Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với chi phí đầu vào cao do giá xăng dầu tăng, thời tiết thất thường..., ngư dân trên địa bàn quận Sơn Trà vẫn nỗ lực vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông Nguyễn Văn Hoàng vẫn theo nghề biển. Ảnh: M.QUẾ |
Vừa hoàn thành chuyến biển sau 20 ngày, ông Nguyễn Văn Hoàng (trú tổ 64, phường Nại Hiên Đông) cho biết, sau khi bán 3 tấn hải sản, thu về khoảng 15 triệu đồng/người. Hiện là thời điểm đánh bắt các loại hải sản có giá trị cao như: cá bò, cá ngừ… nên tranh thủ thời tiết ổn định, gia đình ông Hoàng chuẩn bị đi chuyến kế tiếp. “Nhà tôi có 3 tàu cá lớn với công suất 825CV, số lượng thuyền viên mỗi tàu 10 người. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không có người lao động làm việc, cũng như sản lượng thu hoạch cá cũng dần ít đi nên hiện chỉ có 1 tàu đang hoạt động.
Vụ cá đông từ tháng 10-12 cũng là thời điểm thành phố cơ bản khống chế được dịch bệnh nên chúng tôi đã được ra khơi trở lại sau thời gian nghỉ vừa qua. Chỉ mong các chuyến biển sau thu được sản lượng khá để có nguồn thu nhập cho thuyền viên cũng như có chi phí bảo dưỡng tàu”, ông Hoàng cho hay.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Phương Bình (trú tổ 64, phường Thọ Quang) đang bảo dưỡng tàu để chuẩn bị bước vào vụ đi biển chính bắt đầu cuối tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Anh Phương chia sẻ, với 10-12 chuyến biển mỗi năm, thuyền có 6-10 thuyền viên lao động tạo thu nhập 10 triệu đồng/người/chuyến biển. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp chính quyền đã hỗ trợ ngư dân vươn khơi, khai thác hải sản.
Đơn cử, tàu của anh được Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ lắp pin năng lượng mặt trời trị giá hơn 60 triệu đồng vào năm 2018, hỗ trợ áo phao, phao cứu sinh, bình chữa cháy, khay đựng thủy sản… Ngoài ra, anh Bình cùng các ngư dân khác còn được hỗ trợ các khóa học nghiệp vụ liên quan.
Khai thác hải sản được xem là thế mạnh của quận Sơn Trà với đội tàu 1.212 chiếc, trong đó tàu có chiều dài 15m trở lên để đánh bắt xa bờ là 446 chiếc; tổng số thuyền viên tại các tàu là 6.088 lao động. Trong 11 tháng đầu năm, tổng sản lượng khai thác thủy sản của quận khoảng 23.635 tấn, đạt 87,54% kế hoạch cả năm.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà thông tin, các đội tàu khai thác xa bờ hoạt động sản xuất đầu năm tương đối tốt. Tuy nhiên, từ quý 3-2021 trở đi, do ảnh hưởng của Covid-19 cũng như các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nên hoạt động khai thác, mua bán hải sản của ngư dân bị ảnh hưởng lớn. Hiện phần lớn tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi tạm ngưng hoạt động, các tàu khai thác tại vùng lộng, vùng ven bờ vẫn hoạt động bình thường. Để ngư dân gắn bó với biển và vươn khơi đánh bắt xa bờ, quận Sơn Trà đã triển khai các hoạt động khuyến ngư như hỗ trợ 3 hầm bảo quản sản phẩm cho ngư dân phường An Hải Bắc, 3 giàn pin năng lượng mặt trời và 800 khay đựng sản phẩm cho 20 tàu cá. UBND thành phố đã hỗ trợ 1 máy dò cá trị giá 650 triệu đồng cho 1 ngư dân của phường Thọ Quang. Thành phố cũng trích nguồn từ Quỹ Phòng chống thiên tai để hỗ trợ ngư dân 500 phao tròn, 200 áo phao cứu sinh, 2 nhà bạt cứu sinh.
Ngoài ra, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 tổ chức chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”, qua đó trao 360 suất quà cho các ngư dân trên địa bàn quận với tổng giá trị 360 triệu đồng. Mới đây, giữa tháng 11, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 590 áo phao cứu sinh đa năng cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận; mỗi bộ áo phao trị giá 1,26 triệu đồng. Thời gian tới, Phòng Kinh tế quận tiếp tục phối hợp Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thực hiện hỗ trợ hạng mục hầm bảo quản, lắp giàn pin năng lượng mặt trời cũng như các hỗ trợ khác để khích lệ, động viên ngư dân gắn bó với nghề, yên tâm vươn khơi.
MAI QUẾ