Phát triển hạ tầng đô thị gắn ứng phó với dịch bệnh

.

Thời gian qua, cơ sở hạ tầng đô thị thành phố đóng góp quan trọng trong việc đẩy lùi, từng bước khống chế Covid-19, đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ mới cho công tác quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để ứng phó trước những thách thức bởi dịch bệnh.

Khu nhà ở công nhân tại Khu Công nghiệp Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) được trưng dụng làm nơi cách ly y tế phòng, chống Covid-19. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khu nhà ở công nhân tại Khu Công nghiệp Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) được trưng dụng làm nơi cách ly y tế phòng, chống Covid-19. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Khai thác kịp thời cơ sở hạ tầng đô thị

Đầu tháng 8-2020, Covid-19 bùng phát, việc chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện công tác phòng, chống dịch là yêu cầu cấp bách đặt ra, trong đó có hình thành cơ sở y tế mới để phân luồng điều trị Covid-19 cho bệnh nhân khi các cơ sở y tế truyền thống phát sinh các ổ dịch. Cung Thể thao Tiên Sơn được chọn làm bệnh viện dã chiến để hình thành bệnh viện tuyến đầu phòng, chống Covid-19. Đây là cơ sở hạ tầng đô thị vốn phục vụ cho mục đích hoạt động văn hóa - thể dục - thể thao nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đã chuyển công năng, được trưng dụng hình thành mô hình bệnh viện dã chiến đầu tiên trong cả nước. Ở thời điểm này, Cung Thể thao Tiên Sơn được gấp rút đầu tư cải hoán lắp đặt hệ thống buồng/giường bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn…. với thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đối với bệnh viện dã chiến. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, bệnh viện sẽ được tăng cường số buồng, giường với quy mô tối đa có thể đáp ứng 700-1.000 giường bệnh.

Một năm sau, cuối tháng 7-2021 thêm một đợt bùng phát Covid-19 mới, thành phố đã chọn Khu ký túc xá phía tây (số 507 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu) làm bệnh viện dã chiến để thu dung, cách ly, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Với mức độ thu dung điều trị ca bệnh mức độ nhẹ, mức độ vừa, cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân Covid-19 nặng trước khi chuyển sang điều trị tích cực tại Bệnh viện Phổi. Trong trường hợp cần thiết, bệnh viện dã chiến này có khả năng mở rộng quy mô hơn 1.700 giường bệnh để thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trong đó, có 1.500 giường cho bệnh nhân mức độ không triệu chứng nhẹ; 200 giường mức độ trung bình. Việc hình thành các bệnh viện dã chiến đã trực tiếp chia sẻ hạ tầng y tế vốn còn hạn chế, bởi hiện nay trên địa bàn thành phố, việc thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 chỉ có 2 cơ sở là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Hòa Vang với quy mô 300 giường bệnh.

Ngoài ra, hàng trăm cơ sở sở vật chất ở thành phố được trưng dụng, sử dụng vào nhiệm vụ phòng, chống Covid-19. Đó là khu nhà ở công nhân, ký túc xá sinh viên, trường học và có cả nguồn lực xã hội là cơ sở hạ tầng du lịch, doanh trại quân đội.... Riêng trong năm 2021, thành phố có 26 trường học được trưng dụng làm khu cách ly y tế, bố trí cho người dân ở để phòng, chống dịch. Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê) sau hơn 2 tháng làm nơi cách ly y tế đã đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống Covid-19 tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công cho biết: “Một số trường học làm cơ sở cách ly phòng, chống Covid-19 nên trong quá trình sử dụng thì có một số bàn, ghế bị hư hỏng. Quận Thanh Khê xác định những cơ sở hạ tầng dùng chung phục vụ mục đích cộng đồng đều được nhanh chóng hỗ trợ, giải quyết thực hiện việc mua sắm, sửa chữa khi hư hỏng.

Tính toán công năng các công trình xây dựng

Theo KTS Nguyễn Thanh Thảo (Công ty tư vấn thiết kế T&K), sự bùng phát dịch bệnh cũng như những diễn biến khó lường, phức tạp trong việc kiểm soát dịch bệnh đã làm bộc lộ nhiều bất cập về tư duy quy hoạch và quản lý đô thị, lối sống và cả văn hóa của nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Các cơ sở hạ tầng đô thị hiện chỉ bảo đảm việc phòng chống lụt, bão nhưng công tác phòng, chống Covid-19 đòi hỏi những tiêu chí, tiêu chuẩn dịch tễ chuyên ngành y tế. Các cơ sở cách ly y tế, nhà ở, lẫn địa điểm để doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” để vừa phòng, chống Covid-19 và cũng vừa sản xuất nhưng cần được cấu trúc lại để làm nơi cư trú an toàn cho cư dân và cộng đồng khi xảy ra dịch bệnh.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Trần Văn Nam cho rằng, dịch bệnh khiến con người phải giãn cách và cách ly để an toàn. Đây cũng là thông điệp và xu hướng sắp tới của quy hoạch và thiết kế kiến trúc, xây dựng. “Đã đến lúc Bộ Xây dựng cần sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế kỹ thuật xây dựng để thực hiện. Việc hướng dẫn công tác quy hoạch, tư vấn thiết kế kiến trúc… cần phải giãn cách và giữ mật độ thấp để bảo đảm an toàn và tính linh hoạt, có thể sống chung với các biến đổi của thiên nhiên, dịch bệnh.

Theo đó, nên tập trung xây dựng các không gian thông thoáng tốt, nhiều cây xanh như những khu đô thị sinh thái và những công trình kiến trúc thân thiện môi trường, có đủ không gian xanh mặt nước cần thiết và ánh sáng mặt trời; không những là không gian tốt để sinh sống mà còn là nơi giúp tăng sức khỏe và sức đề kháng cho con người. Đặc biệt, phải tính toán lại công năng các công trình đầu tư xây dựng dân dụng lẫn công nghiệp. Ông Trần Văn Nam cũng nêu, các thiết kế kỹ thuật xây dựng cần thay đổi để thích ứng với dịch bệnh như Covid-19 thì phải tính toán phân lập hệ điều hòa trung tâm; ngăn phòng; căng tin, lối đi lẫn điều hướng di chuyển trong và ngoài công trình...

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.