Kinh tế

Quy hoạch điện VIII: Tăng cơ cấu năng lượng tái tạo

08:03, 27/04/2022 (GMT+7)

Ngày 26-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII).

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: An Đăng-TTXVN

Gần đây nhất, tại Hội nghị với các địa phương ngày 15-4-2022, cơ bản các ý kiến đều thống nhất cao với quan điểm, định hướng, chỉ đạo và cách làm thận trọng trong xây dựng Quy hoạch điện VIII trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, tối ưu hiệu quả tổng thể của nền kinh tế, đảm bảo giá điện ở mức thấp nhất, phù hợp với khả năng của người dân trong khi đó vẫn đảm bảo thực hiện một cách hết sức trách nhiệm những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Mở cơ hội cho điện gió

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong dự thảo Quy hoạch lần này đã tính toán phương án thay thế đối với các dự án điện than, các dự án điện khó triển khai thực hiện... Quy hoạch lần này cũng cơ bản đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền; cân đối giữa các nguồn điện để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, trên cơ sở phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời duy trì các nguồn điện khác. Quy hoạch cơ bản không phát triển hệ thống truyền tải liên miên đến năm 2030; đồng thời "mở" cho các nguồn nguyên liệu mới như hydro, amoniac...

Dự án điện gió tại huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử/TTXVN
Dự án điện gió tại huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử/TTXVN

Cho ý kiến phản biện, Tiến sỹ Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cho biết, Quy hoạch Điện VIII được xây dựng rất kỹ, hết sức cẩn thận, đến giờ đã là phương án thứ 6. Phiên bản tháng 4-2022 có thêm 2 kịch bản mới, trong đó có kịch bản chuyển đổi năng lượng để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải. Đây là kịch bản mang tính đột phá, đã tính toán kỹ khả năng các nguồn năng lượng sơ cấp mà Việt Nam có thể tận dụng được. Thêm kịch bản nữa là tính toán khả năng, phương án điều hành nếu nguồn điện thiếu, chậm. Đây là điều chỉnh mới và tốt, phù hợp với quan điểm Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch mở, trong quá trình thực hiện Quy hoạch sẽ cập nhật, tính toán, điều chỉnh dựa trên cơ sở phát triển kinh tế-xã hội thực tế ở mỗi giai đoạn. Quy hoạch đã cập nhật dữ liệu về điện gió gần bờ, xa bờ,... nhưng cần có khảo sát, đánh giá riêng, chứ không chỉ cập nhật con số của các tổ chức quốc tế.

Ủy viên phản biện, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hoàng Lương đánh giá, việc cập nhật cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (Hội nghị COP26) trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã mở cơ hội cho điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cần sớm quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2045 về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho các hoạt động phát triển kinh tế biển và năng lượng đại dương một cách bền vững.

Tăng năng lượng tái tạo

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhất trí với đánh giá của Hội đồng thẩm định, theo đó Quy hoạch Điện VIII được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, với tinh thần trách nhiệm cao, cầu thị, trên cơ sở tham khảo, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Quy hoạch Điện VIII cũng bám sát Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; gắn liền với các cam kết liên quan đến chuyển dịch năng lượng theo tinh thần cam kết tại Hội nghị COP 26.

Tới thời điểm hiện nay, Quy hoạch Điện VIII đạt được các mục tiêu, khắc phục được một số tồn tại trước đây: Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án trước. Bên cạnh đó cũng thống nhất cao về cơ cấu phân bổ vùng miền, hạn chế truyền tải đi xa. Điểm tồn tại nữa mà Quy hoạch lần này đã khắc phục là cơ cấu nguồn điện, giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo.

Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch có sự đổi mới tư duy, cách làm khi Quy hoạch này liên quan đến lợi ích của các địa phương, doanh nghiệp, với mong muốn giữ lại nhiều dự án trong Quy hoạch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xây dựng Quy hoạch là đặt lợi ích chung lên trên hết, giảm đầu tư đường dây, giảm chi phí vận chuyển sẽ giúp giảm giá thành điện.

Sau khi Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Quy hoạch với số phiếu cao, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương và các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 5-2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không lồng ghép cơ chế, chính sách trong dự thảo quy hoạch; việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.

"Tuyệt đối không được biến Quy hoạch thành một nhóm cơ chế, chính sách. Các Bộ: Công thương, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát thật kỹ dự thảo Quy hoạch, dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch của Thủ tướng, đảm bảo không lồng ghép bất kỳ cơ chế, chính sách nào ngoài các quy định hiện hành của pháp luật", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Công thương phải xây dựng một kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch theo lộ trình.

Theo TTXVN

.