Kinh tế
Kỳ vọng những dự án động lực trọng điểm
Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 11-3 đã thông qua chủ trương đầu tư một số dự án. Đây là những dự án được đánh giá có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố trong thời gian tới.
Việc triển khai các dự án trọng điểm sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội thành phố. TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng phát triển, trong đó có nhiều dự án hạ tầng đô thị trọng điểm. Ảnh: NGUYỄN SANH QUỐC HUY |
Hơn 2.000 tỷ đồng triển khai 5 dự án
Dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách thành phố. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp 1, diện tích sử dụng đất 23,5ha, dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2021-2025. Trong đó, giai đoạn 2021-2022 chuẩn bị đầu tư, giai đoạn 2022-2025 triển khai thực hiện.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ đường nội bộ của cảng Liên Chiểu đến đường tránh nam Hải Vân với chiều dài khoảng 2,95km, bao gồm: nhánh ra nút giao cuối tuyến dài khoảng 700m, mặt cắt ngang 30m, quy mô 6 làn xe. Dự án cũng có hai nút giao khác mức bằng cầu vượt, gồm một nút giao đầu tuyến với quốc lộ 1 cũ và đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, một nút giao cuối tuyến với đường tránh nam Hải Vân, cầu qua kênh theo quy hoạch, mở rộng cầu Liên Chiểu cũ và đường dẫn hai đầu cầu.
Bên cạnh đó, đường vào Suối Lương được xây dựng hầm chui. Dự án cũng có hợp phần mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ vị trí cách đầu cầu Liên Chiểu khoảng 200m về phía trung tâm thành phố) và đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước có khẩu độ cống phù hợp với tính toán thủy văn, thủy lực… Dự án tạo tuyến đường vận tải độc lập, kết nối đường nội bộ cảng Liên Chiểu đi đường tránh nam Hải Vân.
Dự án thứ hai là cầu Quảng Đà và đường dẫn với tổng mức đầu tư 274 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, trong đó dự kiến chi phí đầu tư của thành phố khoảng 169 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp 2, triển khai thực hiện ở hai địa phương là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang và xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Trong đó, Đà Nẵng xây cầu và đường dẫn lên cầu thuộc địa phận thành phố, tỉnh Quảng Nam xây dựng đường dẫn thuộc địa phận Quảng Nam; thời gian thực hiện 2022-2026, dự án có điểm đầu giao với tuyến đường quốc lộ 14B, thuộc địa bàn huyện Hòa Vang, quy mô cầu dài 203m và đường dẫn hai đầu cầu (phần địa phận thành phố Đà Nẵng dài 1,15km; phần địa phận Quảng Nam dài 0,05km; bề rộng cắt ngang mặt đường 34m, bao gồm 4 làn xe). Kết cấu mặt đường bằng bê-tông nhựa, nền cấp phối đá dăm...
Dự án thứ ba là Hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư công trình chợ đầu mối Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Dự án có tổng vốn đầu tư 214 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố; trong đó phần chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng 172 tỷ đồng, chi phí đầu tư hạ tầng gần 33 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí quản lý và dự phòng.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư kiêm quản lý, thời gian thực hiện năm 2022-2023. Dự án có diện tích sử dụng đất 30,9ha; hạ tầng có bãi đỗ xe container, xe tải, diện tích 18.760m2 với quy mô bảo đảm chỗ đậu, đỗ cho khoảng 30 container và 50 xe tải lớn...
Dự án thứ tư là kè chống sạt lở khẩn cấp tại vị trí xung yếu các tuyến sông trên địa bàn thành phố, với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Dự án thứ năm là Trung tâm Hành chính xã Hòa Phong (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 124 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương.
Việc triển khai các dự án trọng điểm sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội thành phố. TRONG ẢNH: Một góc đô thị ven biển tại quận Liên Chiểu. Ảnh: PV |
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy cho biết, dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, việc nghiên cứu và đầu tư tuyến đường kết nối cảng Liên Chiểu đến các tuyến giao thông chính của đô thị, của khu vực và của quốc gia như tuyến đường quốc lộ, đường tránh là thật sự cần thiết nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa và giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông khi sử dụng chung với các tuyến đường nội thị.
Đây là tuyến đường rất quan trọng tạo ra động lực cũng như thu hút và thúc đẩy việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu nói riêng và cả khu vực đô thị nói chung, trong đó có quận Liên Chiểu. Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, việc đầu tư tuyến đường tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia các lĩnh vực: khai thác cảng, khu công nghiệp và logistics sau cảng. Như vậy, để bảo đảm hoạt động khai thác cảng, tránh xung đột giữa giao thông đô thị, công nghiệp, dịch vụ cảng biển... việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối ngay từ đầu là hết sức cần thiết. Dự án nhằm tạo tuyến đường vận tải độc lập kết nối đường nội bộ cảng Liên Chiểu đi quốc lộ 1A (đường tránh nam hầm Hải Vân).
Trong khi đó, đối với dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu, khi hoàn thiện sẽ kết nối tuyến đường vành đai phía bắc tỉnh Quảng Nam, kết nối giao thông giữa huyện Hòa Vang và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) thông qua quốc lộ 14B, đường vành đai phía nam Đà Nẵng, đường ĐT 609 Quảng Nam và quốc lộ 1A. Dự án được kỳ vọng hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực, tăng cường sự hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.
Bí thư huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn cho biết, việc đầu tư cầu Quảng Đà và tuyến đường giao thông kết nối từ xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang với xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn là cần thiết, nhằm góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên khu vực, bảo đảm giao thông kết nối, nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa được thuận lợi. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Thị Thanh Tâm, việc đầu tư xây dựng dự án này còn nhằm tăng cường sự hợp tác, phát triển giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, các dự án quan trọng khác như: Kè chống sạt lở khẩn cấp tại vị trí xung yếu các tuyến sông trên địa bàn thành phố; Trung tâm Hành chính xã Hòa Phong (giai đoạn 1); “Hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư công trình chợ đầu mối Hòa Phước” (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang)... được đánh giá sau khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
THÀNH LÂN