Kinh tế

Lấy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm trung tâm của hệ sinh thái

06:32, 02/01/2022 (GMT+7)

Các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng sôi động, đạt những kết quả tích cực, hướng tới mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước và Đông Nam Á vào năm 2030 theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ ký kết hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng năm 2021.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ ký kết hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng năm 2021. Ảnh: QUỲNH TRANG

Khởi nghiệp từ buổi đầu…

Thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp để thu hút các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi để “nảy mầm” những ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp đối với các bạn trẻ, các doanh nhân. Từ năm 2014, một số cuộc thi khởi nghiệp trong các trường đại học được tổ chức, tạo cơ hội tiếp cận với khởi nghiệp ngay trên giảng đường cho sinh viên.

Cũng trong năm 2014, Đà Nẵng chọn chủ đề là “Năm doanh nghiệp”, theo đó nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành và triển khai thực hiện với mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả về số và chất lượng, phấn đấu đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp tăng bình quân hơn 10%/năm. Chính tại thời điểm này, chủ trương về khởi nghiệp được đưa vào chương trình hành động của lãnh đạo thành phố.

Sau gần 2 năm triển khai, hoạt động khởi nghiệp của thành phố tiến tới dấu mốc quan trọng là UBND thành phố quyết định thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp (DSC) vào tháng 10-2015, thành lập Vườn ươm doanh nghiệp thành phố (DNES) theo mô hình hợp tác công tư duy nhất trong cả nước vào cuối tháng 12-2015.

Sự ra đời của DSC đã tập hợp hầu hết các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp: các chương trình ươm tạo, vườn ươm, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư, các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông... Từ năm 2016, các hội nghị và triển lãm khởi nghiệp mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức, công tác truyền thông đã vào cuộc mạnh mẽ, xây dựng quan hệ hợp tác với các quốc gia khởi nghiệp để học tập và trao đổi kinh nghiệm phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thành phố cũng ban hành các Quyết định số 88/QĐ-UBND ngày 5-1-2017 và Quyết định số 1219/QĐ-UBND ngày 6-3-2017 về về việc phê duyệt đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó bao gồm các nội dung về hỗ trợ, kết nối các CLB khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động khởi nghiệp.

TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố đã hình thành và từng bước phát triển, song, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp, chưa có các tập đoàn lớn tham gia hỗ trợ, dẫn dắt và đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trên thực tế, đã có một số nhà đầu tư quan tâm nhưng hoạt động còn nhỏ lẻ, chưa tạo thành mạng lưới và hoạt động đầu tư chưa mạnh mẽ; nhân lực thực hiện công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Các trường đại học, viện nghiên cứu tuy đã bắt đầu quan tâm đến khởi nghiệp, một số trường thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp hoặc trung tâm khởi nghiệp nhưng các hoạt động còn mang tính phong trào, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và thị trường; chưa có nhiều doanh nghiệp hình thành từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

… đến những quy chế, chính sách riêng có của Đà Nẵng

Hiện thành phố đã xây dựng và ban hành 11 cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi và cơ sở pháp lý để hỗ trợ phát triển khởi nghiệp; hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp với nhiều thành tố gồm:  6 vườn ươm, 2 không gian sáng tạo, 9 khu làm việc chung, 4 quỹ đầu tư, 10 CLB khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đà Nẵng có khoảng 50 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cả nước.

Đặc biệt, đầu tháng 6-2021, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN. Đây đang là đầu mối kết nối mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước với thành phố; đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Giữa tháng 10-2021, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức tham vấn “Hoàn thiện quy chế ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao” với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo cùng các chuyên viên phụ trách hoạt động ươm tạo, đại diện các dự án tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng khẳng định: “Hoạt động ươm tạo doanh nghiệp được xem như trái tim của Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Nếu không có hoạt động ươm tạo thì Khu Công nghệ cao chỉ là khu công nghiệp bình thường. Để có thể đưa hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao ngày một hoàn thiện, ban quản lý đã xây dựng quy chế ươm tạo bao gồm quy trình ươm tạo và các vấn đề liên quan đến quy trình. Những đánh giá, góp ý từ phía các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ giúp hoàn thiện quy chế, có thể áp dụng hiệu quả với các dự án ươm tạo tại đây”.

TS. Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) nhận định, trong thời gian tới, thành phố cần thực hiện mãnh mẽ vai trò “bà đỡ” cho hệ sinh thái khởi nghiệp trên các lĩnh vực, nhanh chóng hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thu hút các công ty, dự án khởi nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc và đăng ký kinh doanh.

Cụ thể là khẩn trương đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố cũng như sắp xếp lại các công viên phần mềm, vườn ươm khởi nghiệp hiện có để tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp công nghệ được vào làm việc trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Thành phố cần ban hành chính sách hỗ trợ rõ ràng, minh bạch đối với các dự án, công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đáp ứng các tiêu chí chọn lựa của thành phố thông qua các hoạt động ươm tạo, đào tạo, tài trợ vốn, cho vay ưu đãi... Đồng thời, nghiên cứu ban hành mới thủ tục đăng ký doanh nghiệp khởi nghiệp đơn giản để thu hút các công ty khởi nghiệp đăng ký kinh doanh tại thành phố.

Những thành tựu của thành phố trong lĩnh vực khởi nghiệp
- Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam lĩnh vực Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức năm 2020.
- Một số dự án khởi nghiệp của thành phố nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng trong nước và quốc tế như: Dự án EM & AI (Công ty CP EM and AI) là một trong ba dự án được chọn ghi hình trong Chương trình Shark Tank 2021, được nhận phần thưởng là khóa huấn luyện tăng tốc khởi nghiệp do chuyên gia nước ngoài đào tạo trị giá 65.000 USD. Robot trí tuệ nhân tạo NYM của dự án Hekate Đà Nẵng (Công ty CP Công nghệ Hekate) nhận được gói hỗ trợ 212 triệu đồng từ Sở Khoa học và Công nghệ thành phố để phát triển sản phẩm. Dự án “Umbalena - Ứng dụng đọc sách dành cho trẻ em Việt Nam từ 2 đến 6 tuổi” (Công ty TNHH Công nghệ VOOC) đạt giải quán quân cuộc thi “Vòng xe Khởi nghiệp - Startup Wheel 2020” lần thứ 8 năm 2020 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

QUỲNH TRANG - MAI QUẾ

.