảm thêm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cân đối, giãn thời hạn đáo hạn nợ…, cũng như xem xét, thẩm định về thủ tục, điều kiện cho vay, tiêu chí để chứng minh thiệt hại do dịch bệnh một cách phù hợp và bảo đảm các quy định”, ông Bình đề cập.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng cho biết, sau khi UBND thành phố có văn bản về việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân vay vốn tháo gỡ khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động để phục vụ phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7-9-2021. Trong đó, quy định thời gian cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng đến ngày 30-6-2022, thay vì đến ngày 31-12-2021 như trước đây.
Theo ông Minh, với các đối tượng doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 sẽ làm việc với ngân hàng thương mại để giãn nợ. Còn giảm lãi suất cho vay thì tùy theo nhận định của mỗi ngân hàng thương mại về mức độ ảnh hưởng của Covid-19 tới khách hàng cụ thể như thế nào thì mỗi ngân hàng sẽ có giải pháp phù hợp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, tính đến ngày 31-8, tổng dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn thành phố là hơn 63.350 tỷ đồng, chiếm 33,6% tỷ trọng dư nợ. Số dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế tại cuối kỳ báo cáo (bao gồm gốc, lãi) là 7.030 tỷ đồng với 3.734 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (bao gồm gốc, lãi) là 12.368 tỷ đồng với 6.344 khách hàng. Dư nợ được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ tại cuối kỳ báo cáo là 3.236 tỷ đồng với 434 khách hàng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được miễn giảm lãi là 6.080 tỷ đồng, với số lãi 20,11 tỷ đồng với 772 khách hàng. Số cho vay mới từ đầu năm 2020 đến 30-8-2021 là 271.724 tỷ đồng, số dư nợ là 21.675 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ là 6.995 khách hàng; giảm lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ 0,5-1,5% so với mức lãi suất cho vay hiện hành. |
MAI QUẾ