Kinh tế
Thiếu vật liệu san lấp mặt bằng
Nhiều công trình, dự án đang bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành nhưng nguồn cung vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn hiện đang khan hiếm khiến nhiều nhà thầu, đơn vị thi công lo lắng.
Mỏ đá Trường Bản của Công ty TNHH Xây dựng Trường Bản (huyện Hòa Vang), một trong những mỏ được phép khai thác đất tầng phủ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án. Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện thành phố chỉ còn 2 mỏ đất san lấp còn giấy phép hoạt động gồm: mỏ của Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng - Miền Trung, tại thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), trữ lượng hơn 336.239m3; thời hạn khai thác đến tháng 9-2022 và mỏ của Công ty TNHH Biên Giới, thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh và thôn Tùng Sơn, xã Hòa Sơn với trữ lượng hơn 61.423m3, thời hạn khai thác đến tháng 8-2022.
Cùng với đó, còn 3 mỏ đá được phép khai thác đất tầng phủ phục vụ san lấp. Đó là mỏ Trường Bản, xã Hòa Sơn của Công ty TNHH Xây dựng Trường Bản, trữ lượng 136.000m3, thời hạn khai thác đến tháng 12-2023; mỏ Sơn Phước, xã Hòa Ninh của Công ty TNHH Trung Thành Đà Nẵng với trữ lượng 296.000m3, thời hạn khai thác đến tháng 12-2023 và mỏ Hố Lưỡi Mèo 1, xã Hòa Ninh của Công ty TNHH MTV Đông Sơn Hòa Ninh, với trữ lượng 61.050m3, thời hạn khai thác đến tháng 3-2023.
Trong khi đó, hiện các dự án cần khối lượng đất rất lớn để san lấp mặt bằng như: tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh, tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, tuyến đường vành đai phía tây 2, tuyến đường ĐH2; tuyến đường ĐT601, dự án Khu tái định cư (phía nam Khu tái định cư số 2 - Vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến đường ĐT602) tại xã Hòa Khương, khu tái định cư phục vụ người dân di dời do ảnh hưởng tuyến vành đai phía tây...
Ông Nguyễn Hải Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Trường Bản (đơn vị chủ mỏ đá được phép khai thác đất tầng phủ phục vụ san lấp) cho biết, nhiều công trình, dự án đang cần đất, đá để san lấp mặt bằng nhưng tình trạng khan hiếm vật liệu ngày một gia tăng. Không chỉ số lượng các mỏ còn được phép khai thác ít mà các mỏ này lại nằm xa các công trình, dự án khiến chi phí tăng cao.
Theo ông Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 545 (đơn vị thi công dự án tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan): “Dự án này hiện cần hơn 200.000m3 đất để đắp mặt đường nhưng nguồn cung vật liệu không có. Vì vậy, chúng tôi rất cần thành phố cho phép mở thêm nhiều mỏ đất để cung cấp vật liệu san lấp, góp phần đưa các công trình, dự án về đích đúng hẹn”.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay chi phí nhiên liệu tăng cao kéo theo cước vận chuyển tăng, dẫn tới giá vật liệu san lấp tới chân công trình vượt xa so với giá đấu thầu. Nếu như trước đây, mức giá trúng thầu dự án mỗi m3 đất san lấp chỉ từ 35.000 - 41.000 đồng, trong thực tế hiện mức giá này đã tăng lên đến 75.000 - 125.000 đồng/m3.
Đại diện nhà thầu Tổng Công ty 319 (đơn vị thi công dự án khu tái định cư phục vụ di dời giải tỏa xây dựng tuyến đường vành đai phía tây đang được triển khai xây dựng tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) cho biết, dự án cần khoảng 125.000m3 đất san nền. Để có nguồn vật liệu san lấp dự án rộng gần 10ha, bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2022, nhà thầu thi công phải vận chuyển đất san lấp từ Quảng Nam ra, chi phí đội lên đáng kể.
Theo tính toán của các ban quản lý dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn thành phố, tổng khối lượng đất san lấp cho các công trình trong năm 2022-2023 là gần 1,64 triệu m3. Tuy nhiên, hiện tại, các đơn vị được UBND thành phố cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất đồi làm vật liệu san lấp còn lại tính đến cuối 2023 với tổng khối lượng chưa đầy 900.000m3.
Được biết, trước những khó khăn này, thành phố đã cho phép khai thác khoáng sản ở các công trình để điều phối lượng đất thừa về phục vụ dự án khác có nhu cầu. Chẳng hạn vận chuyển đất đồi dư thừa tại công trình tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) làm vật liệu san nền công trình tuyến đường vành đai phía tây 2; vận chuyển đất thừa trong quá trình san nền giai đoạn 1, 2 và tuyến đường số 16, 18 Khu Công nghệ cao Đà Nẵng về Khu tái định cư Tân Ninh mở rộng (huyện Hòa Vang)…
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quang Vinh cho hay, bên cạnh các mỏ đang khai thác, thành phố có 5 dự án được cấp giấy phép khai thác đất, cát san lấp trong đất dự án công trình phục vụ công trình khác với tổng khối lượng gần 1,67 triệu m3.
Hiện thành phố cho phép một số mỏ đá có tầng phủ dày được bóc, vận chuyển một phần đất tầng phủ phục vụ các công trình của thành phố. Sở đã kiểm tra, thẩm định, trình UBND thành phố cấp phép thăm dò cho 2 mỏ khai thác đất san lấp với khối lượng dự kiến khoảng 3 triệu m3 và sẽ hoạt động sau 9-12 tháng.
THÀNH LÂN