Kinh tế
Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông thông minh
Để đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông vận tải (GTVT) trong tương lai với nhiều loại hình giao thông mới, ngành GTVT thành phố đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp cận những cách làm hay, sáng tạo, một trong số đó là phát triển hệ thống giao thông thông minh.
Hệ thống camera giám sát, xử phạt tại nút giao phía tây cầu Tiên Sơn vừa được đưa vào sử dụng, góp phần giảm tai nạn giao thông. Ảnh: THÀNH LÂN |
Trước thực trạng hạ tầng giao thông không theo kịp mật độ phương tiện gia tăng nhanh, thành phố đã xúc tiến phát triển hệ thống giao thông thông minh để giải quyết các thách thức trong phát triển đô thị. Theo ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, cần nhiều giải pháp dài và trung hạn. Tuy nhiên, các giải pháp này đòi hỏi phải có thời gian 5-20 năm và có thể còn lâu hơn; đồng thời yêu cầu về nguồn lực tài chính rất lớn. Có một giải pháp thời gian triển khai chỉ khoảng 1-2 năm hoặc ngắn hơn với chi phí đầu tư không nhiều nhưng có thể khắc phục được một phần tình trạng ùn tắc giao thông, khai thác tối đa hạ tầng GTVT hiện có, từng bước nâng cao được năng lực quản lý đô thị tương ứng với tốc độ phát triển khoa học công nghệ hiện nay là hệ thống giao thông thông minh.
Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường do khí thải từ phương tiện lưu thông luôn là bài toán khó giải của ngành GTVT. Theo KTS Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, hệ thống giao thông thông minh đã được triển khai và thành công ở nhiều nước trên thế giới. Ở các địa phương của Việt Nam cũng như Đà Nẵng, với tiềm năng về nhân lực hiện nay, nhiều nội dung, hạng mục của hệ thống giao thông thông minh cũng đã được nghiên cứu, ứng dụng bước đầu triển khai và đã đem lại những hiệu quả nhất định. Từ năm 2012, ngành GTVT thành phố đã có bước tiếp cận hệ thống giao thông thông minh đầu tiên với dự án hệ thống tín hiệu và điều khiển giao thông tại 64 nút giao, 32 camera, 1 trạm quan trắc khí tượng, 1 trung tâm điều khiển. Đến nay, hệ thống đèn giao thông tăng lên 181 nút, trong đó có 62 nút kết nối về Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng.
Được biết, hiện nay, thành phố đang lắp hệ thống quan trắc kết cấu, nhiệt độ, gió để phục vụ quản lý, bảo trì và cảnh báo tàu thuyền du lịch tại hai cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (giai đoạn 2). Trước đó, thành phố đã triển khai cho ba cầu Thuận Phước, Trần Thị Lý, cầu vượt Ngã ba Huế. Bên cạnh đó, thành phố đã lắp đặt và đưa vào sử dụng 177 camera giám sát xử lý vi phạm, 16 thiết bị đo tốc độ, lắp đặt camera giám sát 151 xe buýt của 12 tuyến trợ giá, 26 camera tàu du lịch sông Hàn. Hệ thống camera quan sát, giám sát đang được định hướng phát triển đếm xe, đếm người bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong lĩnh vực vận tải, 100% xe khách, vận chuyển hàng hóa (hơn 13.000 phương tiện) đã lắp hệ thống giám sát hành trình và đang đôn đốc lắp camera trên xe khách, xe đầu kéo để từ ngày 31-12-2021 kiểm tra xử phạt. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng cống bể, mạng truyền dẫn được đầu tư xây dựng với hàng chục km cống bể cáp quang thuộc các tuyến đường trên địa bàn thành phố phục vụ truyền dẫn, kết nối dữ liệu hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm và hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông về Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố để phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Song song đó, Sở GTVT đã phối hợp UBND quận Hải Châu triển khai thí điểm thu phí đỗ xe thông minh qua tin nhắn điện thoại kèm công nghệ quản lý, giám sát trên tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú; đồng thời thử nghiệm công nghệ bãi đỗ xe tập trung như tại bãi đỗ xe buýt TMF Bùi Dương Lịch. Đáng chú ý, hạ tầng giao thông thông minh cũng được đẩy nhanh như xây dựng bãi đỗ xe thông minh tại địa chỉ 255 Phan Châu Trinh; thu phí đỗ xe thông minh trên tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú; lập hệ thống giám sát đỗ xe thuộc đề án xây dựng thành phố thông minh…
Sở GTVT cũng triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp chuyên ngành, bảo đảm lưu trữ và khai thác hiệu quả các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng (hệ thống tín hiệu giao thông, trạm thu phí); phương tiện (loại hình, đặc trưng, mức độ sử dụng); người điều khiển (hành vi, hoạt động di chuyển) nhằm tạo nền tảng chuyển đổi số, phát triển các hệ thống giao thông thông minh trong tương lai.
Theo ông Bùi Hồng Trung, để triển khai hiệu quả, cần đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh thành phố Đà Nẵng; kết nối và giám sát hệ thống vận tải công cộng; hoàn thiện hệ thống mạng truyền dẫn, tín hiệu. Ngoài ra, cần có cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố để chia sẻ phục vụ quản lý điều hành, đặc biệt là xây dựng các mô phỏng và dự báo phát triển. Lĩnh vực giao thông rất cần liên thông dữ liệu các ngành trong quy hoạch luồng tuyến vận tải công cộng, xây dựng kịch bản phân luồng, dịch vụ công cấp phép, đăng kiểm, xử lý vi phạm…
Theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, hệ thống giao thông thông minh Đà Nẵng tiếp tục đầu tư hệ thống giám sát thu thập dữ liệu giao thông đều khắp trên các nút giao có điều khiển bằng đèn tín hiệu và các điểm trọng yếu, tích hợp AI tối ưu giao thông thành phố. Mặt khác, thành phố triển khai các hệ thống thông tin hỗ trợ người dân, du khách tìm kiếm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng (trạm dừng xe buýt, bãi đỗ xe công cộng, các khu vực kẹt xe...). |
THÀNH LÂN