Kinh tế

Tháo điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư

14:14, 25/02/2022 (GMT+7)

Định hướng hoạt động thu hút đầu tư được thành phố đặt ra là khắc phục các hạn chế, tháo gỡ những điểm nghẽn về quỹ đất, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như không chấp thuận, tiếp nhận các dự án có sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, lãng phí tài nguyên, đặc biệt là các dự án ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh. Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 7 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký.

Thành phố đang triển khai nhiều hoạt động thu hút đầu tư vào các thị trường và đối tác tiềm năng. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp, sản xuất các sản phẩm điện tử, mạch điện tử thuộc Dự án công nghệ SMT tại Nhà máy Trungnam EMS (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng).  Ảnh: KHÁNH HÒA
Thành phố đang triển khai nhiều hoạt động thu hút đầu tư vào các thị trường và đối tác tiềm năng. TRONG ẢNH: Dây chuyền lắp ráp, sản xuất các sản phẩm điện tử, mạch điện tử thuộc Dự án công nghệ SMT tại Nhà máy Trungnam EMS (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA

Còn nhiều điểm nghẽn

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (KCNC&CKCN) cho biết, đến nay, Khu CNC Đà Nẵng đã thu hút 24 dự án, trong đó có 12 dự án trong nước với vốn đầu tư 6.291 tỷ đồng và 12 dự án nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư hơn 545 triệu USD. Tổng cộng KCNC&CKCN thu hút được 496 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là hơn 26.561 tỷ đồng và hơn 1,744 tỷ USD. Các dự án tại KCNC&CKCN đóng góp vào ngân sách thành phố hơn 3.648 tỷ đồng, bằng 65% so với năm 2020, giải quyết việc làm cho 65.217 người lao động trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động thu hút đầu tư vào KCNC&CKCN gặp một số khó khăn cũng như bộc lộ những hạn chế cần khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thu hút đầu tư, nhất là vào Khu CNC.

Theo ông Sơn, ngoài nguyên nhân khách quan là tác động từ dịch bệnh kéo dài khiến nhiều sự kiện ký kết hợp tác, xúc tiến đầu tư bị hoãn nhiều lần hoặc hủy bỏ thì tiêu chuẩn xét chọn dự án đầu tư khá cao cũng là một trở ngại. Cụ thể, hiện nay, để được cấp phép đầu tư vào Khu CNC, các dự án được lựa chọn phải là những dự án đầu tư có chất lượng như: có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và ít gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, những hạn chế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước hiện tại cũng mang lại thách thức không nhỏ đối với mục tiêu thu hút đầu tư FDI như kỳ vọng.

Qua tìm hiểu, có thể thấy một số điểm nghẽn tác động đến chất lượng và hiệu quả công tác thu hút đầu tư thời gian qua cần được tháo gỡ trong thời gian tới là quỹ đất để thu hút đầu tư còn hạn hẹp; thiếu lao động lành nghề, kể cả công nhân kỹ thuật, nhân sự quản lý điều hành, chuyên gia cấp cao, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ còn hạn chế, sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn rời rạc; hệ thống logistics chưa phát triển đồng bộ; trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương thấp dẫn đến sự liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp địa phương còn yếu…

Chú trọng thu hút đầu tư các dự án lớn

Trên cơ sở nhận diện những bất cập, hạn chế nêu trên, nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào KCNC&CKCN trong thời gian tới, Ban quản lý KCNC&CKCN cho biết sẽ triển khai các nhóm giải pháp: tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới), công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác.

Đồng thời chú trọng thu hút đầu tư các dự án lớn sản xuất hàng xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, không chấp thuận, tiếp nhận các dự án có sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, sử dụng lãng phí tài nguyên, không thân thiện với môi trường, thâm dụng lao động, nhất là các dự án ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.

Về thị trường và đối tác, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, thành phố sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư từ các thị trường và đối tác tiềm năng; coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...; chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500) và doanh nghiệp tại các nước phát triển (khối G7, OECD). Đối với đầu tư trong nước, tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước; khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính và công nghệ từ người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực R&D, công nghệ thông tin, công nghệ cao.

Được biết, ngay trong những ngày đầu năm 2022, Ban quản lý KCNC&CKCN đã xem xét, đánh giá dự án Nhà máy sản xuất bảng mạch in và vi cơ điện tử của Công ty Vector Fabrication (Mỹ) với tổng vốn đăng ký đầu tư 60 triệu USD vào KCN Đà Nẵng. Ban quản lý cũng có công văn giới thiệu địa điểm đối với dự án Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ mô - tế bào gốc châu Á  của Công ty CP Công nghệ cao châu Á vào Khu nghiên cứu phát triển, đào tạo và ươm tạo, với tổng vốn đăng ký đầu tư 20 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất máy công nghệ cao AQUANAM của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Việt Thái vào Khu sản xuất Khu CNC Đà Nẵng, với tổng vốn đăng ký đầu tư 500 tỷ đồng.

Để phát huy các thế mạnh sẵn có, nắm bắt các cơ hội phát triển và khắc phục hạn chế trong hoạt động thu hút đầu tư, UBND thành phố đã ban hành đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, thành phố xác định đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; gia tăng số lượng dự án FDI có khả năng hình thành các chuỗi cung ứng mới và gắn kết với đầu tư trong nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 7 tỷ USD (giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 3 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 4 tỷ USD); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa tăng lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 75% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Theo Ban quản lý KCNC&CKCN, đơn vị đã có văn bản đề xuất, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, giới thiệu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực về tài chính và công nghệ nghiên cứu đầu tư vào thành phố Đà Nẵng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, đề nghị bộ quan tâm, tạo điều kiện để Đà Nẵng đăng cai chủ trì tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tầm quốc gia, quốc tế về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; ưu tiên, hỗ trợ tạo điều kiện để sớm hoàn thiện thủ tục đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang).

KHÁNH HÒA

.