Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

.

Thành phố Đà Nẵng xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nền kinh tế, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trên cơ sở đó, thành phố tích cực triển khai nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Trên cơ sở các cơ chế, chính sách vĩ mô đã có, thành phố tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều giải pháp cụ thể, sát thực tiễn nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Huỳnh Đức. Ảnh: KHÁNH HÒA
Trên cơ sở các cơ chế, chính sách vĩ mô đã có, thành phố tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều giải pháp cụ thể, sát thực tiễn nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Huỳnh Đức. Ảnh: KHÁNH HÒA

Thời gian qua, thành phố đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia, phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực công nghiệp được ban hành và đi vào thực tiễn như: Nghị định số 04/2018/NĐ-CP của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố; chính sách khuyến công; Đề án phát triển thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ưu tiên; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ... Qua đó, bước đầu phát huy tác dụng khi một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã được hưởng lợi từ chính sách, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Là nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất lớn trong và ngoài thành phố, Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Huỳnh Đức (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu) là một trong số những đơn vị nhận được kinh phí hỗ trợ 2 tỷ đồng theo chính sách của thành phố để đầu tư máy móc thiết bị phục vụ phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Ông Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc công ty bày tỏ: “Đây là khoản hỗ trợ hữu ích nhằm ghi nhận sự nỗ lực của đơn vị trong thời gian hơn 20 năm hình thành và phát triển. Điều này cũng tạo cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục mở rộng, nâng cao ngành nghề sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác như: khuôn mẫu, đồ gá, chi tiết máy (bu-lông, ốc vít, ổ bi, bạc lót, bánh răng, van, khớp các loại, vỏ máy...) với quy mô công suất 400 tấn sản phẩm/năm”.

Báo cáo chuyên đề về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Sở Công Thương cung cấp nêu rõ, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua nhưng cơ hội phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang rộng mở khi nhiều công ty, tập đoàn lớn có xu hướng đa dạng chuỗi cung ứng tại nhiều quốc gia thay vì chỉ một quốc gia. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến được quan tâm lớn. Riêng tại Đà Nẵng, bên cạnh các cơ chế, chính sách đã được ban hành, hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp mới đang được tập trung đầu tư, xây dựng và sớm đưa vào vận hành là những tiền đề quan trọng để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển vượt bậc hơn trong thời gian tới.

Thành phố tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Bích Hạnh (huyện Hòa Vang), nhà cung ứng sản phẩm tủ điện cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. 							 					     Ảnh: KHÁNH HÒA
Thành phố tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Bích Hạnh (huyện Hòa Vang), nhà cung ứng sản phẩm tủ điện cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, hiện nay thành phố đang đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Nếu khu công nghiệp hỗ trợ này đi vào hoạt động sẽ giải quyết cùng lúc bài toán về mặt bằng cho những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mong muốn đầu tư vào thành phố, cũng như hình thành doanh nghiệp vệ tinh cho doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Trong kế hoạch xúc tiến thu hút đầu tư trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung vào các tập đoàn lớn có nhu cầu mở rộng đầu tư, dịch chuyển đầu tư trong khu vực; chú trọng thu hút đầu tư tại chỗ.

Theo thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương, trên cơ sở các cơ chế, chính sách vĩ mô đã có, thành phố tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố. Đó là tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, số hóa dữ liệu về doanh nghiệp, nhân lực trong từng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thông tin về khu, cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ ban hành cơ chế thí điểm và thực hiện một số chính sách hỗ trợ đặc thù đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao; thực hiện chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi đối với dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ ưu tiên từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố theo hướng tạo thuận lợi hơn về điều kiện và hạn mức vay...

Thành phố cũng đang nghiên cứu, xây dựng chính sách xúc tiến, thu hút đầu tư, trong đó chú trọng thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong và ngoài nước, các dự án FDI quy mô lớn; ưu tiên tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tham quan, học tập, kết nối cung cầu; tập trung các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy hoạt động liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài thành phố; tăng cường kết nối với các địa phương khác ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong việc nghiên cứu, phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp chung về phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Trong định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, thành phố xác định tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp công nghệ cao, điện tử - viễn thông, sản xuất - lắp ráp ô-tô, cơ khí trọng điểm. Về sản phẩm, ưu tiên phát triển các sản phẩm sản xuất linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các ngành công nghiệp ưu tiên.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích