Kinh tế

Bảo đảm cấp nước sinh hoạt mùa nắng nóng

13:42, 09/03/2022 (GMT+7)

Các đơn vị chức năng của thành phố đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố trong mùa nắng nóng năm nay. Điều này lại càng cần thiết khi nguồn điện từ hệ thống năng lượng mặt trời được huy động nhiều, lưu lượng dòng chảy về các hồ chứa và các sông, suối ở hạ du ít dần và khách du lịch trở lại thành phố đang gia tăng, nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn.

Thành phố triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm cấp nước sinh hoạt trên địa bàn trong mùa nắng nóng. TRONG ẢNH: Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã đầu tư hệ thống cửa phai thu nước ngọt trên bề mặt sông Cẩm Lệ để ứng phó với tình trạng nhiễm mặn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thành phố triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm cấp nước sinh hoạt trên địa bàn trong mùa nắng nóng. TRONG ẢNH: Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã đầu tư hệ thống cửa phai thu nước ngọt trên bề mặt sông Cẩm Lệ để ứng phó với tình trạng nhiễm mặn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Từ cuối năm 2021, UBND thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị đã có những văn bản trao đổi với các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Nam về triển khai các giải pháp bảo đảm cấp nước an toàn cho Đà Nẵng.

Ngay trước Tết, UBND thành phố có văn bản đề nghị Công ty Thủy điện Sông Bung phối hợp các cơ quan tỉnh Quảng Nam đề xuất phương án và thời điểm thi công kè gia cố ta-luy âm của quốc lộ 14D khác phù hợp, thay vì hạ thấp mực nước hồ xuống 4m trước ngày 31-1-2022 theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam.

Đến nay, Công ty Thủy điện Sông Bung chưa hạ thấp mực nước hồ. Trong khi đó, với việc vận hành hồ thủy điện Sông Bung 4 bình thường theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã được Chính phủ phê duyệt thời gian qua, đến sáng 4-3, mực nước hồ thủy điện này chỉ hạ thấp 1,1m so với mực nước dâng bình thường, bảo đảm cao trình mực nước để vận hành theo quy trình...

Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung Lê Đình Bản cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh điều chỉnh thời gian thi công kè nói trên vào thời gian hợp lý. Công ty thấy rằng, nếu vận hành hồ thủy điện Sông Bung 4 bình thường, theo đúng quy trình vận hành liên hồ, thì sắp đến, mực nước hồ sẽ hạ xuống cao trình bảo đảm cho việc thi công tuyến kè nói trên mà không ảnh hưởng đến việc vận hành bảo đảm cấp nước cho hạ du trong mùa cạn.

“Trong thời gian tới, có khả năng nguồn điện năng lượng mặt trời được huy động nhiều, nhưng hằng ngày, công ty vẫn sẽ tích cực chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh để cố gắng được huy động phát điện, xả đủ nước về hạ du theo quy trình vận hành liên hồ nhằm bảo đảm cấp nước cho hạ du”, ông Lê Đình Bản chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa, cùng với việc tham mưu UBND thành phố có văn bản không đồng ý với đề nghị của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam về việc hạ thấp 4m nước hồ thủy điện Sông Bung 4 để thi công kè, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tham mưu UBND thành phố có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai đắp thêm bao cát tại tuyến đập tạm trên sông Quảng Huế, nhằm bảo đảm cấp nước cho thành phố.

Đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn thống nhất đắp đập tạm trên sông Quảng Huế từ cao trình hiện trạng là 2,3m lên cao trình 3,2m với  kết cấu đập tạm bằng bao cát, chiều dài 31,5m, chiều rộng mặt đập 6m. UBND thành phố cũng đã giao Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đắp tuyến đập này để bảo đảm cấp nước cho thành phố.

Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam thông tin, hiện nước từ thượng nguồn về đập dâng An Trạch và sông Cẩm Lệ đang nhiều nên chưa xảy ra tình trạng nhiễm mặn. Dawaco đã sẵn sàng vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch để cấp nước ngọt cho 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay để sản xuất trong trường hợp nguồn nước sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn nặng. Bên cạnh đó, Dawaco cũng đã đầu tư hệ thống cửa phai thu nước ngọt trên bề mặt sông Cẩm Lệ để bảo đảm cấp nước sinh hoạt.

“Do mực nước sông Quảng Huế còn cao nên Dawaco đang chờ mực nước hạ thấp để đắp đập tạm. Vào giữa tháng 3-2022, Dawaco triển khai thi công dự án nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày lên 420.000m3/ngày và tuyến ống nước thô từ đập An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ. Trước mắt, trong thời gian chờ sản xuất, vận chuyển các đường ống về công trình, Dawaco triển khai thi công trạm bơm và các hạng mục, công trình phụ trợ trước, để khi có đường ống về thì thi công luôn nhằm tiết kiệm thời gian và sớm hoàn thành, đưa dự án vào vận hành, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố”, ông Hồ Minh Nam cho biết.

Đối với dự án Nhà máy nước Hòa Liên, hiện các công trình trạm bơm, hệ thống xử lý nước đã hoàn thành. Công trình đập dâng Nam Mỹ tuy chưa hoàn thành nhưng với các khoang tràn hiện tại, các đơn vị đã tích nước đến cao trình 5m phục vụ vận hành trạm bơm đưa nước sông Cu Đê về cung cấp cho Nhà máy nước Hòa Liên vận hành thử và hiệu chỉnh thiết bị, thông số kỹ thuật.

Để sớm đưa dự án Nhà máy nước Hòa Liên vào vận hành chính thức và cấp nước sinh hoạt cho thành phố, thời gian qua, thành phố đã có báo cáo, xin ý kiến của Chính phủ về phương án quản lý, khai thác Nhà máy nước Hòa Liên.

Theo Sở Xây dựng, vào ngày 24-2-2022, Văn phòng Chính phủ đã có Phiếu chuyển số 314/PC-VPCP chuyển báo cáo và đề xuất của UBND thành phố Đà Nẵng về phương án quản lý, khai thác Nhà máy nước Hòa Liên đến Bộ Tài chính để xem xét và hướng dẫn UBND thành phố thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hiện Sở Xây dựng đang tích cực liên hệ, làm việc với các bộ, ngành để sớm có hướng dẫn thực hiện.

HOÀNG HIỆP

.