Kinh tế
Tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp bền vững
25 năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã nỗ lực trong việc chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế trên từng sản phẩm nông nghiệp. Để hiện đại hóa nền nông nghiệp, thành phố đã và đang thực hiện chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng cao sản, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Ngành nông nghiệp thành phố tích cực đổi mới để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. TRONG ẢNH: Nông dân xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Năng suất lúa tăng 158%, chất lượng cao
Năm 1997, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tổng diện tích trồng lúa của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Châu 1 (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đến 350ha. HTX đã liên kết, hợp tác với các công ty giống cây trồng để đưa các loại giống lúa mới vào sản xuất, cho năng suất cao.
“Năm 1997, chúng tôi đã liên kết với công ty giống cây trồng của tỉnh Quảng Nam đưa giống lúa mới, cao sản vào sản xuất cho năng suất đạt đến 60 tạ/ha, trở thành một trong những đơn vị sản xuất lúa dẫn đầu thành phố. Đến năm 2021, tuy diện tích trồng lúa của HTX chỉ còn 70ha nhưng vụ lúa đông xuân cho năng suất đến 74,06 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay và cao nhất huyện Hòa Vang (xã Hòa Nhơn đạt 72,14 tạ/ha, xã Hòa Phước 71,6 tạ/ha, xã Hòa Tiến 70,77 tạ/ha...). Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục gieo sạ 3 loại giống lúa trung, ngắn ngày khá ưu việt là VNR.20, ĐT.100 và Hương Châu 6”, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Châu 1 Phan Ngọc Hưng cho biết.
Theo thống kê, tổng diện tích trồng lúa của thành phố cả năm 1997 đến 13.500ha với năng suất lúa bình quân là 42,4 tạ/ha. Tổng diện tích trồng lúa của thành phố năm 2021 chỉ còn 4.828ha (giảm hơn 8.600ha so với năm 1997) nhưng năng suất lúa bình quân đạt đến 67 tạ/ha, tăng 24,6 tạ/ha (tăng158%) so với năm 1997 và tăng 4,2 tạ/ha so với năm 2020, cao nhất từ trước đến nay.
Đáng nói, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất lúa nên trong hai năm 2020 và 2021 năng suất lúa rất cao. Đặc biệt, trong vụ đông xuân năm 2021, các địa phương đã gieo sạ các giống lúa chất lượng cho năng suất cao nhất từ trước đến nay như: giống lúa Hà Phát 3 đạt 76 tạ/ha, VNR.20 đạt 74 tạ/ha, Thiên Ưu 8 đạt 72 tạ/ha, HT.1 đạt 71 tạ/ha, ĐT.100 đạt 72 tạ/ha, J02 đạt 76,5 tạ/ha, Đài Thơm 8 đạt 72 tạ/ha...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, thành phố đã chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng công nghệ sản xuất giống cây trồng, đưa các giống lúa xác nhận vào sản xuất, sử dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, IPM, ICM và chú trọng phòng, chống dịch bệnh để tăng hiệu quả kinh tế. Vì vậy, dù diện tích sản xuất giảm nhưng năng suất cây trồng tăng dần qua các năm và tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Các địa phương đã triển khai phát triển lúa hữu cơ và các vùng tập trung, chuyên canh phục vụ đô thị, nhờ vậy đã hình thành hơn 20 vùng lúa hữu cơ với tổng diện tích 345 ha, trong đó có 100ha lúa được chứng nhận VietGAP.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Từ năm 2017, thành phố đã tập trung đẩy mạnh thu hút, xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ 2 mô hình trồng rau trong nhà màng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên với tổng diện tích hơn 1ha tại xã Hòa Ninh và Hòa Phú (huyện Hòa Vang), đến nay, thành phố đã có hơn 20 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực nấm, rau, hoa, cây ăn quả với tổng diện tích gần 25ha, trong đó, có 9ha rau và hoa trồng trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính có giá trị kinh tế cao như: dưa lưới, xà lách thủy canh, hoa lan, hoa ly ly, hoa treo…
Đối với sản xuất nấm, có các mô hình nấm đông trùng hạ thảo và sản phẩm sơ chế, chế biến từ nấm giá trị kinh tế cao phù hợp với nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, các địa phương đã phát triển sản xuất rau an toàn ổn định tại các vùng chuyên canh với tổng diện tích 42,73ha, trong đó có hơn 40ha rau, củ, quả đã được cấp giấy chứng nhận VietGap và hữu cơ; hình thành 4 vùng chuyên canh trồng hoa với tổng diện tích 22ha. Các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh được chú trọng phát triển, cụ thể là đã hình thành vùng trồng bưởi da xanh có diện tích 10ha tại xã Hòa Ninh, 70ha trồng mía ở xã Hòa Bắc, 30ha trồng chuối ở xã Hòa Bắc và Hòa Phú, 20ha trồng chè ở xã Hòa Sơn và Hòa Ninh...
Đến nay, thành phố đã có hơn 30 sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và cũng đã hình thành các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Afarm; Công ty TNHH Tâm An Farm; Công ty CP Greentech; HTX rau, củ, quả Hòa Vang; HTX rau an toàn Túy Loan… Thành phố đã có 14 nông sản được chứng nhận sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), chiếm 35% tổng số sản phẩm OCOP của thành phố (40 sản phẩm) với 6 sản phẩm rau, củ, quả tươi sống; 8 sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả (7 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao).
Hiện nay, thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích gần 66ha, gồm: vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hòa Khương - Hòa Phong (16,2ha), vùng nông nghiệp công nghệ cao Hòa Phú (20,9ha), vùng nông nghiệp công nghệ cao Hòa Khương (28,8ha). UBND thành phố đang tập trung chỉ đạo triển khai đầu tư 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao từ nguồn vốn đầu tư công, thực hiện trong năm 2022.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã góp phần vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng. Việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng thời gian đến đang đặt ra cho ngành nông nghiệp những thời cơ và thách thức, đòi hỏi ngành phải tạo sự đột phá, thu hút hiệu quả các nguồn lực, phát huy cao nhất nội lực, vươn mình đổi mới, phát triển và hội nhập sâu rộng vào xu thế phát triển và hội nhập hiện nay. Thành phố sẽ từng bước hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng phát triển bền vững, giải quyết hài hòa các mối quan hệ mới trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
HOÀNG HIỆP