Nhiều đơn hàng xuất khẩu đầu năm

.

Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu ngay khi bước vào tháng đầu năm mới 2022. Đây cũng là năm mà cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng sẽ có nhiều khởi sắc khi chuỗi cung ứng đã liền mạch, doanh nghiệp chủ động hơn trong thích ứng với diễn biến của dịch bệnh.

Không khí sản xuất đã sôi nổi ngay từ đầu năm 2022 tại nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam.  Ảnh: KHÁNH HÒA
Không khí sản xuất đã sôi nổi ngay từ đầu năm 2022 tại nhiều doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam. Ảnh: KHÁNH HÒA

Thủy sản là một trong những ngành được dự báo có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất, xuất khẩu trong năm 2022 khi các thị trường chủ lực như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã phục hồi và có nhu cầu lớn về nguồn cung, nhất là trong tháng 1 và 2-2022. Bên cạnh đó, nguồn cung ứng nguyên liệu đang phục hồi tốt trong những tháng qua là tin vui giúp doanh nghiệp mạnh dạn đẩy mạnh công suất để hoàn thành đơn hàng cũ, cũng như tạo đà cho các quý tiếp theo trong năm. Trước đó, theo báo cáo từ Sở Công Thương, kết thúc năm 2021, thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của thành phố có tăng trưởng ấn tượng, đạt 202,5 triệu USD, tăng 11,9% so với năm 2020.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá thành phố, cho biết kết thúc năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 18% so với năm 2020, đạt 80% so với kế hoạch đề ra cho năm 2021. Nhờ đó, công ty thưởng Tết cho người lao động thêm tháng lương thứ 13, tương đương mức 9-10 triệu đồng/công nhân. Hiện 1.800 công nhân đang tăng tốc cho việc hoàn tất giao đơn hàng cũ trong năm 2021; đồng thời xúc tiến các đơn hàng mới cho năm 2022. Theo ông Trần Văn Lĩnh, trong năm mới này, các doanh nghiệp thủy sản ở nước ta có nhiều cơ hội để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, hướng đến đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn so với năm 2021 khi dư địa xuất khẩu còn lớn, đặc biệt là khi các hiệp định thương mại tự do quan trọng chính thức có hiệu lực.

Bên cạnh đó, sau hai năm ứng phó với dịch bệnh đã mang lại nhiều bài học quý giá cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, giúp tăng tính chủ động trong triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh linh hoạt, có tính thích ứng cao với những biến động bất thường của chuỗi cung ứng. “Chúng tôi vẫn tin tưởng xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ có tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu vẫn đang tăng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá cả nguồn cung nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao nên nhiều doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng trong việc hoàn tất ký kết đơn hàng trong năm 2022”, ông Trần Văn Lĩnh nói.

Không khí sản xuất đã sôi nổi ngay từ đầu năm 2022 tại nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (quận Liên Chiểu). Ảnh: M.QUẾ
Không khí sản xuất đã sôi nổi ngay từ đầu năm 2022 tại nhiều doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (quận Liên Chiểu). Ảnh: M.QUẾ

Ở lĩnh vực dệt, may, không khí sản xuất diễn ra sôi nổi ở nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố như Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP Vinatex quốc tế…. Đây cũng là lĩnh vực đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong năm 2021 với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 460 triệu USD, tăng 11,7% so với năm 2020.

Bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, lượng đơn hàng công ty tiếp nhận đầu năm nay tăng tương đối nhiều so với cùng kỳ năm trước. Hiện công ty đã ký kết các hợp đồng để sản xuất đến hết quý 2-2022 và tiếp tục khai thác để có lượng đơn hàng đến hết năm. Điểm tích cực là các đơn hàng với sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: đồ veston, đồng phục công sở, đồ bảo hộ lao động… xuất đi thị trường Mỹ, trong khi năm qua vì tình hình dịch bệnh nên các mặt hàng này không có nhiều đơn hàng. Ngoài ra, các mã hàng được ký kết với thời gian dài, liên tục nên công nhân làm việc năng suất hơn. “Nhìn chung, tình hình sản xuất hiện nay “sáng” hơn nhiều do các chính sách phòng, chống dịch linh hoạt. Ngoài 11.000 lao động đang làm việc, công ty có kế hoạch tuyển dụng thêm các lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao để phục vụ kịp tiến độ sản xuất”, bà Trần Tường Anh thông tin thêm.

Ông Huỳnh Trinh, Giám đốc Công ty CP Lâm sản Xuất khẩu Đà Nẵng cũng cho hay, hiện lượng đơn hàng của doanh nghiệp rất nhiều, kéo dài từ nay cho đến quý 3-2022. Theo đó, công ty sản xuất trung bình mỗi tháng 15 container gỗ để xuất khẩu tới thị trường châu Âu, doanh thu từ mỗi container khoảng 20.000 USD. Với lượng đơn hàng này, cuối năm vừa qua, công ty phải tuyển thêm lao động để kịp sản xuất và công nhân liên tục tăng ca để kịp sản xuất. Công ty đã xây dựng kế hoạch sản xuất cũng như chủ động nguồn nguyên liệu để bảo đảm phục vụ các đơn hàng từ nay đến cuối năm, nguồn nguyên liệu chủ yếu là gỗ keo tại các tỉnh, thành phố miền Trung nên việc vận chuyển cũng như dự trữ tương đối tốt. Điều quan trọng là chú ý  công tác phòng, chống dịch để tránh gián đoạn tới việc sản xuất.

Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu năm mới 2022, hoạt động sản xuất ở các doanh nghiệp, nhất là những ngành, lĩnh vực quan trọng đã diễn ra sôi nổi với khí thế và kỳ vọng mới. Cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm cùng thành phố hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2022 - “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.  

KHÁNH HÒA - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích