Đưa sản phẩm OCOP lên kênh thương mại điện tử

.

Trước thực trạng sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gặp khó do chỉ phân phối ở kênh bán hàng truyền thống, ngành công thương và các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đã có những phương án đồng hành, hỗ trợ cụ thể, đưa sản phẩm lên kênh thương mại điện tử. Qua đó, giúp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về.

Ngành công thương và các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đồng hành, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên kênh thương mại điện tử. Trong ảnh: Khách hàng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại chương trình “Kết nối cung - cầu 2021” do Sở Công Thương tổ chức ngày 26-11-2021. Ảnh: VĂN HOÀNG
Ngành công thương và các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đồng hành, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên kênh thương mại điện tử. TRONG ẢNH: Khách hàng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại chương trình “Kết nối cung - cầu 2021” do Sở Công Thương tổ chức ngày 26-11-2021. Ảnh: VĂN HOÀNG

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Từ năm 2020 đến nay, toàn thành phố có 26 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao. Qua khảo sát, đa số các đơn vị có sản phẩm OCOP là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế về quy mô sản xuất lẫn kinh nghiệm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trên nền tảng thương mại điện tử.

Là doanh nghiệp có 3 sản phẩm OCOP, gồm: chả cá thu, chả mực, cá đét khô, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bắc Đẩu, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho rằng, khó khăn của những doanh nghiệp có sản phẩm OCOP là tìm được đầu ra sản phẩm để duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, việc bảo quản, vận chuyển sản phẩm, nhất là sản phẩm đông lạnh, thực phẩm khiến các đơn vị gặp khó khăn khi đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử.

“Điều khó nhất của những doanh nghiệp như chúng tôi là các sản phẩm từ khâu đóng gói, vận chuyển đến khi khách hàng nhận được phải bảo đảm nguyên vẹn chất lượng. Ngoài ra, số lượng sản phẩm OCOP của thành phố còn ít, người dân, du khách chưa biết đến nên việc tiêu thụ, kết nối trên các kênh thương mại điện tử còn gặp hạn chế”, bà Nguyễn Thị Hồng Thu nói.

Trong khi đó, cơ sở sản xuất giò chả Thảo Sinh (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) là đơn vị cung cấp sản phẩm giò, chả, phục vụ khách hàng trên các chuyến bay ở một số sân bay trong nước, các siêu thị, đại lý, khách sạn, resost trên địa bàn thành phố và một số địa phương như: Lâm Đồng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế… Dù sản phẩm có đầu ra ổn định, đạt chất lượng và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhưng những sản phẩm của cơ sở này vẫn “vắng bóng” trên các nền tảng bán hàng điện tử.

Ông Nguyễn Phi Sinh, chủ cơ sở cho biết, do cơ sở tập trung vào kênh bán hàng truyền thống, chưa nghiên cứu hay có kinh nghiệm về thương mại điện tử nên không tập trung phát triển kênh bán hàng này. Được biết, các đối tác của cơ sở đều là những khách hàng lâu năm và khách hàng mới được kết nối khi tham gia các chương trình, hội chợ xúc tiến do Sở Công Thương thành phố tổ chức...

Theo ông Võ Văn Khanh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khu vực miền Trung - Tây Nguyên, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn bởi tính tiện lợi, khả năng thích nghi nhanh. Tuy nhiên, việc thích ứng thương mại điện tử trong kết nối tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khu vực Đà Nẵng nói riêng và miền Trung - Tây Nguyên nói chung còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn về nhân lực, quy trình, kinh nghiệm bán hàng…

Ngành công thương và các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đồng hành, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên kênh thương mại điện tử. Trong ảnh: Khách hàng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại chương trình “Kết nối cung - cầu 2021” do Sở Công Thương tổ chức ngày 26-11-2021. Ảnh: VĂN HOÀNG
Ngành công thương và các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đồng hành, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên kênh thương mại điện tử. TRONG ẢNH: Khách hàng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại chương trình “Kết nối cung - cầu 2021” do Sở Công Thương tổ chức ngày 26-11-2021. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất

Ông Võ Văn Khanh nhận định, để những doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng thương mại điện tử, điều kiện tiên quyết là sự sẵn sàng về sản phẩm, dịch vụ phải luôn bảo đảm chất lượng, nguồn gốc sản phẩm… Đồng thời, cần từng bước xây dựng nền tảng bán hàng trực tuyến; chuẩn bị nhân sự, được hướng dẫn đào tạo để sử dụng các phương thức bán hàng trực tuyến; kết nối và phối hợp các sàn thương mại điện tử để bảo đảm đa dạng kênh bán hàng.

Mặt khác, khâu đóng gói, bảo quản và vận chuyển hàng cần thay đổi để phù hợp; cần có chiến lược để phát triển lâu dài cả kênh online và truyền thống. “Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo, xây dựng hệ sinh thái các giải pháp thương mại điện tử, giải quyết nhu cầu của  các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, VECOM sẽ kết hợp cùng Sở Công Thương chọn lựa, hỗ trợ trực tiếp từ tư vấn đến chi phí sử dụng giải pháp cho doanh nghiệp khi tham gia bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử”, ông Khanh cho biết.

Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Đào Sỹ Toàn cho hay, trong năm 2021, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với địa phương để lựa chọn, đưa các nông sản đặc trưng, chất lượng cao lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, trong đó, có các sản phẩm OCOP. Tại Đà Nẵng, Bưu điện thành phố đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ một số nông sản, hàng hóa thiết yếu trong thời điểm dịch bệnh.

Những sản phẩm được đăng tải trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn đều được minh bạch về nguồn gốc, chất lượng. “Chúng tôi sẽ cố gắng đưa Portmart.vn trở thành sàn thương mại điện tử lớn nhất hỗ trợ cho người nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản, trở thành kênh phân phối chủ lực của địa phương. Các sản phẩm được đăng tải đều có đầy đủ hình ảnh sản phẩm, cơ sở sản xuất, thậm chí là những câu chuyện về sản phẩm được các đơn vị chia sẻ để cho người tiêu dùng hiểu rõ”, ông Đào Sỹ Toàn chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố Đặng Văn Hồng cũng cho biết, Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa ra mắt trang tin điện tử “Phiên chợ khuyến nông” tại địa chỉ: http://phiencho.khuyennongvn.gov.vn nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm từ các mô hình khuyến nông, trong đó có chương trình OCOP. Trung tâm đang phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn thành phố để cập nhật thông tin, hình ảnh lên trang tin. “Các sản phẩm của Đà Nẵng xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử không chỉ giúp cho đơn vị sản xuất tiếp cận người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn giúp địa phương quảng bá những sản phẩm thế mạnh, địa điểm mua hàng uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm chất lượng”, ông Đặng Văn Hồng nói thêm.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.