Kinh tế

Đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp

14:08, 28/01/2022 (GMT+7)

Hiện nay, tiến độ các dự án đầu tư lớn tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đang được đẩy nhanh nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế thành phố trong thời gian tới.

Các dự án có vốn đầu tư hàng triệu USD đi vào hoạt động sản xuất góp phần phát triển kinh tế thành phố. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp, sản xuất các sản phẩm điện tử, mạch điện tử thuộc dự án công nghệ SMT tại Nhà máy Trungnam EMS (Khu Công nghệ cao). Ảnh: KHÁNH HÒA
Các dự án có vốn đầu tư hàng triệu USD đi vào hoạt động sản xuất góp phần phát triển kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Dây chuyền lắp ráp, sản xuất các sản phẩm điện tử, mạch điện tử thuộc dự án công nghệ SMT tại Nhà máy Trungnam EMS (Khu Công nghệ cao). Ảnh: KHÁNH HÒA

Thông tin từ Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) cho biết, tính đến nay, tại  KCNC đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án, trong đó có 11/24 dự án đã hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; 4/24 dự án đang xây dựng và 7/24 dự án đang tiến hành các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong tổng số 24 dự án nói trên, có 11 dự án có tổng vốn đầu tư triệu đô. Các dự án này đã triển khai và đi vào hoạt động gồm: Tokyo Keiki Precision Technology (Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology) có trị giá 40 triệu USD; Niwa Foundry Việt Nam (Nhật Bản) (Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam, trị giá 30 triệu USD); Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT VINA (Công ty Dentium CO.,LTD, Hàn Quốc, trị giá 20 USD); Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Nhà đầu tư: Công ty Universal Alloy Asia Pte., Ltd, trị giá 170 triệu USD); Nhà máy sản xuất - lắp ráp thiết bị chữa cháy, đồng hồ đo áp suất (Công ty HATSUTA SEISAKUSHO CO.,LTD, trị giá 5,1 triệu USD); Nhà máy sản xuất sản phẩm - linh kiện từ cao su phục vụ cho ngành chế tạo máy - điện - điện tử (Nhật Bản, trị giá 6 triệu USD).

Riêng trong năm 2021, dự án Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng (Nhật Bản) trị giá 35 triệu USD là một trong những dự án lớn được thu hút vào KCNC Đà Nẵng. Đây là dự án thứ 7 của các nhà đầu tư Nhật Bản vào KCNC, hoạt động với các mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ gồm: các thế hệ robot, thiết bị bay không người lái, thiết bị năng lượng hydro, thiết bị nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AL), hệ thống lọc nước, hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới.

Dự án cũng nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết bị y tế, sản xuất mẫu (thử nghiệm) và sản xuất thiết bị không người lái nhằm mục đích thương mại đối với sản phẩm và công nghệ sau khi nghiên cứu phát triển. Cũng theo Ban quản lý KCNC&CKCN, hiện trong số 7 dự án đang triển khai thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có hai dự án lớn gồm: dự án sản xuất thiết bị tự động hóa trong ngành may mặc (Nhật Bản) trị giá 28,5 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United Stated Enterprises (Hoa Kỳ) trị giá 110 triệu USD.

Ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine cho biết, năm 2021, tuy chịu ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng công ty vẫn tìm cách thích ứng linh hoạt để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp tiến độ giao hàng theo hợp đồng đã ký kết.

Năm 2022, công ty tiếp tục triển khai kế hoạch kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt các biện pháp để vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của thành phố. Hiện nhà máy có 850 lao động đang làm việc.

Ngoài ra, hiện nay, tại KCNC Đà Nẵng có 2 dự án đã được UBND thành phố có văn bản đồng ý chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư, được ban quản lý có công văn giới thiệu địa điểm để nghiên cứu dự án, gồm: dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D của Công ty Arevo Inc (Hoa Kỳ), tổng vốn đầu tư 135 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất bảng mạch in và vi cơ điện tử (MEMS) của Công ty Vector Fabrication (Hoa Kỳ), tổng vốn đầu tư 60 triệu USD.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng cho biết, trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh kéo dài, việc thu hút được các nhà đầu tư với các dự án lớn là kết quả của quá trình nỗ lực của thành phố. Trong năm qua, ban quản lý phối hợp các ngành liên quan tổ chức xúc tiến đầu tư trực tuyến với các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), một số thị trường khác và đã đạt một số kết quả nhất định…

Để bảo đảm tiến độ đối với các dự án tại KCNC Đà Nẵng, ban quản lý tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện công tác đầu tư xây dựng trên thực tế, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, đi vào sản xuất kinh doanh.

Song song với công tác đầu tư xây dựng, Ban quản lý cũng đề nghị các nhà đầu tư có kế hoạch bố trí vốn và tiến hành thủ tục mua sắm thiết bị, máy móc; tìm kiếm chuyên gia và tuyển lao động; chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên môn để sẵn sàng vận hành, hoạt động dự án. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nhập cảnh chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn KCNC&CKCN; tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư minh bạch, thông thoáng thông qua cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp… tháo gỡ các khó khăn, củng cố năng lực cho các nhà đầu tư hiện hữu, tạo môi trường thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư mới.

KHÁNH HÒA

.