Kinh tế
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao
Nông dân ở các địa phương, hợp tác xã đang chuẩn bị sản xuất lúa vụ đông xuân sau 4 vụ lúa bội thu liên tiếp. UBND thành phố chỉ đạo bố trí kinh phí đầu tư một số vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ năm 2022 và trình HĐND thành phố thống nhất chủ trương triển khai thí điểm tối đa 15 mô hình phát triển nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản kết hợp khai thác dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Nông dân xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cày đất để chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Những ngày này, trên các cánh đồng ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và nhiều xã của huyện Hòa Vang như: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Bắc..., nhiều máy cày đang hoạt động hết công suất. Thời tiết thuận lợi để nông dân cày lật đất sớm nhằm tận dụng nguồn nước mưa, không tốn chi phí trổ nước vào ruộng và diệt trừ các sinh vật có hại vào những ngày nắng.
Ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cho biết: “Theo lịch thời vụ vừa thống nhất, sau ngày 20-12-2021 mới xuống giống đại trà sản xuất vụ lúa đông xuân nhưng chúng tôi đã triển khai làm đất sớm nhằm tranh thủ nguồn nước mưa kết hợp diệt trừ các sinh vật gây hại sớm, nhất là chuột, ốc bươu vàng... Bên cạnh đó, gần đến ngày xuống giống, chúng tôi sẽ cung cấp vôi bột cho nông dân rải trên mặt ruộng để trung hòa các chất trong đất nhằm bảo đảm đạt kết quả sản xuất cao nhất”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng Đoàn Văn Bảo thông tin, đơn vị đã có văn bản gửi các địa phương để vận động, hướng dẫn nông dân cày lật đất sớm nhằm vùi lấp các tàn dư thực vật, cắt cầu nối các đối tượng sinh vật hại có thể lây lan phát sinh ảnh hưởng sản xuất. Đơn vị cũng đề nghị các địa phương, HTX, nông dân chuẩn bị tốt về giống, phân bón lót hữu cơ; vận động nông dân ra quân diệt chuột trước khi vào vụ sản xuất kết hợp thu nhặt ốc bươu vàng... Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đà Nẵng Lê Văn Tuyến cho biết đơn vị đang tranh thủ chỉ đạo thi công một số tuyến kênh mương nội đồng ngay khi lũ rút nhằm bảo đảm cung cấp nước tưới và tiết kiệm nước ngay đầu vụ đông xuân”.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban, sau 4 vụ lúa bội thu liên tiếp, sở chỉ đạo các đơn vị và đề nghị các địa phương tiếp tục bố trí cơ cấu giống lúa trung, ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái của Đà Nẵng. Cơ cấu giống lúa chủ lực gieo sạ trong vụ đông xuân này là Hà Phát 3, ĐT100, HT1, VNR20. Tùy theo đặc điểm của các thửa ruộng, nông dân gieo sạ các giống bổ sung như: HN6, OM4900, Thiên ưu 8, BT7 và tiếp tục thí điểm một số giống lúa triển vọng như: Hương Châu 6, Bắc Hương 9, Đài thơm 8, JO2. Thời gian gieo sạ các giống lúa trung, ngắn ngày từ 15-12 và kết thúc gieo sạ vào ngày 31-12-2021; gieo sạ tập trung từ ngày 20-12 đến 31-12-2021.
Qua thống kê của các đơn vị, địa phương, do ảnh hưởng của mưa, lũ thời gian qua nên diện tích sản xuất rau xanh trên địa bàn thành phố chỉ đạt 41,5ha. Sau ngày 23-10 âm lịch, nông dân thành phố bắt đầu triển khai sản xuất rau vụ đông xuân với diện tích trồng có khả năng đạt khoảng 150ha, đa phần là rau ăn lá. Nông dân cũng trồng khoảng 350ha lạc, 40ha ngô và 200ha các loại cây trồng khác.
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, ngày 19-11-2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn thống nhất chủ trương chọn vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú (20,9ha) và vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hòa Khương - Hòa Phong (16,2ha) để bố trí kinh phí thực hiện đầu tư công từ ngân sách thành phố và triển khai đầu tư trong năm 2022. Các cơ quan, đơn vị xây dựng các đề án, nghiên cứu quy hoạch tổng thể vùng công nghiệp công nghệ cao nhằm sớm hình thành và đưa thêm các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động.
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và góp phần phát triển bền vững du lịch tại các khu vực nông thôn, ngày 17-11-2021, UBND thành phố có tờ trình đề nghị HĐND thành phố thống nhất chủ trương thí điểm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản kết hợp khai thác dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện Hòa Vang. Theo đó, từ năm 2022-2025, các tổ chức, cá nhân đầu tư tối đa 15 mô hình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản gắn với dịch vụ trải nghiệm, ăn uống, vui chơi, giải trí... tại các vùng sản xuất nông nghiệp, rừng sản xuất, đất bãi bồi ven sông, khu vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.
|
HOÀNG HIỆP