Đồ second hand: Sức hút của độc, tốt và giá

.

Đồ second hand (đồ si, đồ bành) là một trong những mặt hàng thu hút nhiều đối tượng khách hàng bởi sự phong phú, đa dạng về mẫu mã và đặc biệt là giá khá “mềm”, vừa túi tiền với người lao động, sinh viên, học sinh.

Một bạn trẻ đang mua đồ second hand tại chợ Cồn. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Một bạn trẻ đang mua đồ second hand tại chợ Cồn. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Theo ghi nhận của phóng viên, trên một số tuyến đường như: Hải Phòng, Dũng Sĩ Thanh Khê, Lê Đình Lý, Núi Thành, Đống Đa…, các mặt hàng second hand được bày bán khá nhiều. Nhiều loại trong số đó là hàng ngoại nhập được sản xuất bởi nhiều thương hiệu nổi tiếng, đã qua sử dụng với giá khá rẻ. Tuy được gọi là hàng cũ đã qua sử dụng nhưng có nhiều mặt hàng second hand còn khá mới, thậm chí đến 95%. Nhiều đồ second hand là hàng hiệu, chất lượng cao và khá đẹp. Vì lẽ đó, nhiều người vẫn lựa chọn mua đồ second hand thay vì các sản phẩm mới.

Dạo quanh một số chợ lớn trên địa bàn như: chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, chợ Mới, chợ Bắc Mỹ An… vào các khung giờ cuối chiều, những sạp quần áo đồ second hand luôn tấp nập người mua. Thường xuyên đi “săn” đồ second hand tại chợ Cồn, anh Lê Nguyễn Phúc Khang (sinh viên Trường Đại học Duy Tân) chia sẻ, với mức giá chỉ 20.000-50.000 đồng/sản phẩm, đồ second hand rất phù hợp túi tiền của học sinh, sinh viên.

Là người kinh doanh đồ second hand lâu năm, chị Phan Thị Mỹ Hạnh (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho hay, nhiều người có suy nghĩ đồ second hand là các sản phẩm bình dân, là hàng thời trang xuất với những loại “đồ hiệu cũ” với giá thành rẻ. Ngày nay, việc sử dụng đồ second hand của các thương hiệu thời trang nổi tiếng đang được nhiều người lựa chọn và dần phổ biến. Tuy nhiên, việc tìm mua những món hàng này cũng trở nên khó khăn khi các thương hiệu nổi tiếng sản xuất với số lượng, phiên bản giới hạn và luôn có sự cạnh tranh nhiều nên không phải lúc nào cũng có sẵn hàng để bán. Đối tượng khách hàng mua không dừng lại ở người tiêu dùng có thu nhập thấp mà còn là người tiêu dùng có thu nhập cao, đam mê “săn” đồ hiệu giá rẻ.

Để chủ động tìm nguồn hàng, các cửa hàng đồ second hand còn kinh doanh dưới hình thức nhận bán ký gửi. Theo đó, các mặt hàng ký gửi đều được kiểm tra kỹ trước khi tiếp nhận thanh lý. Chị Lê Thị Mỹ Dung (chủ cửa hàng second hand Coco, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) chia sẻ, nếu muốn bán đồ ký gửi cần tìm hiểu rõ về giá trị sản phẩm cũng như mức giá từng mặt hàng. Các cửa hàng cũng chú trọng kiểm tra từng sản phẩm để tránh hàng lỗi phải đổi trả hay sửa chữa, bảo đảm quyền lợi cho cả người mua lẫn người bán.

“Thay vì chọn những trang phục mới từ các thương hiệu, nhiều bạn trẻ đã mua đồ second hand như giải pháp tiết kiệm. Những mặt hàng này không phải lúc nào cũng có mà phải “săn”. Song, người mua cần chọn những địa chỉ uy tín để bảo đảm những hàng hóa đó đều là hàng thật, được sản xuất từ các thương hiệu nổi tiếng”, chị Dung chia sẻ.

Là khách hàng quen với nhiều cửa hàng đồ second hand, chị Nguyễn Thị Hiền (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) tâm sự, có lần chị nhờ chủ một cửa hàng đồ second hand trên đường Dũng Sĩ Thanh Khê săn dùm một món đồ hiệu, phải mất vài tháng sau mới có hàng. Chi phí cho chiếc túi xách khoảng 3 triệu đồng nhưng sử dụng được thời gian ngắn, dây đai của chiếc túi bị hỏng. Khi đem đi sửa thì mới hay rằng, đây là túi nhái có chất lượng tốt chứ không phải hàng chính hãng. Khi mang chiếc túi đến cửa hàng đã mua, chị Hiền thất vọng khi bị chủ cửa hàng khăng khăng là hàng đã bị tráo đổi vì mục đích riêng của cá nhân.

Chung cảnh ngộ với chị Hiền, nhiều vị khách khi “săn” những món đồ qua sử dụng cũng từng gặp phải tình trạng tương tự bởi việc kiểm tra, đánh giá và xác minh những món đồ cũ cực kỳ khó. Hiện nay, nhiều sản phẩm được làm giả một cách cực kỳ tinh vi, nếu những người chưa có đủ kinh nghiệm cũng như chưa hiểu biết rõ sẽ dễ dàng bị đánh tráo bởi những sản phẩm như vậy. Khách hàng cần tìm hiểu kỹ những món đồ và cách nhận biết những món đồ hiệu; đồng thời nên lựa chọn những cửa hàng uy tín để tránh thiệt hại.

GIAO THỦY - CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.