Kinh tế

Đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics

07:31, 03/03/2022 (GMT+7)

Nằm ở trung điểm của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, Đà Nẵng hội tụ gần như đầy đủ những yếu tố quan trọng về hạ tầng cơ sở để đầu tư phát triển ngành logistics.

Phát huy tiềm năng và nguồn lực từ cơ chế chính sách

Theo Sở Giao thông vận tải, thời gian qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện, ngành giao thông vận tải của thành phố đã có nhiều chiến lược đầu tư và phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông về quy mô, đem lại những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đáp ứng nhu cầu giao thương. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung cho biết, ngành giao thông vận tải thành phố tuy đạt được những thành tựu đáng kể nhưng hoạt động logistics tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế cần cải thiện so với nhu cầu thực tiễn phát triển. Năng lực cung ứng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và năng lực kết nối logistics giữa Đà Nẵng với các quốc gia trong khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế…

Chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, phần lớn hệ thống kho bãi của doanh nghiệp cổ phần, tư nhân và liên doanh dành cho cung cấp dịch vụ logistics có quy mô nhỏ. Điều này có nghĩa rằng hệ thống kho bãi và dịch vụ logistics của Đà Nẵng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sản xuất, dự trữ của địa phương và vùng lân cận mà chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa quốc tế ngày càng gia tăng qua khu vực Đà Nẵng.

Ngoài ra, để phát triển thành trung tâm logistics thì liên kết vùng phải chặt chẽ, song kết cấu hạ tầng giao thông vùng còn hạn chế, dễ chia cắt khi gặp bão lũ. Chưa kể, nguồn nhân lực phục vụ logistics ở Đà Nẵng vẫn thiếu, phần lớn do doanh nghiệp tự đào tạo mà chưa có trường đào tạo chuyên ngành logistics.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng là “trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng”.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW và khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 2581/KH-UBND ngày 20-4-2020 về việc thực hiện Chương trình số 41-CTr/TU ngày 5-2-2020 của Thành ủy về triển khai thực hiện chuyên đề “Tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước”.

Quy hoạch, đầu tư 5 trung tâm logistics

Theo nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cụ thể, Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu có vai trò là trung tâm logistics cảng biển, quy mô đến năm 2030 là 35ha, đến năm 2045 đạt 69ha, đặt tại khu vực hậu cần cảng Liên Chiểu.

Trung tâm logistics này đang được Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố lập quy hoạch chi tiết mặt bằng thuộc dự án khu bến cảng Liên Chiểu. Tiếp theo là Trung tâm logistics Hòa Nhơn - đây là trung tâm logistics đường bộ, quy mô đến năm 2030 là 27ha, đến năm 2045 đạt 54ha, đặt gần nút giao giữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và phía nam tuyến đường Hoàng Văn Thái. Trung tâm logistics này có chức năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật phương tiện vận tải đường bộ, dịch vụ logistics cho luồng hàng hóa Bắc - Nam và các tỉnh lân cận trung chuyển qua thành phố.

Về đường sắt có Trung tâm logistics tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Đây là trung tâm logistics phục vụ đường sắt, quy mô đến năm 2030 là 5ha, đến năm 2045 đạt 10ha. Về hàng không có Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đây là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không, quy mô đến năm 2030 là 4ha, đến năm 2045 đạt 8ha.

Trung tâm logistics chuyên ngành có Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng có quy mô đến năm 2030 là 3ha, đến năm 2045 dự kiến đạt 20ha. Trung tâm logistics này có vai trò là trung tâm logistics phụ trợ trung tâm logistics hàng không và đường bộ.

Tiếp đó là lập quy hoạch và đầu tư các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác có vai trò hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung nói trên đồng thời thu gom phân phối hàng hóa phục vụ thành phố và các tỉnh lân cận, quy mô đến năm 2030 đạt 26ha, đến năm 2045 đạt 68ha. Các trung tâm logistics được bố trí theo thực tế nhu cầu và điều kiện quỹ đất của thành phố tại các địa điểm thuận tiện giao thông và gần các đầu mối sản xuất tiêu thụ hàng hóa…

Để hỗ trợ ngành dịch vụ vận tải logistics phát triển, thành phố sẽ đầu tư nhiều dự án, hạng mục công trình được đầu tư mới về hạ tầng đường bộ, đường sắt… bảo đảm kết nối giữa cảng biển với các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển trong hệ thống vận tải địa phương và quốc gia.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung nhấn mạnh, quy hoạch các trung tâm logistics cùng với việc cải thiện hệ thống giao thông thành phố, trong tương lai, Đà Nẵng đáp ứng được điều kiện cần và đủ thúc đẩy dịch vụ kho bãi container hỗ trợ vận tải biển và vận tải đường bộ, vận tải đường thủy…

Từ đây góp phần phát triển ngành dịch vụ logistics Đà Nẵng, tạo sức lan tỏa cho toàn khu vực, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực logistics của thành phố trong thời gian đến.

TRIỆU TÙNG

.