Kinh tế

Nâng cao giá trị thương phẩm cá thát lát

14:16, 04/05/2022 (GMT+7)

Để nâng cao hiệu quả của mô hình nuôi cá thát lát, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hòa Vang đã tìm hướng đi mới bằng việc chế biến cá thát lát thương phẩm, chủ động liên kết, hình thành vùng chăn nuôi tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả cao về kinh tế.

Việc chế biến cá thát lát thương phẩm không chỉ giải quyết bài toán “được mùa, mất giá” mà còn góp phần nâng cao giá trị loại cá này. Trong ảnh: Anh Cao Văn Tới, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang đang hút chân không để đóng gói cho sản phẩm chả cá thát lát. Ảnh: VĂN HOÀNG
Việc chế biến cá thát lát thương phẩm không chỉ giải quyết bài toán “được mùa, mất giá” mà còn góp phần nâng cao giá trị loại cá này. TRONG ẢNH: Anh Cao Văn Tới, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang đang hút chân không để đóng gói cho sản phẩm chả cá thát lát. Ảnh: VĂN HOÀNG

Đầu tư chế biến sản phẩm

Cuối năm 2019, lứa cá thát lát nuôi thí điểm đầu tiên của anh Cao Văn Tới (trú xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) gặp khó khăn đầu ra do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều thương lái không đến thu mua, giá thấp, cá đến giai đoạn thu hoạch nhưng không thể xuất bán khiến anh chịu thêm khoản chi phí thức ăn và công chăm sóc. Sau khi nghiên cứu, anh quyết định “trình làng” sản phẩm chả cá thát lát. Ban đầu, sản phẩm làm thủ công và bán cho những người quen ở địa phương.

Nhận thấy nhu cầu thị trường và tiềm năng của sản phẩm, cùng sự hỗ trợ từ huyện Hòa Vang và Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố, tháng 7-2020, anh Tới mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng với hệ thống máy móc hiện đại. Từ đó, sản phẩm cá thát lát đa dạng hơn như: chả cá tươi, chả cá chiên, chả hấp… và được tiêu thụ tại các siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, quán ăn, các kênh trực tuyến...

Theo anh Tới, mô hình nuôi cá thát lát có hiệu quả kinh tế cao, khi không chế biến thành phẩm, giá cá tươi 65.000-70.000 đồng/kg. Nông dân vừa nuôi cá thát lát trong lưới kết hợp nuôi các loại cá khác bên ngoài như:mè, trám, diêu hồng… để tăng thu nhập, tiết kiệm thức ăn. “Mỗi tháng, cơ sở của tôi cung cấp 1-1,5 tấn chả cá thát lát các loại cho thị trường thành phố. Có lúc, nguồn nguyên liệu tại địa phương không đủ, tôi phải lấy hàng ở các tỉnh khác”, anh Tới cho hay.

Tương tự, bà Trần Thị Xuân (trú thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) là 1 trong 4 hộ tiên phong đăng ký nuôi thí điểm cá thát lát khi Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố triển khai. Sau hai đợt nuôi cá thành công, bà tiếp tục triển khai mô hình và nuôi dài hạn.

Trong dịp Tết vừa qua, bà Xuân bán gần 4 tạ chả cá thát lát tươi với mức giá 200.000 đồng/kg, trừ các chi phí, bà lãi gần 30 triệu đồng, tăng gần 10 triệu đồng so với bán cá tươi sống. Theo bà Xuân, việc bán cá tươi sống phụ thuộc thương lái và giá cả thị trường. Trong khi đó, nếu chế biến thành phẩm, giá cá thát lát tăng cao, người nuôi cũng không còn lo lắng về điệp khúc “được mùa, mất giá” như mọi năm. Tuy nhiên, việc chế biến sản phẩm cá thát lát hiện nay đang bị động do nguồn nguyên liệu tại chỗ hạn chế. Mặc dù mô hình hiệu quả, có giá trị kinh tế nhưng do nguồn vốn ban đầu cao nên nhiều hộ dân chưa đủ khả năng nuôi.

Hướng đến nguồn giống, nguyên liệu tại chỗ

Cũng theo anh Cao Văn Tới, “bài toán” nguyên liệu là vấn đề quan trọng trong việc nâng cao giá trị của sản phẩm cá thát lát. Việc hình thành vùng nuôi chuyên canh không chỉ tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ, bảo đảm cho sản xuất mà còn giải quyết nhiều vấn đề về chi phí vận chuyển, nhân công, việc làm, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…

Đầu tháng 4 vừa qua, anh Tới đã thành lập tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt cùng các hộ nuôi cá tại thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2, xã Hòa Khương. Được biết, tổ hợp tác đang hoàn thiện hồ sơ chứng nhận VietGAP cho sản phẩm cá nước ngọt Hòa Khương, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Đặng Xuân Thành cho hay, toàn xã có 22ha ao nuôi cá nước ngọt, trong đó, thôn Khương Mỹ đang có 6ha ao nuôi được Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Khương Mỹ duy trì nuôi cá thường xuyên theo hướng an toàn sinh học với các loại cá có giá trị cao như: thát lát, diêu hồng, trám, leo…

Đối với mô hình nuôi cá thát lát, nguồn vốn đầu tư ban đầu vẫn còn cao, vì vậy cần có cơ chế, chính sách thông thoáng để hỗ trợ người dân tiếp tục thực hiện mô hình và xây dựng được chuỗi giá trị như: đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc để làm chả cá; xây dựng nhãn hiệu, bao bì; đẩy mạnh giá trị thương mại của cá thát lát…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca cho biết, trong năm 2022, địa phương sẽ hỗ trợ cho các hộ hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình OCOP và định hướng xây dựng vùng nguyên liệu, xen canh nuôi cá thát lát với các loại cá khác, phù hợp quy mô sản xuất của các hộ dân. “Nếu hình thành được vùng nuôi cá chuyên canh kết hợp chế biến và đẩy mạnh quảng bá, các sản phẩm từ cá thát lát sẽ là đặc sản mới của Hòa Vang nói riêng. Việc xây dựng chuỗi giá trị sẽ giúp sản phẩm có “sức bền” khi cạnh tranh với nhiều loại chả cá nổi tiếng ở các địa phương khác”, ông Lê Đình Ca nói.

Bà Ngô Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm cho biết, mỗi năm, trung tâm chọn 6 hộ dân trên địa bàn huyện Hòa Vang hỗ trợ giống, thức ăn để triển khai mô hình nuôi cá thát lát. Theo quy định khuyến nông, mỗi hộ dân chỉ được hỗ trợ một đợt và phải thay đổi để tất cả hộ chăn nuôi đều được thụ hưởng chính sách. Trong khi đó, để thực hiện mô hình này, nguồn vốn ban đầu của người dân phải bỏ ra lớn.

Vì vậy, cần có chính sách với thời gian hỗ trợ cho mỗi hộ khi thực hiện mô hình ít nhất từ 2 năm để mô hình đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, nguồn giống cá thát lát hiện nay chưa được sản xuất tại chỗ, trung tâm phải mua cá bột từ các địa phương khác để thực hiện ương nuôi. Trong thời gian đến, trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo của cá thát lát, đáp ứng nhu cầu về nguồn giống tại chỗ; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật canh tác để người dân có kỹ thuật nuôi hiệu quả, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần đẩy mạnh chuỗi giá trị của cá thát lát.

VĂN HOÀNG

.