Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ấn tượng

.

Với đà phục hồi khá tốt, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố đến cuối năm nay ước đạt 1,758 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 6-7%). Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm 2021 tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Thời gian đến, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thành phố tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA
Thời gian đến, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thành phố tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: KHÁNH HÒA

Nhóm ngành chủ lực tăng trưởng mạnh

Báo cáo từ Sở Công Thương cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của thành phố với mức tăng trưởng tính đến cuối năm nay ước đạt 970 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tiếp theo đà bứt phá từ năm 2020, khối doanh nghiệp nội địa tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ước đạt 788 triệu USD, tăng 11,6%. Sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp nội địa là tín hiệu đáng mừng, từng bước tạo sự “đổi chiều” đáng kể trong tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của thành phố, hướng đến phát triển bền vững khi xuất khẩu là lĩnh vực có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào những biến động của thị trường cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đi sâu vào từng phân ngành cụ thể, những con số tăng trưởng khá ấn tượng, nhất là nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của thành phố đều ghi nhận mức tăng trưởng từ hai con số trở lên so với năm 2020. Đơn cử như hàng dệt may ước đạt 460 triệu USD, tăng 11,7%; thủy sản ước đạt 202,5 triệu USD, tăng 11,9%; thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 19 triệu USD, tăng 11,8%; đồ chơi trẻ em ước đạt 90 triệu USD, tăng 10,4%; cao su thành phẩm ước đạt 90 triệu USD, tăng 22,3%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 583 triệu USD, tăng 12,5%.

Ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc Công ty Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho biết, tình hình sản xuất những tháng cuối năm nay khá thuận lợi đối với ngành vải, sợi khi những thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… hồi phục rất nhanh, nhất là thời điểm này nhu cầu hàng hóa phục vụ cho các dịp lễ, Tết đang tăng mạnh. “Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2021 với doanh số tăng 30% so với năm 2020. Công ty nỗ lực để bảo đảm về nguồn lương, thưởng Tết cho người lao động, ít nhất sẽ bằng năm 2020”, ông Trực cho hay. Tình hình sản xuất kinh doanh tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) cũng khả quan khi doanh thu ước tăng 80 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, dù tiếp tục chịu nhiều tác động do dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ, có sự bứt phá đáng kể trong năm 2021 khi cán mốc 1,758 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Trong số 500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, có khoảng hơn 100 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố (trong đó có hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu hơn 10 triệu USD/năm).

Hoạt động xuất khẩu khởi sắc cũng góp phần đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, đến thời điểm này, tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đã vượt 31,85% so với kế hoạch đề ra, với số thu 4.680 tỷ đồng (chỉ tiêu giao 3.550 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu 4.350 tỷ đồng), tăng 24,98% so với năm 2020.

Mặc dù ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng xuất khẩu hàng hóa của thành phố có sự khởi sắc trong năm 2021. Trong ảnh: Cảng Tiên Sa, nơi trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của thành phố và khu vực. Ảnh: PV
Mặc dù ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng xuất khẩu hàng hóa của thành phố có sự khởi sắc trong năm 2021. TRONG ẢNH: Cảng Tiên Sa, nơi trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của thành phố và khu vực. Ảnh: P.V

Tập trung nguồn lực cho năm 2022

Bà Lê Thị Kim Phương nhìn nhận, xuất khẩu hàng hóa của thành phố có sự bứt phá đáng kể trong năm 2021 và tạo đà cho năm 2022. Dù gặp khó khăn do dịch bệnh tái bùng phát nhiều lần nhưng ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Đáng chú ý, những ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy sản… vẫn đạt tăng trưởng ở 2 con số. Việc các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất và phục hồi nhanh chóng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát đã tạo niềm tin mạnh mẽ với khách hàng trong và ngoài nước.

Hoạt động xuất khẩu của thành phố cũng đang có nhiều thuận lợi khi các doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã ký kết; đồng thời, luôn có sự chuẩn bị chu đáo để “đón sóng” nhu cầu thị trường tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là với các nhóm hàng có lợi thế như dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ...

Để bảo đảm tiến độ giao hàng, từ tháng 10, Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng tuyển thêm 30 lao động và tăng ca cho toàn bộ trên 200 lao động tại đơn vị. “Chúng tôi tập trung hoàn thiện đơn hàng cũ của năm 2021, công nhân đang hối hả để hoàn thiện đơn hàng. Công ty đã hoàn tất việc ký kết đơn hàng đến tháng 9-2022 và chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho mùa sản xuất trong năm sau”, ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng thông tin.

Mặc dù đạt kết quả tích cực trong năm 2021 nhưng đánh giá từ Sở Công Thương cho rằng, so với tiềm năng và sự phát triển của thành phố Đà Nẵng thì giá trị và tốc độ tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn còn ở mức độ khá thấp. Việc mở rộng thị trường hàng hóa của doanh nghiệp thành phố vẫn chưa có sự bứt phá mạnh; các mặt hàng khác giữ mức độ tăng trưởng trung bình.

Bước sang năm 2022, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, ngành công thương tập trung triển khai nhanh, kịp thời và hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế mà thành phố đã ban hành, trong đó tăng cường nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công đến doanh nghiệp, người kinh doanh; thông tin kịp thời đến doanh nghiệp về tình hình thị trường trong và ngoài nước, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới…

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích