Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao nên một số đối tượng thường lợi dụng để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Hiện nay, các ngành chức năng trên địa bàn thành phố tăng cường phối hợp, tích cực triển khai các giải pháp nhằm siết chặt quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm.
Lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát thị trường hàng hóa dịp gần Tết Nguyên đán 2022. TRONG ẢNH: Người dân mua hàng tại Co.opmart Đà Nẵng (quận Thanh Khê). Ảnh: QUỲNH TRANG |
Giữ ổn định thị trường dịp cuối năm
Khảo sát cho thấy, sức mua trên thị trường cuối năm đang có xu hướng tăng. Tại các chợ truyền thống, số lượng tiểu thương bán trở lại chiếm 70-90%. Nguồn hàng hóa tại các chợ lớn như: chợ Cồn, chợ Đống Đa khá dồi dào, sẵn sàng cung ứng cho thị trường khi nhu cầu tăng. Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết đang tập trung kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm các nguyên liệu chính và chất phụ gia được các cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh.
Đồng thời, ban quản lý kiểm tra tem, nhãn, bao bì hàng hóa với những mặt hàng truyền thống có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết cổ truyền như: thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm… cũng là một giải pháp được chú trọng.
Thời điểm càng cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh rầm rộ “bung” hàng hóa ra thị trường, khả năng giá cả có thể sẽ biến động, chưa kể đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái tuồn vào địa bàn theo các chuyến xe tải vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam. Hiện Sở Công Thương thành phố đã có văn bản gửi các doanh nghiệp đầu mối cung ứng, phân phối hàng hóa… về xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường nhằm bảo đảm cung - cầu, ổn định thị trường và an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu người dân về hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết cổ truyền, sở đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tham mưu cho lãnh đạo thành phố. Đà Nẵng cũng phối hợp các địa phương đưa nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố khác vào địa bàn để vừa hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, vừa đa dạng nguồn cung cho thị trường”.
Lực lượng quản lý thị trường yêu cầu các hàng quán, điểm bán hàng cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường
Theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 11 tháng đầu năm 2021 của Ban Chỉ đạo 389 thành phố, hàng cấm (cần sa thực vật, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc lá), hàng lậu (chủ yếu là rượu), hàng giả, hàng nhái (quần áo, giày dép, rượu, bánh kẹo, hàng tiêu dùng)… là những mặt hàng được các đối tượng vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau, từ đường bộ, đường thủy, hàng không.
Đặc biệt tại địa bàn cảng biển Đà Nẵng, lợi dụng việc doanh nghiệp nhập khẩu được phân luồng xanh, một số đối tượng đã mở tờ khai nhập khẩu các loại hàng hóa thông thường nhưng khi bị kiểm tra thì phát hiện là hàng cấm, hàng lậu. Điển hình là cuối năm 2020, Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố và Cục Hải quan đã phát hiện 21 container hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài về cảng Tiên Sa với giá trị 50 tỷ đồng.
Ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố cho hay, các đối tượng đã và đang sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để nhập lậu hàng hóa vào thành phố. Sau đó, hàng hóa được tập kết, gia công, gắn bao bì, nhãn mác thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... nhằm lừa dối khách hàng. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh mặt hàng sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, tên thương mại, địa chỉ của các doanh nghiệp uy tín trong nước… ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Gần đây, các đối tượng buôn bán hàng giả thường hoạt động trên môi trường internet, giao hàng qua dịch vụ chuyển phát nên việc theo dõi gặp nhiều khó khăn.
“Từ nay tới cuối năm 2021, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ xuất xứ. Trong đó, chúng tôi tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như: thuốc lá, rượu, thực phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng... Cục sẽ tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết hoặc khi dịch bệnh bùng phát, đối với các mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến kinh tế - xã hội”, ông Trần Phước Trí cho biết thêm.
Thời gian qua, Công an thành phố liên tục bắt giữ nhiều lô hàng lậu giá trị lớn. Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp thời điểm cuối năm, đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an thành phố) cho biết đã có kế hoạch mở đợt cao điểm, tạo thế chủ động trong công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao cùng tình trạng khan hiếm các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán để vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm sự lành mạnh của thị trường hàng hóa và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
QUỲNH TRANG