Kinh tế
Bứt phá trong thu hút đầu tư, phục hồi nhanh, phát triển bền vững
Ngày 25-6, Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 diễn ra tại khách sạn Sheraton Grand Đà Nẵng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Về phía thành phố có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố và gần 700 khách mời trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022. ẢNH: T.LÂN |
Kêu gọi đầu tư vào 7 dự án trọng điểm
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, thành phố công khai thông tin về kế hoạch, tiến độ hoàn thành việc lập quy hoạch các phân khu chức năng theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song song đó là thông tin quỹ đất kêu gọi đầu tư và các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong thời gian đến.
Hiện nay, thành phố đã kiểm soát tốt Covid-19, đây là thời điểm thích hợp để Đà Nẵng hiện thực hóa, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án và thu hút đầu tư mạnh mẽ. “Chúng tôi ý thức rằng, không thể có được những kết quả mới cao hơn, hiệu quả hơn từ những cách làm cũ, theo tư duy cũ. Điều đó đòi hỏi từ lãnh đạo đến từng công chức của thành phố phải đổi mới tư duy, xác định những cách làm mới một cách cụ thể, phù hợp với quy định pháp lý và thực tiễn đặt ra; cũng như đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của mỗi chính sách”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh thông tin về định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với 3 trung tâm chức năng chính gồm: Trung tâm du lịch dịch vụ chất lượng cao, Trung tâm công nghệ thông tin, công nghệ cao và Trung tâm tài chính quốc tế. Để hiện thực hóa định hướng nêu trên, Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào 7 dự án trọng điểm gồm: cảng Liên Chiểu; Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; Không gian sáng tạo Đà Nẵng; Trung tâm thương mại quốc tế; Bệnh viện quốc tế; Viện dưỡng lão và Trường liên cấp quốc tế.
Hiến kế cải thiện môi trường đầu tư
Tại diễn đàn, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chính khách đã nêu ra những hiến kế để thành phố cải thiện môi trường đầu tư.
Ông Lee Jong Wook, Giám đốc Trung tâm phát triển giải pháp về linh kiện cho xe hơi của Tập đoàn LG tại Đà Nẵng đưa ra 3 đề xuất cho thành phố liên quan đến cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, để phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố với nền tảng công nghệ thông tin cần có sự hợp tác với các công ty toàn cầu và chìa khóa của hợp tác chính là sự giao tiếp. Tiếp theo là kế hoạch bảo đảm nhân lực ngắn hạn. Theo doanh nghiệp, tất cả các công ty công nghệ thông tin cần phải có ngay những kỹ thuật viên tay nghề cao, nhưng nhân lực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng chưa đủ đáp ứng. Vì thế, doanh nghiệp đang đều đặn tuyển dụng để đưa nhân lực từ bên ngoài đến Đà Nẵng. Nếu chính quyền thành phố có thể cung cấp những chính sách hấp dẫn như ưu đãi về thuế… dành cho những nhân lực không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài sẽ giúp ích rất nhiều cho các công ty. Cuối cùng, việc đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao đúng thời hạn công trình Khu Công viên phần mềm số 2 là nguyện vọng cấp thiết của nhiều công ty công nghệ thông tin tại Đà Nẵng.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, đánh giá, vị trí chiến lược của thành phố trên tuyến đường ven biển và hàng không quốc tế trọng yếu, là vốn quý và là cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ của Đà Nẵng trong tương lai. Thành phố đã đặt ra tầm nhìn để tăng cường hơn nữa vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ thúc đẩy sự phát triển của khu vực; đồng thời trở thành một thành phố xanh, có khả năng chống chịu và đáng sống. Để đạt được tầm nhìn này, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng, đây là yếu tố quan trọng để hỗ trợ động lực phát triển, bao gồm động lực mạnh mẽ đến từ các khu vực tư nhân, với trọng tâm là tính bền vững lâu dài. Từ góc độ quy hoạch, khi Đà Nẵng thu hút lượng người nhập cư ngày càng tăng, thì “lõi” đô thị hiện tại đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cung cấp các dịch vụ chất lượng. Để giải quyết tốt áp lực này và bảo đảm cung cấp dịch vụ hiệu quả, điều quan trọng là phải dự đoán và lập kế hoạch cho những thách thức trong tương lai và sớm thực hiện các giải pháp dài hạn.
Từ góc độ tài chính, bà Carolyn Turk cho rằng sẽ cần thêm nguồn tài chính đáng kể để thúc đẩy sự phát triển của Đà Nẵng; đồng thời nhìn nhận tiềm năng để Đà Nẵng có thể là một mô hình xúc tiến đầu tư hiệu quả. Ngoài việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Đà Nẵng có thể đa dạng hóa hơn nữa các nguồn lực tài chính cho phát triển. Đà Nẵng cần thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực của khu vực tư nhân, cả nước ngoài và trong nước, để đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số; dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng cao; sản xuất công nghệ cao; phát triển việc giảm thiểu các-bon và du lịch.
