Kinh tế

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất nông nghiệp

08:15, 06/04/2022 (GMT+7)

Đợt mưa lũ trái mùa vừa qua khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng. Đến nay, công tác khắc phục thiệt hại đang được người dân và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai để ổn định sản xuất.

Nông dân ở thôn Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang đang bó lại những gốc lúa ngã đổ trên cánh đồng để chờ ngày thu hoạch (ảnh chụp ngày 5-4).  Ảnh: VĂN HOÀNG
Nông dân ở thôn Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang đang bó lại những gốc lúa ngã đổ trên cánh đồng để chờ ngày thu hoạch (ảnh chụp ngày 5-4). Ảnh: VĂN HOÀNG

Chủ động khôi phục sản xuất

Những ngày này, trên các cánh đồng lúa tại một số xã của huyện Hòa Vang…, nhiều nông dân tích cực làm việc. Có mặt tại cánh đồng sản xuất lúa thôn Tây An, xã Hòa Châu trong sáng 5-4, chúng tôi ghi nhận nhiều diện tích lúa mới trổ và đang chín của nông dân bị ngã rạp. Lão nông Ông Văn Nhàn (trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cho biết, vụ lúa đông xuân này, ông sản xuất được 8 sào (4.000m2) lúa nhưng trận mưa lũ từ ngày 30-3 đến ngày 2-4 đã khiến 3 sào lúa của gia đình ông bị ngã đổ, có khả năng phải bỏ hoàn toàn. Để vớt vát, ông Nhàn đã cùng một số nông dân dùng dây bó từng bó lúa đối với một số diện tích vừa trổ. Được biết, cứ 1,5 sào lúa, chi phí thuê nhân công bó lúa lên đến 2,5 triệu đồng. “Mọi năm, 1 sào lúa của tôi sẽ thu hoạch được 4 tạ lúa tươi. Tưởng vụ này sẽ thắng lợi nhưng đợt mưa vừa rồi khiến nhiều diện tích lúa bị ngã đổ, ngâm trong nước nên kém phát triển, lép hạt, thậm chí phải bỏ hoàn toàn. Giờ xuống đồng bó lúa lại vớt vát được bao nhiêu hay bấy nhiêu”, ông Nhàn nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tùng, nông dân trú thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong cho hay, vụ đông xuân năm nay khiến nông dân thiệt hại nặng. Ngay từ đầu mùa, nông dân phải gieo sạ lại 2,3 lần do mưa lũ, đến nay thì gặp mưa trái mùa. Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến giai đoạn thu hoạch lúa nhưng mưa lớn đã khiến 2 sào lúa của gia đình bà bị ngã đổ, nằm la liệt trên đồng. Do lúa còn xanh và lại bị ngâm trong nước, không có khả năng phục hồi nên bà phải bỏ hoàn toàn. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất ban đầu cùng với mùa vụ thất thu khiến vụ đông xuân của nông dân càng thêm khó khăn.

Ngoài diện tích lúa bị ảnh hưởng, đợt mưa lớn vừa qua còn khiến hơn 45ha diện tích rau, hoa trên địa bàn xã Hòa Phong bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng. Có mặt tại vùng sản xuất rau an toàn Túy Loan trong ngày 5-4, sau khi nước rút tại đây, nhiều nông dân đã chủ động ra đồng cày xới, vệ sinh đồng ruộng. Quan sát thực tế, các giống rau màu đang sinh trưởng như: bí đao, khổ qua, rau cải các loại, đậu phộng… có khả năng bị héo rũ, thối rễ, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và chất lượng do bị ngâm lâu trong nước.

Đang phá bỏ luống rau dền đỏ, bà Lê Thị Loan, nông dân trong vùng rau Túy Loan cho hay, đối với những luống rau ngắn ngày, không có khả năng phục hồi, nông dân trong vùng sẽ tập trung cày xới, phá bỏ để tập trung trồng giống mới, kịp thời cung ứng ra thị trường. “Vừa rồi, nhờ hệ thống kênh mương nên nước rút nhanh. Bây giờ chúng tôi chỉ biết tranh thủ sản xuất, trồng trọt trở lại để giảm thiểu thiệt hại”, bà Loan nói.

Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Ca (trú thôn Túy Loan Tây, xã Hòa phong) bày tỏ, 10 sào đậu phộng (5.000m2) của bà trồng hơn 2 tháng, chỉ còn 1 tháng nữa thu hoạch nhưng qua đợt mưa này phải bỏ hoàn toàn do bị ngâm nước lâu, cây đậu phộng không thể phát triển. Theo bà Ca, hiện nhiều sào đậu phộng đã có hiện tượng thối rễ, không thể phục hồi. Đây là mùa vụ chính trồng đậu nhưng bà cùng nhiều nông dân trong vùng phải mất trắng. Được biết, hiện đã qua mùa vụ trồng đậu nên không thể tiếp tục trồng buộc bà phải trồng các loại rau khác để sản xuất.

Ông Đặng Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, hiện nước tại các ruộng lúa cơ bản đã rút, nông dân cũng ra đồng tháo nước, phục hồi những diện tích lúa có khả năng thu hoạch. Địa phương đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng nhanh chóng triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ; hỗ trợ nông dân theo dõi, thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chăm sóc cây trồng để giảm thiểu thiệt hại. Thời gian đến, nếu lúa trên địa bàn chín khoảng 80-90% trở lên thì sẽ vận động nông dân thu hoạch sớm, đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm thời vụ lúa vụ hè thu. UBND xã cũng chỉ đạo các hợp tác xã, đơn vị rà soát, chuẩn bị máy gặt, máy cày, sẵn sàng thu hoạch lúa.

Nông dân tại vùng sản xuất rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đang cào xới những diện tích rau bị hư hại sau đợt mưa lũ trái mùa. Ảnh: V.HOÀNG
Nông dân tại vùng sản xuất rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đang cào xới những diện tích rau bị hư hại sau đợt mưa lũ trái mùa. Ảnh: V.HOÀNG

Cần hỗ trợ để kịp thời sản xuất vụ hè thu

Được biết, tính đến chiều tối 4-4, mưa lớn bất thường và lũ đã làm 991,4ha lúa đang trổ, chín bị ngập, ngã đổ và có khả năng hư hỏng (chiếm 39,22% tổng diện tích lúa vụ đông xuân); 286,4ha rau, hoa… bị ngập, dập (chiếm 45,03% tổng diện tích rau màu); 19,8ha nuôi trồng thủy sản bị trôi... Cụ thể, huyện Hòa Vang là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 944,1ha/2.371ha diện tích lúa bị ngập, ngã đổ; diện tích hoa, màu bị ngập là 187,4ha; diện tích hoa cúc dập nát: 0,5ha; diện tích nuôi trồng thủy sản bị trôi: 19,8ha…

Theo ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), thời gian gieo sạ vụ đông xuân bị kéo dài do ngập lụt vào đầu và cuối vụ nên có thể sẽ ảnh hưởng đến vụ hè thu sắp đến. Hiện tại, lúa xanh vẫn còn nhiều, dự kiến thời gian thu hoạch phải kéo dài đến cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Hợp tác xã đã có hướng dẫn nông dân xử lý những diện tích lúa có khả năng phục hồi. Trong ngày 11-4, đơn vị sẽ bắt đầu tiến hành thu hoạch những diện tích lúa đã chín, ưu tiên các diện tích bị ngã để lúa không lên mầm; đồng thời làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ để có hỗ trợ giảm chi phí thu hoạch cho người dân. Hợp tác xã phấn đấu đến ngày 15-5 sẽ tiến hành gieo sạ, bảo đảm thời vụ sản xuất lúa hè thu.

Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, để khắc phục khẩn cấp thiệt hại do mưa lũ và hỗ trợ nông dân trên địa bàn tái sản xuất vụ hè thu sắp đến, UBND huyện Hòa Vang đã có tờ trình gửi UBND thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiến nghị UBND thành phố quan tâm, hỗ trợ kinh phí để nông dân khắc phục hậu quả thiên tai và tái sản xuất. Trong đó, hỗ trợ 94,41 tấn giống lúa để tái sản xuất (100kg/ha) và hỗ trợ chi phí phải thu dọn, vệ sinh đồng ruộng do lúa bị mất trắng không thu hoạch với mức 170.000 đồng/sào. Bên cạnh đó, kiến nghị UBND thành phố xem xét hỗ trợ gạo giáp hạt cho các hộ nông dân khó khăn bị thiệt hại. “Hiện các địa phương trên địa bàn huyện đang thực hiện thống kê thiệt hại, phối hợp Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các đơn vị khai thông cống rãnh, kênh mương để nước trong ruộng được rút nhanh. Do còn 1 tháng nữa là đến vụ sản xuất lúa hè thu nên các địa phương, HTX nông nghiệp và nông dân trên địa bàn cần khẩn trương tổ chức khắc phục thiệt hại, chuẩn bị thu hoạch cuối vụ để kịp thời vụ”, ông Lê Đình Ca thông tin.

VĂN HOÀNG

.