Kinh tế
Kinh tế quý 1 phục hồi tích cực
Báo cáo từ Cục Thống kê thành phố cho biết, trong quý 1-2022, kinh tế thành phố có chuyển biến tích cực với giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau 2 năm gặp khó khăn do dịch bệnh.
Kinh tế quý 1-2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc mang lại kết quả tích cực trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội thành phố. TRONG ẢNH: Sản xuất máy tính bảng tại Công ty CP Trung Nam EMS, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Tăng trưởng kinh tế trong quý 1-2022 của thành phố ước tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 1,96%; thương mại - dịch vụ tăng 0,18%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,6% và thuế sản phẩm giảm 0,71%.
Quy mô nền kinh tế thành phố quý 1 ước đạt 26.769 tỷ đồng, mở rộng hơn 830 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ hơn 481 tỷ đồng; công nghiệp xây dựng tăng 303 tỷ đồng. Khu vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 67,13% trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp xây dựng chiếm 20,12%, nông lâm thủy sản chiếm 1,75% và thuế sản phẩm chiếm 11%.
Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị tăng thêm quý 1-2022 ước tăng 1,18%, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 1,98% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang có xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 0,3%; chỉ số tồn kho giảm 3,9%; chỉ số sử dụng lao động tăng 0,7%. Tổng mức luân chuyển hàng hóa trong quý 1-2022 ước đạt 15.767 tỷ đồng, tăng 3,63% so với cùng kỳ 2021. Giá trị tăng thêm lĩnh vực thương mại hàng hóa tăng 3,26%, đóng góp tới 0,39 điểm phần trăm trong tăng trưởng GRDP.
Dịch vụ du lịch đã dần khởi sắc dù tổng lượng khách đến du lịch và lưu trú còn thấp. Tuy nhiên, việc mở lại hàng loạt hoạt động, đặc biệt là khôi phục các đường bay nội địa cũng như quốc tế là điều kiện thuận lợi để lĩnh vực này bứt phá tăng tốc trong quý 2-2022.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố trong quý 1-2022 ước đạt 823,4 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 495,8 triệu USD, tăng 29,8%; nhập khẩu: 327,6 triệu USD, tăng 4,3%. Cán cân thương mại dự kiến sẽ đạt thặng dư 168,2 triệu USD.
Trong 3 tháng đầu năm, thành phố thu hút 6 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 2.644 tỷ đồng; 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 5,5 triệu USD. Nhiều công trình trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, một số công trình đã được khánh thành và đưa vào hoạt động như: Công viên vườn tượng APEC mở rộng, nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi kinh tế.
Kinh tế quý 1-2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc mang lại kết quả tích cực trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội thành phố. TRONG ẢNH: Phát triển hạ tầng dự án Khu đô thị FPT tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh
Cục Thống kê thành phố cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của một số doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo quý 1-2022 cho thấy, có 49,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 1-2022 ổn định hơn so với quý 4-2021.
Dù trải qua quý 1-2022 với nhiều khó khăn do Covid-19 còn diễn biến phức tạp khiến các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị thiếu hụt, chưa phục hồi hoàn toàn; chi phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh, vận chuyển nội địa cũng khó khăn do giá xăng dầu thế giới tăng cao gây sức ép cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp sản xuất (88,4%) cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý 2 sẽ tốt và ổn định hơn quý 1-2022.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc thiết bị để nâng công suất sản xuất, đón đầu thị trường; đồng thời góp phần giảm áp lực tăng giá đầu ra sản phẩm khi giá nguyên liệu đầu vào đang cao. Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam Nguyễn Văn Phu chia sẻ, việc mở lại các đường bay quốc tế tạo điều kiện lớn cho doanh nghiệp khi đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia nước ngoài quay trở lại làm việc; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ hội đạt các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh tăng lên.
Ngày 23-3-2022, Công ty TNHH MTV ITL Logistics Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm tiếp vận ITL Logistics Đà Nẵng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng. Trung tâm tiếp vận ITL Logistics Đà Nẵng góp phần vào hình thành và phát triển mạng lưới logistics thông minh của cả nước nhằm phục vụ hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của nhà đầu tư.
Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Phạm Trường Sơn khẳng định, việc thực hiện và phát triển dự án Trung tâm tiếp vận ITL Logistics Đà Nẵng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, dự án không chỉ là điều kiện cần thiết cho sản xuất công nghiệp mà còn là “mắt xích” thiết yếu giúp giảm chi phí thương mại, tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại tầm quốc gia và khu vực.
Sức sản xuất đã được phục hồi nên hoạt động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cũng trở lại. Ông Lê Văn Bích, Giám đốc Công ty CP Dầu khí Đông Á (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cho biết, đứng trước cơ hội gia tăng sản xuất kinh doanh nên công ty đã khẩn trương hoàn thành dự án nhà máy sản xuất sơn.
Theo đó, ngày 9-3-2022, tại Đà Nẵng, Công ty CP Dầu khí Đông Á đã khánh thành nhà máy sản xuất sơn thứ 3 và đưa vào vận hành sản xuất. Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị thương mại - dịch vụ cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, du lịch để tạo đà tích cực phục hồi kinh tế. “Chúng tôi đang khôi phục nhiều tour, tuyến du lịch và hiện đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Công ty cũng đang tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị cho việc phục hồi du lịch từ quý 2-2022”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại du lịch Trường Sa Lê Thái Bảo Long nói.
TRIỆU TÙNG
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tích cực Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội thành phố tháng 3 và quý 1-2022 vừa được Cục Thống kê Đà Nẵng công bố, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tháng 3 ước tăng 23,7% so với tháng trước và tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân quý 1-2022, IIP toàn ngành tăng 1,98% so với bình quân cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực. Một số ngành ghi nhận mức tăng khá cao, góp phần khôi phục phát triển của toàn ngành công nghiệp như: sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc và thiết bị (tăng 28,2%); sản xuất phụ tùng xe có động cơ (tăng 12,4%); sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 28%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 13,4%); sản xuất sản phẩm điện tử và máy vi tính (tăng 12,9%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 7,9%)... KHÁNH HÒA |