Kinh tế

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7: Người lao động phấn khởi, doanh nghiệp sẵn sàng

08:29, 18/06/2022 (GMT+7)

Từ ngày 1-7, mức lương tối thiểu vùng tăng lên 6% theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Người lao động bày tỏ phấn khởi; các doanh nghiệp đã sẵn sàng, cân đối nguồn quỹ lương, bảo đảm quyền lợi cho công nhân.

Việc tăng lương tối thiểu vùng giúp nhiều lao động cải thiện một phần cuộc sống. Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (Khu công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: V.HOÀNG
Việc tăng lương tối thiểu vùng giúp nhiều lao động cải thiện một phần cuộc sống. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (Khu công nghiệp Đà Nẵng, quận Sơn Trà). Ảnh: V.HOÀNG

Doanh nghiệp sẵn sàng

Theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu vùng tác động tới doanh nghiệp chủ yếu là tăng thêm chi phí bảo hiểm xã hội, phí Công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp…, còn đa số doanh nghiệp hiện nay trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh) cho biết, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm 6% dẫn đến tiền lương tháng được tính để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng có sự điều chỉnh không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Nếu doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 1-7, số tiền hằng tháng mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc nói trên sẽ tăng thêm so với trước.

“Hiện quỹ lương của công ty tôi là 3,5 tỷ đồng, dự kiến từ ngày 1-7 sẽ tăng thêm 200 triệu đồng/tháng khi Nghị định số 38/2022/NĐ-CP áp dụng. Trong bối cảnh khó khăn do hồi phục sau Covid-19 kéo dài nhưng công ty cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để tăng lương cho công nhân để chia sẻ khó khăn với người lao động”, ông Thống cho biết.

Theo bà Mai Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (KCN Đà Nẵng), dù doanh nghiệp vừa ổn định sản xuất sau Covid-19 nhưng việc áp dụng tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết, giảm gánh nặng kinh tế cho người lao động. Doanh nghiệp sẵn sàng hưởng ứng, đồng thuận với nghị định này của Chính phủ. Hiện nay, công ty có khoảng 520 lao động, trong đó, mức lương của người lao động đa phần được chi trả cao hơn so với mặt bằng chung; khoảng 80 lao động trong thời gian đào tạo nghề có mức lương bằng mức lương tối thiểu vùng (3,92 triệu đồng/tháng).

Cũng theo bà Hương, từ đầu năm, doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng lương cho toàn thể người lao động. Đối với người lao động sau thời gian đào tạo nghề, doanh nghiệp sẽ bắt đầu tăng 6% so với mức lương hiện hành từ ngày 1-7 theo đúng Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, tức chi trả 4,16 triệu đồng/tháng.

“Nếu tăng lương, các chi phí khác sẽ tăng thêm như bảo hiểm xã hội, thưởng… Để “giữ chân” và bảo đảm quyền lợi cho người lao động, chúng tôi ưu tiên chi trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu và các chế độ khác. Chúng tôi đã làm việc với các đối tác để cân đối các khoản chi phí, bảo đảm sự phát triển của doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động trong công ty”, bà Hương cho hay.

Công nhân sản xuất tại Công ty CP Trung Nam Electronic Manufacturing Services (Trungnam EMS) tại Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang. Ảnh: M.Q
Công nhân sản xuất tại Công ty CP Trung Nam Electronic Manufacturing Services (Trungnam EMS) tại Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang. Ảnh: M.Q

Giảm bớt khó khăn cho người lao động

Sau hơn 3 năm làm công nhân tại một công ty dệt may trên địa bàn thành phố, mức lương cơ bản của chị Phan Nguyễn Uyên Nhi (trú ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) ở mức 4,5 triệu đồng/tháng, cộng với tiền làm thêm thì thu nhập của chị khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Chị Nhi cho biết, chị và chồng đều làm công nhân, đang nuôi 1 con nhỏ nên mức thu nhập này chỉ đủ sống.

“Thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng trong thời điểm vật giá đều tăng khiến chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu tối đa, một số khoản chi như: đi chơi, mua áo quần… đều bị cắt bớt. Vì vậy, việc tăng thêm dù chỉ 100.000 đồng/tháng với người lao động là rất cần thiết”, chị Nhi nói.

Tương tự, chị Đặng Thị Quanh, công nhân tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đang thuê nhà trên địa bàn phường Thọ Quang. Tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7 thì tôi được tăng thêm 240.000 đồng/tháng. Khoản tiền tăng này sẽ giúp tôi chi trả được hóa đơn điện thoại, tiền nước mỗi tháng hay mua được thêm sách, vở cho con học”.

Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, từ thời điểm Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất mức tăng 6% đến nay, giá cả đã nhiều lần “leo thang” và chưa có dấu hiệu dừng lại, nên việc tăng lương khi đã có nghị định thì không nên chậm trễ. Khi Nghị định số 38/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, Công đoàn thành phố sẽ chỉ đạo các Công đoàn cơ sở để tăng cường giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Theo Nghị định số 38/NĐ-CP, thành phố Đà Nẵng là địa bàn thuộc vùng 2, tương ứng mức tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng. Các doanh nghiệp khi trả lương phải bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

MAI QUẾ - VĂN HOÀNG

.