Hỗ trợ kịp thời, giúp lao động gắn bó với doanh nghiệp

.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp lựa chọn giảm doanh thu để bảo đảm nguồn thu nhập cho công nhân, duy trì hoạt động sản xuất, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giữ chân người lao động. Nhờ đó, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất diễn ra nhanh chóng hơn.

 Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động sẽ giúp họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: KHÁNH HÒA
Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động sẽ giúp họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: KHÁNH HÒA

Chọn người lao động thay vì doanh thu, lợi nhuận

Trong những tháng qua, nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP VBPO, Công ty CP Dệt may 29-3... đã linh hoạt thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lực lao động như: thuê khách sạn cho công nhân thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “3 tại chỗ” với giao khoán việc, khoán sản phẩm để người lao động nhận về nhà làm hay tăng tiền lương và thưởng để khích lệ người lao động nâng cao năng suất. Đơn cử như Công ty CP VBPO, để bảo đảm đời sống cho hàng trăm nhân viên trong giai đoạn dịch bệnh, doanh  nghiệp giảm doanh thu khoảng 30%.  

Theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Đà Nẵng đối với gần 500 hội viên trực thuộc VCCI Đà Nẵng (79,14% doanh nghiệp dân doanh, 15,83% doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, 5,03% doanh nghiệp Nhà nước), trong hơn 3 tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp duy trì hoạt động cao nhất với 37,97%; công nghệ thông tin, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất giấy… có tỷ lệ doanh nghiệp duy trì hoạt động cao thứ hai với 21,52%; lĩnh vực vận tải, kho bãi với tỷ lệ 12,66%. Mặc dù công suất giảm do Covid-19, nhưng phần lớn các doanh nghiệp không chọn giải pháp cắt giảm lao động, chỉ giảm lương, giảm giờ làm, bố trí lao động sản xuất luân phiên.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết, trong thời điểm khó khăn nhất, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn bảo vệ quyền lợi của người lao động thay vì mục tiêu lợi nhuận. Một trong những yếu tố tiên quyết giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn duy trì được hoạt động, giữ vững chuỗi cung ứng và nhanh chóng tái khởi động ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát là luôn nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của lực lượng lao động.

Đây là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, thành phố nói chung trong thời gian qua. Nhờ đó, dù dịch bệnh kéo dài nhiều tháng, nhưng Đà Nẵng không xảy ra tình trạng “chảy máu” nguồn lao động. Điều này góp phần quan trọng để doanh nghiệp nhanh chóng tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh với công suất đạt hơn 90% ngay sau khi thành phố trở về trạng thái bình thường mới, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Dù gặp khó khăn do Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bảo đảm nguồn thu nhập cho công nhân, duy trì hoạt động sản xuất. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất tại Công ty TNHH Bắc Đẩu (Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà). Ảnh: KHÁNH HÒA
Dù gặp khó khăn do Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bảo đảm nguồn thu nhập cho công nhân, duy trì hoạt động sản xuất. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất tại Công ty TNHH Bắc Đẩu (Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà). Ảnh: KHÁNH HÒA

Tiếp tục đồng hành người lao động

Trong hàng loạt các kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, các nội dung liên quan đến bảo đảm quyền lợi của người lao động luôn được các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Các sở, ban, ngành thành phố cũng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đồng hành doanh nghiệp giữ chân người lao động, bảo đảm cho mục tiêu tăng tốc sản xuất cuối năm.

Thông tin từ Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN), Công đoàn thực hiện nhiều hoạt động để chăm lo cho 2.520 đoàn viên, người lao động thuộc các trường hợp bị mất việc làm, giảm thu nhập; là F0 hoặc bị cách ly, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, ở nhà trọ, lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, bị bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Công đoàn KCNC&CKCN còn hỗ trợ trực tiếp cho gần 50 người lao động ở nhà trọ, thiếu nhu yếu phẩm sinh hoạt, bị ốm đau; thăm và tặng quà 11 doanh nghiệp với tổng số tiền 125 triệu đồng; kịp thời hỗ trợ bữa ăn cho 6.418 đoàn viên, người lao động ở 64 doanh nghiệp với tổng số tiền 6,418 tỷ đồng; phát 260 tấn rau, củ, quả cho hơn 80 doanh nghiệp tổ chức thực hiện phục vụ bữa ăn cho người lao động trong thời gian thực hiện quy định giãn cách của thành phố (đối với các doanh nghiệp “3 tại chỗ”).

“Chúng tôi đã và đang đôn đốc các đơn vị thực hiện hồ sơ cho người lao động thụ hưởng chính sách chế độ hỗ trợ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động và các quy định khác của Bộ luật Lao động đến với lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động. Trong tháng 11 này, sẽ chi hỗ trợ cho các trường hợp công nhân lao động là F0 với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người; 1,5 triệu đồng/người cho các trường hợp F1, F2 có hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí hỗ trợ đợt này là 3,6 tỷ đồng”, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn KCNC&CKCN cho biết.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, trong đó có các nội dung hỗ trợ người lao động, ông Nguyễn Tiến Quang cho rằng, hiện nay, kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khá lớn, do đó cần đẩy mạnh chi hỗ trợ kịp thời cho người lao động. Bảo hiểm xã hội nhanh có giải pháp đơn giản hóa các thủ tục, ưu tiên trong việc chuyển trực tiếp tiền trợ cấp thất nghiệp đến người lao động. Công đoàn các cấp tiếp tục có giải pháp hỗ trợ thêm cho người lao động tại thành phố Đà Nẵng. Khoản hỗ trợ này không cần thông qua các doanh nghiệp mà chuyển trực tiếp đến người lao động bằng tài khoản ngân hàng. Đây là hành động thiết thực để người lao động yên tâm công tác. Về lâu dài, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các cấp ngành cần triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động; thực hiện có hiệu quả các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động; nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hoạt động sàn giao dịch việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm...

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích
Tin đăng việc làm ngân hàng tại Vieclam24h tuyển sinh du học hàn quốc Cách tạo cv đẹp, chất lượngĐại lý Bếp từ tại Phú Thọ Tìm kiếm Đại lý máy lạnh Mitsubishi Heavy chính hãng thẩm định giá Nghệ An