Kinh tế

Quý 1, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ

07:58, 20/04/2022 (GMT+7)

Theo báo cáo tình hình thị trường trên địa bàn trong quý 1-2022 từ Sở Công Thương, trước việc giá xăng dầu tăng thời gian gần đây khiến giá một số mặt hàng thiết yếu có chiều hướng tăng nhẹ nhưng chưa biến động nhiều. Cụ thể: giá thịt heo tăng 7%; thịt bò tăng 4%, rau, củ, quả tăng 5-7%...; lương thực, thực phẩm (gạo thường: 14.000 đồng/kg, nếp loại 1: 25.000 đồng/kg).

Giá bán nông sản giảm, nhưng giá phân bón, thuốc trừ sâu lại có xu hướng tăng, đặc biệt giá nhập khẩu các sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tăng rất cao so với cùng kỳ (ước tính quý 1 năm 2022, giá nhập khẩu phân bón các loại tăng gần 42,7%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2021). Đối với giá cước vận tải, trong năm 2021, các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn không điều chỉnh tăng giá.

Tuy nhiên, từ tháng 1-2022 đến nay, do tác động của việc điều chỉnh giá xăng, dầu tăng liên tục (bình quân 3 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng 53,7% so với cùng kỳ năm trước) nên một số đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải để bù đắp chi phí nhiên liệu tăng cao, tăng 9,1 -15% so với lần kê khai gần nhất (tùy vào cự ly tuyến cố định).

Trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Thị trường xăng dầu trong nước cũng có những biến động về nguồn cung và giá cả mặt hàng xăng dầu liên tục tăng cao gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến giá dịch vụ giao thông vận tải và một số mặt hàng thiết yếu.

QUỲNH TRANG

.