25 năm, nâng tầm phát triển đô thị Đà Nẵng

.

Sau khi được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày 1-1-1997, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, thành phố Đà Nẵng đã tập trung nguồn lực để phát triển đô thị. Theo đó, hạ tầng xã hội phát triển nhanh, văn minh, hiện đại; quy hoạch đô thị thể hiện rõ tầm nhìn và quá trình tổ chức thực hiện nhận được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân.

Đà Nẵng đặt mục tiêu phát triển, xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững.   TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đà Nẵng đặt mục tiêu phát triển, xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Đổi thay toàn diện tầm vóc đô thị

Trước năm 1997, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu động lực phát triển kinh tế. Không gian đô thị nhỏ và quay lưng với biển, khu vực phát triển nhất chỉ gói gọn trong phạm vi quận Hải Châu và một phần các quận Thanh Khê, Sơn Trà với diện tích chưa đầy 5.600ha. Hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày ấy còn yếu, đặc biệt về giao thông.

Ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đánh dấu một giai đoạn phát triển đầy triển vọng. Ngay thời điểm đó, thành phố đầu tư nhiều dự án cải tạo đô thị, nâng cấp một số tuyến giao thông huyết mạch, chỉnh trang, cải thiện hạ tầng kỹ thuật cho các khu phố cũ.

Nếu như năm 1997, thành phố chỉ có gần 100 con đường với tổng chiều dài gần 300km thì đến nay đã có gần 2.000 con đường, trong đó nhiều trục cảnh quan xứng tầm đô thị hiện đại với tổng chiều dài hơn 1.300km. Nói đến thành công của 20 năm qua, không thể không nhắc đến chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Chủ trương này nhận được sự đồng thuận của người dân để xây dựng nhiều công trình và dự án quan trọng. Cũng chính nhờ sự đồng thuận này mà đến nay hầu hết các kiệt, hẻm khu dân cư đã được bê-tông hóa, không còn cảnh nắng bụi mưa lầy. Khu nhà chồ dọc bờ đông sông Hàn năm xưa giờ đây đã lùi vào ký ức của người Đà Nẵng, thay vào đó là những công trình kiến trúc cao tầng, phát triển diện mạo đô thị khang trang, hiện đại.

Không tự mãn với những gì đã làm được, người Đà Nẵng hôm nay phát huy những nền tảng mà thế hệ đi trước đã tạo dựng, tiếp cận vận hội mới, nối tiếp công cuộc tạo dựng thành phố với nhiều khát vọng mới - xây dựng Đà Nẵng sánh vai cùng các thành phố lớn trong khu vực, xứng tầm là một trong những trung tâm của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở miền Trung - Tây Nguyên, là thành phố đáng sống...

Các khu vực chức năng của thành phố phát triển đúng hướng, ranh giới đô thị mở rộng gần 4 lần, trong đó phạm vi nội thành từ 5.600ha được mở rộng lên 21.000ha. Thành phố thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.300 dự án, tổng diện tích hơn 17.000ha; 120.000 hộ dân trên tổng số 200.000 hộ được di dời, giải tỏa để tạo nên những khu phố mới, khu dân cư mới. Hơn 110.000 hộ dân được bố trí tái định cư.

Đặc biệt, với chủ trương “tạo vốn từ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng”, thành phố đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong phát triển đô thị cả về số lượng và chất lượng, làm đòn bẩy đưa thành phố lên tầm cao mới. Thành phố tập trung đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông có quy mô lớn, hiện đại, kết nối nội thị và ngoại thành hiệu quả.

Nhiều cây cầu mới, hiện đại bắc qua sông Hàn tạo nét đặc trưng riêng cho đô thị. Cùng với đó, thành phố thiết lập các đường vành đai phía nam, Trung tâm Hành chính thành phố, nhà ga sân bay quốc tế, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... Mỗi công trình đều mang một nét kiến trúc độc đáo riêng, góp phần tạo nên thương hiệu Đà Nẵng.

Các tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Trường Sa kết hợp với hầm đường bộ Hải Vân nối các khu du lịch của thành phố Huế với khu du lịch bán đảo Sơn Trà, thành phố Hội An, tạo tiền đề cho sự phát triển và liên kết vùng.

Có thể nói, Đà Nẵng xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị đồng bộ, có trọng điểm, nhiều công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị tiếp tục được nâng cấp và cải thiện, cơ sở hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị có bước phát triển mới.

Nhiều tuyến đường chính của thành phố được đầu tư hoàn chỉnh từ đường, điện, cây xanh tạo cảnh quan và nhiều công trình trọng điểm về y tế, giáo dục, văn hóa… tạo ra sự đồng bộ về hạ tầng kinh tế và dân sinh, tiêu biểu như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế, hệ thống nhà ở xã hội (các khu chung cư, ký túc xá sinh viên, công nhân...) đã cải thiện chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên diện mạo mới, hài hòa, đáng sống cho thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, nhân văn.

Sức bật từ những chính sách phát triển đô thị

Trong 25 năm qua, thành phố Đà Nẵng tập trung nguồn lực để phát triển không gian đô thị, nhất là hạ tầng được phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại. Điều này thể hiện rõ tầm nhìn về quy hoạch, phát triển đô thị của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân vì lợi ích chung. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển đồng bộ với hàng loạt các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch, nghỉ dưỡng… giúp diện mạo Đà Nẵng ngày càng mở rộng ra các hướng và khang trang.

Ngày 17-6-2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 465/QĐ-TTg phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-QĐ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây là những nền tảng vững chắc để tạo đà cho một giai đoạn chuyển mình của đô thị Đà Nẵng. Nghị quyết số 33-QĐ/TW giao nhiệm vụ xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung.

Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã mở ra tầm nhìn mới cùng với những chính sách vượt trội để Đà Nẵng có cơ hội vươn ra biển lớn.

Ngày 15-3-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ hội để thành phố tiếp tục nâng tầm phát triển đô thị với những nhiệm vụ, mục tiêu cao hơn.

Với 25 năm phát triển đô thị, Đà Nẵng đã trải nghiệm và đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm quý. Với tất cả những nỗ lực vươn lên, Đà Nẵng luôn được các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, tin tưởng, hỗ trợ trong quá trình xây dựng và phát triển. Không những thế, Đà Nẵng còn có một nền tảng hết sức vững chắc là sức mạnh của lòng dân.

Dù qua bao thăng trầm trong bước đường phát triển đô thị, người dân Đà Nẵng luôn thể hiện sự tin tưởng vào những quyết sách của lãnh đạo thành phố vì mục tiêu chung là xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.