Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được các cấp Hội Nông dân huyện Hòa Vang quan tâm, thực hiện hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều mô hình sản xuất phát triển, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế của hội viên.
Nhiều nông dân chủ động liên kết, tạo nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận. TRONG ẢNH: Khách hàng đang tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của nông dân huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao
Năm 2015, anh Huỳnh Như Khánh (trú xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) đầu tư, khởi nghiệp với mô hình nuôi gà thả đồi. Thời gian đầu, anh nuôi thử nghiệm 500 con gà, nhờ áp dụng đúng các quy trình, sau 5 tháng, đàn gà của anh Khánh phát triển khỏe mạnh và thu về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.
Được sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân, anh đã đầu tư mở rộng chuồng trại, trồng cỏ và tìm nguồn giống chất lượng, nuôi gối đầu 2 tháng/lứa để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Đến năm 2017, anh đã trở thành đơn vị cung ứng cho một hệ thống nhà hàng trên địa bàn thành phố với sản lượng 1.000 - 1.500 con/tháng.
Anh Khánh cho biết, mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường 12.000 - 15.000 con gà thịt, thu nhập 200-300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Bên cạnh đó, anh trồng chôm chôm, sầu riêng, cam, bưởi da xanh để tạo tán che cho gà bên dưới và tăng thêm thu nhập gia đình.
“Nhờ sự hỗ trợ của Hội nông dân xã Hòa Ninh, tôi đã thành lập tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi gà với 15 thành viên, tạo nên thế mạnh phát triển ngành chăn nuôi tại địa phương và là tiền đề để xây dựng thương hiệu, chứng nhận nhãn hiệu gà Hòa Ninh. Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống, tôi còn thực hiện liên kết hỗ trợ đầu ra cho các hộ nuôi gà trên địa bàn xã”, anh Khánh chia sẻ.
Tương tự, được xây dựng từ năm 2015, đến nay, mô hình trồng nấm của anh Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc Hợp tác xã Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn) đã thành công, tạo được nhiều sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Được biết, ban đầu, do nguồn vốn ít nên anh chỉ mua khoảng 1.000 bịch phôi nấm bào ngư về trồng thử nghiệm. Sau 2 tháng, anh thu về khoảng 20 triệu đồng. Nhận thấy mô hình có hiệu quả kinh tế nên anh tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô.
Qua tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và áp dụng các kỹ thuật mới, hiện đại, phôi nấm do anh sản xuất luôn bảo đảm chất lượng, đạt tỷ lệ hơn 95%. Đến nay, cơ sở của anh đang tập trung trồng, sản xuất các loại nấm như: nấm linh chi, nấm bào ngư trắng, bào ngư xám.
Hiện anh đã đầu tư dây chuyền, hoàn thiện các công đoạn đóng bịch tạo phôi, hệ thống phun sương, máy hấp bịch phôi nấm, máy sấy nấm tự động... Nhờ đó, giảm gấp 3 lần so với thủ công và tạo ra sản phẩm đồng đều. Trừ các chi phí sản xuất, nhân công, mỗi năm, anh thu nhập khoảng 250 triệu đồng.
“Năm 2020, sản phẩm Cao nấm linh chi của hợp tác xã đã đạt được chứng nhận OCOP (chương trình “mỗi xã một sản phẩm”). Trong thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những sản phẩm mới, đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, anh Nguyễn Văn Nhi nói.
Bên cạnh 2 mô hình trên, mô hình sản xuất, kinh doanh giống cây nông, lâm nghiệp của anh Phạm Văn Luận (xã Hòa Phong); mô hình trồng cây cảnh, cây có bóng mát thi công các công trình của anh Trương Hữu Bữu (xã Hòa Khương); mô hình nuôi tôm nước lợ của anh Đỗ Trực (xã Hòa Liên)… mang lai hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống kinh tế hộ gia đình và địa phương.
Đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Theo Hội Nông dân huyện Hòa Vang, giai đoạn 2017-2021, toàn huyện có 2.083 hội viên nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp, tăng 14,89% so với giai đoạn 2012-2016. Qua phong trào, nhiều hội nông dân đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết, mở rộng quy mô, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động; giúp đỡ vốn, cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho 4.113 lượt hộ nông dân; các câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi hằng năm giúp đỡ 25 - 45 hộ thoát nghèo…
Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho hay, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong những năm qua có sức lan tỏa sâu rộng trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội.
Phong trào trở thành động lực quan trọng để khai thác tiềm năng, thế mạnh trong nông dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh thái. Đồng thời liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, định hướng cho nông dân sản xuất, đăng ký tham gia phát triển sản phẩm OCOP.
“Các phong trào đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, ngành nghề; nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị của hàng hóa nông sản… Nhiều nông dân cùng nhau làm giàu, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên, tạo nhiều việc làm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, ông Nguyễn Văn Vân đánh giá.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Nguyễn Kim Dũng, Hội Nông dân huyện Hòa Vang có nhiều sáng tạo, phối hợp ngành nông nghiệp đề xuất, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo động lực thúc đẩy các phong trào nông dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Qua đó, góp phần đưa kinh tế nông nghiệp phát triển và đạt được những kết quả khả quan; giúp nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị hiệu quả; tạo động lực cho công tác vận động, tập hợp nông dân triển khai hiệu quả Đề án số 24-ĐA/HNDTW của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp.
VĂN HOÀNG