Thu hút đầu tư tạo đòn bẩy phát triển kinh tế

.

Hoạt động thu hút đầu tư của Đà Nẵng đã ghi dấu ấn đậm nét trong thành quả chung về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi căn bản và toàn diện bộ mặt đô thị cũng như đời sống người dân.

Hoạt động thu hút đầu tư góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. TRONG ẢNH: Kỹ sư vận hành nhà máy nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao SMT (Trungnam EMS) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM
Hoạt động thu hút đầu tư góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. TRONG ẢNH: Kỹ sư vận hành nhà máy nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao SMT (Trungnam EMS) tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM

Thúc đẩy phát triển địa phương

Từ vùng đất có hơn 80% dân cư sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, cùng với quá trình phát triển của thành phố, quận Liên Chiểu vươn mình trở thành địa bàn công nghiệp trọng điểm ở phía tây bắc thành phố với các khu công nghiệp: Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu.

Trên địa bàn quận còn có những dự án du lịch lớn như: khu du lịch sinh thái Nam Ô, dự án Mikazuki Hotel & Spa Resort gắn với phố đi bộ và văn hóa Nhật Bản, tuyến đường du lịch Nguyễn Tất Thành, khu du lịch Làng Vân, đang hình thành đề án du lịch sông Cu Đê...

Đến nay, trong cơ cấu kinh tế của địa phương, công nghiệp chiếm hơn 64,68%, dịch vụ chiếm 35,07% và nông nghiệp chỉ còn 0,25%. Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, trong thành quả chung này có vai trò quan trọng từ công tác thu hút đầu tư; qua đó, góp phần tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển cũng như khai thác và phát huy những thế mạnh của địa phương.

Là địa bàn nông thôn duy nhất của thành phố, công tác thu hút đầu tư tại huyện Hòa Vang thời gian qua tập trung vào việc khai thác, sử dụng hiệu quả lợi thế của địa phương, đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái.

Hiện nay, ngoài 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành phố thống nhất quy hoạch, UBND huyện đã khảo sát trình UBND thành phố chọn địa điểm thêm ở các vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tại thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn) và thôn Túy Loan (xã Hòa Phong); đưa vào hoạt động tour du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc); tư vấn hoàn thiện kiến trúc và sản phẩm khu du lịch sinh thái Thái Lai (xã Hòa Nhơn)…

Đóng vai trò khu vực chiến lược trong hoạt động thu hút đầu tư của thành phố, trong hơn hai thập kỷ qua, hoạt động thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có 6 KCN, 1 KCNC và 1 Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 2.325,92ha. Đến nay, có 504 dự án còn hiệu lực đang hoạt động tại KCNC, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các KCN, trong đó 376 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 27.607,9 tỷ đồng và 128 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,837 tỷ USD.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư thành phố nhìn nhận, hơn hai thập kỷ qua, hoạt động thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng đề ra qua các kỳ đại hội là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Thu hút đầu tư cũng làm thay da đổi thịt diện mạo đô thị của nhiều quận, huyện cũng như nâng cao đời sống, tạo việc làm cho người dân thành phố. Những dự án thu hút đầu tư đã tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như chất lượng nguồn nhân lực; đưa các loại hình doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế và phát triển thương hiệu thành phố, thiết lập quan hệ hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực đối với các địa phương, thành phố khác.

Hoạt động thu hút đầu tư phát huy hiệu quả, đóng góp ngày càng quan trọng vào tốc độ tăng trưởng GRDP cũng như thu ngân sách thành phố. Riêng giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GRDP, đầu tư ngoài Nhà nước chiếm bình quân 53,67%; đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm bình quân 11,6%.

Giai đoạn 2016-2020, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 118.180 tỷ đồng. Trong đó, từ khu vực công thương nghiệp ngoài kinh tế quốc doanh chiếm 23.197 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 19,62%), khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp 21.921 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 18,54%).
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thu hút đầu tư

Giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt mục tiêu vốn đăng ký từ hoạt động thu hút đầu tư đạt khoảng 3 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 4 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa tăng lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 75% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030. Các ngành, lĩnh vực, ưu tiên thu hút đầu tư gồm: công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Để đạt được mục tiêu đề ra cũng như nâng cao chất lượng hoạt động thu hút đầu tư, thành phố đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, đề xuất triển khai nhiều nhóm giải pháp ở các lĩnh vực.

Ở nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, nghiên cứu tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng; cơ chế, chính sách đặc thù hình thành trung tâm tài chính; khu phi thuế quan; các trung tâm mua sắm, cửa hàng miễn thuế, điểm bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng; trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo; trung tâm du thuyền quốc tế trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3-2021, thành phố tham mưu trình Chính phủ ban hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch chung.

Ở nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, đô thị, thành phố tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin đón dòng vốn dịch chuyển; đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới; phát triển hệ thống nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa - xã hội nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân. Đồng thời tập trung triển khai công tác dự báo nhu cầu lao động của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với một số ngành, lĩnh vực đang kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các ngành mũi nhọn và công nghệ cao theo từng giai đoạn.

Thành phố đổi mới và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, kết hợp đẩy mạnh truyền thông Đà Nẵng là điểm đến đầu tư hấp dẫn thông qua các phương tiện truyền thông, diễn đàn, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế; tổ chức thường niên các sự kiện “Tọa đàm mùa xuân”, “Diễn đàn đầu tư”; tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tại chỗ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, năng động, coi doanh nghiệp, nhà đầu tư là đối tượng để phục vụ...

Có thể thấy, từ những kết quả đạt được và các giải pháp trong thời gian đến, thành phố đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao trong mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó coi trọng thu hút đầu tư. Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tính từ đầu năm đến ngày 15-11-2021, toàn thành phố thu hút 345 dự án đầu tư trong nước (ở ngoài KCN) với tổng vốn đầu tư 123.686 tỷ đồng và 376 dự án đầu tư trong nước nằm trong các KCN, Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư gần 27.608 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư trong nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: bất động sản, du lịch, giáo dục, y tế... Ngoài ra, đến nay thành phố thu hút tổng số 911 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,866 tỷ USD. Nhóm quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào thành phố hiện nay lần lượt là Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... 

KHÁNH HÒA

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích