Kinh tế
Ngành công nghiệp tăng trưởng
6 tháng đầu năm nay, do nhu cầu hàng hóa trên thế giới tăng trở lại nên tình hình xuất khẩu của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đạt kết quả tích cực. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục có những dấu hiệu khả quan nhờ thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang lại hiệu quả; chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dần được khơi thông...
Công nhân đang sản xuất tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC - Hoa Kỳ), Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Những tín hiệu khả quan
Năm 2022 là năm chính quyền thành phố và doanh nghiệp nỗ lực và quyết tâm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu tác động của dịch bệnh. Ghi nhận những tháng đầu năm, hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của thành phố như: châu Âu, Hoa Kỳ, châu Á, Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều giữ ổn định về chuỗi cung ứng, qua đó giúp doanh nghiệp duy trì ổn định đơn hàng cũng như chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022.
Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, mặc dù chưa thống kê kết quả của tháng 6 nhưng lũy kế doanh thu 5 tháng đầu năm 2022 của tổng công ty đạt 2.139 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 51% kế hoạch năm 2022. Trong đó, ngành may xuất khẩu đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 52% kế hoạch năm 2022; thời trang đạt 27 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 45% kế hoạch; ngành sợi đạt 542 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 47% so với kế hoạch... Đặc biệt, lợi nhuận riêng ước thực hiện lũy kế 5 tháng đạt 139 tỷ đồng, tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 70% kế hoạch năm 2022.
Một công ty dệt may có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng qua là Công ty CP Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng. Ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc công ty thông tin, trong 5 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất hàng xuất khẩu tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến trong 6 tháng tiếp theo sẽ tăng 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Cầm) năm 2022 dự kiến sẽ kết thúc mùa hàng với doanh số 4 triệu USD (mùa hàng từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022), tăng mạnh so với năm 2021 (gần 3 triệu USD). “Chúng tôi vừa đầu tư mới hệ thống máy móc phun sơn trị giá hơn 2 tỷ đồng và dự kiến mở rộng nhà xưởng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của đơn hàng”, ông Huỳnh Trinh, Giám đốc công ty này chia sẻ.
Thông tin từ Sở Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố tiếp tục giữ đà tăng trưởng so với thời điểm cuối năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ 2021. Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của thành phố có tình hình kinh doanh thuận lợi, đơn hàng dồi dào (nhất là dệt may, thủy sản). Mặc dù tại thời điểm quý 1-2022, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do biến động lao động gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, tuy nhiên, sang quý 2, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất ổn định trở lại, nhiều doanh nghiệp phải tăng tốc để kịp sản xuất đáp ứng đơn hàng. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là vấn đề chi phí đầu vào. Tác động của Covid-19, xung đột giữa các nước trên thế giới làm tăng các loại chi phí như: xăng dầu, cước vận tải, logistics, giá nguyên phụ liệu... Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn cố gắng khắc phục để bảo đảm đơn hàng của đối tác.
Nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt dộng sản xuất công nghiệp trên địa bàn khởi sắc. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May mặc Ba Sao (Khu công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu). Ảnh: QUỲNH TRANG |
Nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực thi
Theo báo cáo đánh giá của Sở Công Thương, lĩnh vực sản xuất công nghiệp thành phố Đà Nẵng có những dấu hiệu khả quan, việc nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực thi mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp; chuỗi sản xuất và tiêu thụ dần được khơi thông nhờ sự vào cuộc của cả chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở những định hướng của thành phố trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong và ngoài Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp cơ bản ổn định trở lại.
Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,30%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,42%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt khác, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 6-2022 có mức tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2021 phải kể đến như: gạch và gạch khối xây dựng sản lượng cao gấp 5,6 lần cùng kỳ năm 2021; thịt cá đông lạnh cao gấp 2,5 lần; dịch vụ sửa chữa máy bay tăng 91%; đồ chơi hình con vật tăng 79%; bia đóng chai tăng 48,7%... Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng tăng cao như: thịt cá đông lạnh (+84,6%); đồ chơi hình con vật (+67,1%); dịch vụ sửa chữa máy bay (+48,6%); bộ lọc xăng dầu cho xe có động cơ (+34 9%); giày dép thể thao (+26 7%); tôm đông lạnh (+19,9%); bê-tông tươi (17,2%)...
Bên cạnh đó, một chỉ số chứng tỏ ngành công nghiệp thành phố tăng trưởng là chỉ số sử dụng lao động. Chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp tháng 6-2022 ước tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sử dụng lao động tăng 2,3% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 7%...
Theo đánh giá của Cục Thống kê, lĩnh vực công nghiệp đang phục hồi và có nhiều dấu hiệu khả quan, việc thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, mức độ phục hồi còn khá chậm và không đồng đều giữa các ngành do phải chịu nhiều áp lực về lạm phát, chuỗi cung ứng và thị trường đầu ra sản phẩm. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là vấn đề chi phí đầu vào. Trước tác động của Covid-19, xung đột giữa các nước trên thế giới đã làm tăng các loại chi phí như: xăng dầu, cước vận tải, logistics, giá nguyên phụ liệu...
QUỲNH TRANG