Nước mắm Nam Ô đang từng bước được xây dựng thành sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý, qua đó giúp gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Một gian hàng nước mắm Nam Ô giới thiệu tại Hội chợ hàng Việt năm 2021. Ảnh: M.QUẾ |
Triển khai đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL ngày 27-8-2019 công nhận nghề làm nước mắm Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là di sản phi vật thể quốc gia, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp UBND quận Liên Chiểu đề xuất trình UBND thành phố và Bộ KH&CN về việc xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô.
Tháng 7-2021, Bộ KH&CN chính thức phê duyệt nhiệm vụ cấp quốc gia “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô, thành phố Đà Nẵng” thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Cuối tháng 12-2021 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã gửi công văn tới UBND thành phố để triển khai các công tác liên quan tới nhiệm vụ để bắt đầu thực hiện từ năm 2022.
Theo đề xuất được phê duyệt, nhiệm vụ sẽ thực hiện trong 2 năm (từ tháng 1-2022 đến cuối tháng 12-2023). Mục tiêu là bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm gắn với đăng ký mã số vùng sản xuất nhằm bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị, phát huy danh tiếng của sản phẩm nước mắm Nam Ô và phát triển du lịch làng nghề.
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết mục tiêu trong năm 2022, sở sẽ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô. Cụ thể, sở xác định căn cứ thực tiễn, khoa học về điều kiện tự nhiên; yếu tố con người và kinh nghiệm sản xuất quyết định đến tính đặc thù riêng có về cảm quan và chất lượng của sản phẩm nước mắm Nam Ô. Sau đó, xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm làng Nam Ô của Đà Nẵng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và thiết lập được mô hình sản xuất, quản lý sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở KH&CN cùng các đơn vị liên quan như UBND quận Liên Chiểu, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, hợp tác xã, làng nghề… điều tra thu thập thông tin, khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng nhằm xác định căn cứ thực tiễn và khoa học.
“Tại Đà Nẵng, dù đã có những sản phẩm đặc thù nhưng đến nay chưa có sản phẩm nào được xây dựng chỉ dẫn địa lý. Do đó, việc đăng ký bảo hộ cho sản phẩm nước mắm Nam Ô là vấn đề đang được quan tâm. Việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Nam Ô sẽ tạo tiền đề để xây dựng chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm địa phương khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như gìn giữ và phát triển các nghề, các sản phẩm truyền thống của thành phố”, ông Viên cho hay.
Kỳ vọng phát triển thương hiệu
Sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề mắm, ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, bày tỏ, ông đã gắn bó với nghề làm nước mắm cả cuộc đời, trải qua bao thăng trầm cùng với nghề. “Đối với các sản phẩm truyền thống, mang tính tập thể và đậm nét đặc trưng địa phương như nước mắm Nam Ô, chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần quan trọng quảng bá sâu rộng sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống trong tương lai”, ông Vinh nói.
Còn ông Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương, chia sẻ, làng nghề nước mắm Nam Ô giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn di sản của thành phố nói riêng và của quốc gia nói chung. Việc sản phẩm nước mắm Nam Ô được bảo hộ chỉ dẫn trên thị trường sẽ mang lại lợi ích xã hội rất lớn. Đó là việc người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm nước mắm có từ rất lâu đời được tạo ra với đôi bàn tay khéo léo và bí quyết lưu truyền của người dân làng Nam Ô. Ngoài ra, đây còn là động lực thúc đẩy cho sự phát triển của các hệ thống thương mại, du lịch sinh thái gắn với du lịch di tích trên địa bàn.
Theo thống kê của UBND quận Liên Chiểu, làng nước mắm Nam Ô có khoảng hơn 90 hộ làm nước mắm, trong đó có 63 hộ tham gia vào hội làng nghề nước mắm truyền thống, với 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 hợp tác xã và một doanh nghiệp (bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 200.000 lít nước mắm thành phẩm). Để thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Nam Ô, UBND quận Liên Chiểu cho biết, địa phương đang phối hợp cùng Sở KH&CN tiếp tục xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, hoàn thiện quy chế quản lý cũng như tiến hành theo các nội dung của nhiệm vụ cấp quốc gia đã được Bộ KH&CN phê duyệt.
Song song với công tác đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Sở KH&CN đang triển khai 2 đề tài khoa học và công nghệ cấp thành phố để hỗ trợ phát triển nước mắm Nam Ô là “Nghiên cứu xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn cho nước mắm Nam Ô” do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ chủ trì và đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nước mắm Nam Ô” do Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng chủ trì. |
MAI QUẾ