Trong khi đó, ông Yamada Takyo, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết: “Tôi tin rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có thể hợp tác mạnh mẽ hơn nữa vì sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. So với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có lợi thế là giá thuê khu công nghiệp còn rẻ, nguồn nhân lực dồi dào. Tôi đánh giá cao sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Tôi mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của thành phố bằng cách lắng nghe các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng để thành phố ngày càng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa”.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, đánh giá cao những nỗ lực cải cách hành chính và cải thiện dịch vụ công của thành phố, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư một cách nhanh chóng, thuận tiện. Tập đoàn BRG cam kết tập trung những nguồn lực tốt nhất để góp phần vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn những lời nhận xét tốt đẹp của nhà đầu tư quốc tế về Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Đó là cơ sở để Việt Nam tiếp tục cố gắng cải thiện môi trường đầu tư phù hợp. Việt Nam cam kết với các nhà đầu tư về xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, công khai với lợi ích hài hòa giữa các bên.
Cụ thể, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Trong đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để cùng phát triển xuyên suốt. Thủ tướng khẳng định sự phát triển của kinh tế Việt Nam trên cơ sở phát triển bền vững, phát triển vì mục tiêu bảo vệ con người và tối đa quyền con người. Bên cạnh đó, yếu tố con người luôn là trung tâm và mục tiêu của phát triển, là chủ thể và động lực của Việt Nam.
Đối với thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội. Trong những năm qua, cụ thể là từ khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Đà Nẵng đã vươn lên rất mạnh mẽ trên tất cả các mặt; thể hiện tinh thần, kết quả “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Đà Nẵng và các nhà đầu tư tập trung phát triển các lĩnh vực ưu tiên như: công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; phát triển hạ tầng công nghiệp, đô thị; phát triển thị trường vốn; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp dược, thiết bị, vật tư y tế; công nghiệp có tính chất nền tảng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Chính phủ Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi đối với mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh hợp pháp, chính đáng tại Việt Nam. Với những cơ hội thuận lợi và tiềm năng, lợi thế rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng thời gian tới Đà Nẵng sẽ bứt tốc trong công tác thu hút đầu tư, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo thành phố trao thưởng cho các tổ chức, doanh nghiệp đã có dự án đầu tư lớn tại thành phố, triển khai dự án vượt tiến độ cam kết, đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Ảnh: V.H |
Lan tỏa thông điệp Đà Nẵng - Thành phố đáng sống, đáng đầu tư
Phát biểu kết luận Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thành phố cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư tốt nhất. Theo đó, trong phạm vi thẩm quyền của mình, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và kiến nghị với Trung ương bổ sung các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư, nhất là các điều kiện để hình thành Trung tâm tài chính; Khu phi thuế quan; Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghiệp phụ trợ, hình thành các trung tâm thương mại, khu vui chơi đẳng cấp, có các cơ chế xã hội hóa để mời gọi, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án về y tế và văn hóa tại thành phố Đà Nẵng.
Song song đó, thành phố sẽ chuẩn bị đầy đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư; trong đó, sớm phê duyệt các quy hoạch phân khu làm cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, như đường vành đai phía tây, xây dựng Nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, mở thêm các đường bay quốc tế, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu và nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật khác.
Thành phố tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai; thực hiện có hiệu quả quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư trong và ngoài các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao và quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Về cải cách hành chính, thành phố sẽ chấn chỉnh thái độ làm việc, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức gây cản trở, thiếu trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ các dự án đầu tư.
Đồng thời, thành phố tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nâng cao các kết quả đã đạt được trong năm 2021 như: Giải thưởng Thành phố thông minh năm thứ 2 liên tiếp; Giải thưởng Chuyển đổi số xuất sắc; đứng thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính; đứng thứ 4 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đặc biệt, 12 năm liên tiếp thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Những kết quả quan trọng này đã góp phần tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng tại thành phố.
Thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trên lĩnh vực sản xuất. Đây là một trong những nút thắt lớn mà các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố phải đối mặt và đã được chỉ ra tại diễn đàn. Thời gian đến, thành phố sẽ sớm ban hành và triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào thành phố đến năm 2030; tăng cường tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo địa phương, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong việc thu hút lao động lành nghề, đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ năng thực tiễn mà doanh nghiệp cần; chính sách thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật cao, chuyên sâu đến làm việc tại thành phố.
Đà Nẵng đang phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hình thành Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trên cơ sở Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Thành phố quyết tâm báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cho các công trình, dự án gặp khó khăn trong nhiều năm trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để khơi thông các nguồn lực, phục vụ sự phát triển của thành phố và doanh nghiệp. Ngoài những vấn đề nêu trên, thành phố cam kết sẽ giải quyết thấu đáo các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp nêu tại diễn đàn và trong quá trình thực hiện việc đầu tư vào thành phố bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và lợi ích của thành phố.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với doanh nghiệp xây dựng kế hoạch gắn với lộ trình và trách nhiệm cụ thể, tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai và các dự án đã được cấp phép để triển khai đúng tiến độ và chất lượng như đã cam kết. Đặc biệt, thành phố mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương, nhất là đối với các kiến nghị về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, quy hoạch, từng bước giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển thành phố. Sự thành công của các dự án là kênh quảng bá hữu hiệu nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng, góp phần lan tỏa thông điệp Đà Nẵng - Thành phố đáng sống, đáng đầu tư.
Trao chứng nhận, quyết định chấp thuận, nghiên cứu, đầu tư cho 27 dự án Tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, UBND thành phố trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ trương nghiên cứu đầu tư; thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch phân khu; bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đề xuất hơn 5,6 tỷ USD. Theo đó, có 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 8.505 tỷ đồng (tương đương 369,8 triệu USD). |
THÀNH LÂN - MAI QUẾ - VĂN HOÀNG