Giai đoạn 2021-2030, thành phố tập trung nâng cấp các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) hiện có, hình thành một số KCN, CCN mới nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương để làm rõ hơn về nội dung này.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương. |
* Hiện nay, tiến độ hình thành các KCN, CCN mới và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào những nơi này sẽ như thế nào, thưa bà?
- Hiện thành phố có 3 KCN mới đang triển khai các bước để hình thành gồm: KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Cầm giai đoạn 2. Đến nay, thành phố đã hoàn tất việc công bố tiền đầu tư hạ tầng, áp giá tiền giải phóng mặt bằng và tái định cư, số lô tái định cư và giá sàn. Liên quan đến thủ tục lựa chọn nhà đầu tư các KCN nói trên, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17-3-2015 của Chính phủ, tuy nhiên đã có chủ trương hủy thầu sơ tuyển vì không có nhà đầu tư nào đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo hồ sơ mời sơ tuyển được duyệt.
Hiện nay, Ban quản lý đã tham mưu UBND thành phố trình hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư để Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Đối với các CCN mới gồm CCN Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc, hiện thành phố đã phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối 4 CCN này. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Cẩm Lệ từ nguồn vốn ngân sách thành phố do UBND quận Cẩm Lệ làm chủ đầu tư đã hoàn thành khoảng 90% công tác giải phóng mặt bằng và thi công hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1; giai đoạn 2 đã thi công khoảng 30% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Hiện nay, Sở Công Thương đã báo cáo UBND thành phố xem xét để báo cáo xin ý kiến Thường trực Thành ủy và đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhằm xử lý các vướng mắc về pháp lý của các quy định có liên quan sau khi đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật CCN này.
Đối với CCN Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam và Hòa Hiệp Bắc, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công đối với công tác đền bù giải tỏa và đang triển khai thực hiện. Riêng CCN Hòa Nhơn đã giải phóng khoảng 80% mặt bằng. Đối với CCN Hòa Hiệp Bắc, UBND thành phố giao Sở Công Thương, UBND quận Liên Chiểu và các cơ quan liên quan thực hiện thủ tục để trình theo quy định.
Về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, Sở Công Thương đang dự thảo văn bản để trình Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN xem xét trên cơ sở thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2020/TT-BCT ngày 16-11-2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP.
Thành phố đang đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp và cụm công nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư lớn. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
* Để ngành sản xuất công nghiệp thành phố phát triển lâu dài và bền vững, giải pháp đẩy mạnh các lĩnh vực và hệ thống hạ tầng các KCN, CCN, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung thời kỳ 2021-2030 như thế nào?
- Hiện nay, Sở Công Thương đã triển khai lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo nội dung đề xuất của ngành công nghiệp và hệ thống hạ tầng công nghiệp để tích hợp vào Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình UBND thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2022. Mục tiêu hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, có khả năng cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng cao về công nghệ, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường; ưu tiên các lĩnh vực sản xuất hướng vào xuất khẩu hoặc có nhu cầu tiêu thụ lớn tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên; hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp.
Thành phố đang đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp và cụm công nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung (Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Về phát triển hệ thống hạ tầng công nghiệp, trước mắt, đối với hệ thống hạ tầng KCN, CCN hiện có, tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng giai đoạn 1; tập trung rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, sử dụng không đúng mục đích trong các KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng; nâng cấp các KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm giai đoạn 1 thành KCN sinh thái; chuyển đổi các dự án tại KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng tiếp giáp khu vực dân cư thành các dự án thương mại dịch vụ phù hợp để tạo khoảng cách giữa khu vực sản xuất với khu vực dân cư; chuyển đổi KCN Đà Nẵng thành khu đô thị; chuyển đổi CCN Thanh Vinh mở rộng thành bến xe phía bắc thành phố…; duy trì và phát triển mở rộng CCN Làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn. Ngoài hình thành và phát triển các KCN, CCN mới như nói trên, thành phố còn tính toán phương án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật CCN Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn; nghiên cứu hình thành thêm CCN chuyên ngành chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện Hòa Vang.
* Ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng: Đầu tư, nâng cấp hạ tầng các khu công nghiệp
Hiện nay, chúng tôi đang quản lý hai KCN gồm: KCN Hòa Khánh và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng. Để bảo đảm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang hoạt động tại hai KCN này, thời gian qua, từ nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị, chúng tôi thường xuyên đầu tư duy tu, nâng cấp hạ tầng cơ sở như: thảm nhựa lại đường sá, khơi thông, nạo vét hệ thống cống rãnh, thoát nước thải, trồng thêm hệ thống cây xanh. Tại KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, trong năm 2021, đơn vị tập trung tạo cảnh quan các tuyến đường nội bộ theo hướng xanh - sạch - đẹp, trồng cây, sửa đường, quét vôi, chăm sóc cây xanh... Sắp tới, đơn vị tiếp tục tăng cường chất lượng dịch vụ cung ứng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Hòa Khánh cũng như KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.
* Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế: Tạo cơ hội cho doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất
Đối với những doanh nghiệp nhỏ, lại có cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư như chúng tôi rất mong muốn thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn tất việc hình thành các KCN, CCN mới nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp có mặt bằng để ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều năm qua, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì mặt bằng sản xuất quá nhỏ. Không chỉ riêng công ty chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác ở trên địa bàn quận Liên Chiểu rất mong muốn thành phố sớm hình thành các KCN, CCN mới để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp.
|
KHÁNH HÒA thực hiện