Cần quy hoạch vùng chăn nuôi lớn

.

Trước những tác động của dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm và yêu cầu về bảo đảm cung cấp thịt, thủy sản... phục vụ thị trường, việc quy hoạch, xây dựng những vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản lớn ở thành phố là bức thiết.

Vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) đang được quy hoạch mở rộng diện tích. Trong ảnh: Người dân nuôi cá trê lai tại thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) đang được quy hoạch mở rộng diện tích. TRONG ẢNH: Người dân nuôi cá trê lai tại thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm qua, thành phố đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt có giá trị tại huyện Hòa Vang, tiêu biểu như tại thôn Nam Thành, Khương Mỹ (xã Hòa Phong), Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương); nuôi tôm, cua, cá dìa... tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên).

Đối với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, hiện chủ yếu là chăn nuôi nông hộ và trang trại quy mô nhỏ và vừa. Dịch tả heo châu Phi xuất hiện trở lại tại huyện Hòa Vang từ đầu tháng 10-2021 đến nay đã làm hơn 2.400 con heo của hơn 280 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh, chết hoặc tiêu hủy. Trước đó, giữa năm 2021, lần đầu tiên bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên đàn trâu, bò tại huyện Hòa Vang làm 50 con bị nhiễm bệnh. Hiện có hơn 600 hộ, cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi ở các quận nội thành, khu dân cư cần phải di dời ra các địa phương, vùng chăn nuôi khác...

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phú Ban cho rằng, ngành chăn nuôi của thành phố còn nhỏ, lẻ, chỉ cung cấp sản lượng thịt đạt tỷ lệ 10-15% so với tổng nhu cầu tiêu thụ của người dân và du khách trên địa bàn thành phố. Huyện Hòa Vang đang thực hiện việc từng bước giảm dần chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình để bảo đảm an toàn dịch bệnh và kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Sau khi hoàn thành di dời, tháo dỡ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các sông, vịnh, biển và qua tác động của Covid-19 cũng như thiên tai, có thể thấy việc quy hoạch các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho thành phố là cần thiết. Sở NN&PTNT đã đề nghị thành phố quy hoạch một vùng chăn nuôi lớn, tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, tuần hoàn, sinh thái với quy mô khoảng 100ha để thành phố thường xuyên có khoảng 100.000 con heo, bảo đảm thực phẩm cho thành phố... Bên cạnh đó, thành phố cần quy hoạch vùng nuôi thủy sản trên đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, nhằm cung cấp thủy sản cho thị trường và góp phần thực hiện chủ trương xây dựng “thành phố ngàn hồ”, chống biến đổi khí hậu..., nhất là ở các xã có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản như: Hòa Liên, Hòa Khương”, ông Nguyễn Phú Ban đề nghị.

Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn chất lượng và đào tạo Tín Việt (Đà Nẵng), một chuyên gia tư vấn về kinh tế nông nghiệp, đề xuất, về lâu dài, thành phố cần hình thành các khu chăn nuôi tập trung phù hợp với khu vực trung du, đồi núi (các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú...); khu vực đồng bằng (các xã Hòa Phước, Hòa Tiến...).

Theo đó, ở khu vực trung du, đồi núi, cần ưu tiên chăn nuôi trang trại, nông hộ bảo đảm an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng đệm lót sinh học, khuyến khích hình thành các mô hình chăn nuôi kinh tế tuần hoàn với giống vật nuôi, bò, dê, heo, heo rừng, gia cầm và các đối tượng nuôi chăn thả, giá trị kinh tế cao... Đặc biệt, quy hoạch theo hướng mở rộng một số trang trại chăn nuôi theo quy trình khép kín, kinh tế tuần hoàn quy mô lớn để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho thành phố.

Ở khu vực đồng bằng, cần ưu tiên chăn nuôi heo hữu cơ và gia cầm theo quy mô nông hộ, trang trại bảo đảm an toàn sinh học. Thành phố cần kêu gọi đầu tư xã hội hóa giống vật nuôi, nhất là trung tâm sản xuất giống lớn; kêu gọi đầu tư trung tâm chế biến gia súc, gia cầm tập trung, quy mô lớn, hiện đại...

Thành phố cũng cần quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Hòa Khương và Hòa Phong với quy mô 12ha, trong đó có chuyển đổi đất trồng trọt kém hiệu quả. Bên cạnh đó, nâng cấp trại giống thủy sản thực nghiệm (2ha) và kêu gọi đầu tư sản xuất giống trên diện tích khoảng 10ha để bán giống cho một số tỉnh Tây Nguyên và nhu cầu nuôi sinh vật cảnh của người dân thành phố.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.