Kinh tế

Khách hàng không còn mặn mà với ứng dụng giao hàng trực tuyến

08:48, 26/07/2022 (GMT+7)

Phí giao hàng cùng các phụ phí tăng, giá sản phẩm chênh lệnh cao so với thực tế, không có nhiều khuyến mãi, số lượng mặt hàng ngày càng ít dần... là những nguyên nhân khiến nhiều khách hàng hiện nay không còn mặn mà sử dụng dịch vụ giao hàng, thức ăn, đồ uống trên những ứng dụng đặt đồ trực tuyến.

Nhiều người dùng cho rằng các ứng dụng giao hàng trực tuyến đang thu nhiều chi phí gây ra tâm lý khó xử cho cả người mua lẫn người bán hàng. TRONG ẢNH: Tài xế công nghệ hãng Grab đang vận chuyển những đơn hàng tới tay người nhận. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Nhiều người dùng cho rằng các ứng dụng giao hàng trực tuyến đang thu nhiều chi phí gây ra tâm lý khó xử cho cả người mua lẫn người bán hàng. TRONG ẢNH: Tài xế công nghệ hãng Grab đang vận chuyển những đơn hàng tới tay người nhận. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Ứng dụng đặt hàng không còn hấp dẫn

Trước đây, các tên tuổi lớn trên ứng dụng trực tuyến như Now, Grabfood, Baemin, Loship... thường triển khai thực hiện những chương trình, hoạt động truyền thông nhằm gia tăng mức độ phủ sóng thương hiệu, gia tăng thị phần. Những ứng dụng này không ngại “bơm” tiền đầu tư, tung ra những mã giảm giá mạnh tới 50% hoặc thậm chí miễn phí toàn bộ đơn hàng để kéo người tiêu dùng. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, khi những thương hiệu giao hàng, giao đồ ăn không còn cạnh tranh mạnh mẽ thì lợi ích của khách hàng cũng bị “bóp” lại.

Những mã giảm giá đang dần ít lại, thì khách hàng cũng không mặn mà sử dụng ứng dụng giao hàng trực tuyến. Chị Nguyễn Thị Thủy (trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Cách đây vài tháng, tôi thường xuyên lựa chọn đặt đồ ăn trên các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến như Grab, Nowfood, Baemin..., mục đích là để tiết kiệm nhiều chi phí cũng như thời gian. Trung bình với  mỗi đơn hàng sau khi áp dụng tất cả mã giảm giá chỉ còn khoảng 10.000 - 20.000 đồng/suất cơm. Nhưng bây giờ, để đặt 1 suất cơm chất lượng, tôi phải mất từ 40.000 - 60.000 đồng, trong khi nếu đi ăn trực tiếp thì tôi chỉ mất khoảng 20.000 đồng/suất cơm”.

Cùng với đó, một số ứng dụng vừa qua đã tăng thêm các loại phụ phí kèm theo áp dụng cho những chuyến vận chuyển khách, hàng hóa. Đơn cử như ứng dụng Grab, từ ngày 6-7 vừa qua đã phụ thu thêm 5.000 đồng/chuyến xe với lý do là phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt”. Khoản phí này nối dài thêm danh sách phụ phí mà ứng dụng này đã từng thu: cuốc xe giờ cao điểm, cuốc xe đêm, tắc đường, ngập lụt, mưa bão, lễ hội...

Điều này đã khiến khách hàng vô cùng bức xúc. Anh Dương Hiển P., một tài xế công nghệ Grab Bike cho rằng: “Thời tiết có lúc mưa, lúc nắng, đây là điều rất bình thường của tự nhiên. Chưa kể tới việc thu thêm này thì người được hưởng lợi nhiều nhất chính là ứng dụng Grab chứ không phải riêng tài xế công nghệ. Nếu lấy đó làm lý do để thu thêm thì chẳng khác gì ứng dụng này đang sử dụng thủ đoạn để móc ví khách hàng”.

Khó cho cả người bán lẫn người mua

Nhiều ý kiến bày tỏ, những chi phí như giao hàng, phụ phí tăng cao khiến cho khách hàng lẫn người mua đều rơi vào tình cảnh khó khăn. Anh Nguyễn Tiến Đạt, chủ một cửa hàng bán đồ ăn vặt trên ứng dụng công nghệ chia sẻ, giá xăng tăng cao kỷ lục kéo theo phí giao hàng, phụ phí khác cũng tăng theo nên so với trước đây, số lượng đơn hàng của tôi bán ra trên các ứng dụng như Grab, Baemin, Now... đã giảm đi một nửa. Một số khách hàng lựa chọn gọi điện trực tiếp tới cửa hàng và đặt số lượng nhiều để được miễn phí ship khu vực nội thành.

Gần đây, thử khảo sát và để ý sẽ thấy việc những cửa hàng, nhà hàng dần ít đi trên những ứng dụng giao hàng, giao đồ ăn trực tuyến, bên cạnh đó, khách hàng cũng không có nhiều lựa chọn về sản phẩm, thực phẩm vì không còn phong phú và đa dạng như trước.

Khi khách hàng đặt hàng qua những ứng dụng cũng phải chịu phí vận chuyển hàng hóa, thực phẩm rất cao, thậm chí có tình trạng phí vận chuyển cao gần bằng hoặc cao hơn giá trị của cả đơn hàng vào một số thời điểm trong ngày, nhất là những khung giờ cao điểm, ban đêm, trời mưa... Anh Tăng Anh Thành (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho biết: “Lúc trước, các ứng dụng giao đồ ăn như: Shopee Food, Baemin, Loship... thường xuyên tặng nhiều mã ưu đãi giảm giá hoặc miễn phí giao hàng nhưng hiện tại rất ít, cho dù có áp mã giảm giá đi nữa thì phí vẫn cao hơn so với bình thường. Do vậy, hiện giờ tôi chọn giải pháp nấu cơm ở nhà, tự đi mua đồ ăn về để tiết kiệm phần nào chi phí”.

Theo lý giải của chị Phạm Thúy Hoa, quản lý chuỗi đồ uống Bông (Bông Food & Drink), trước những tác động của giá cước vận tải tăng, nhiều ứng dụng đặt đồ ăn, thức uống đã tăng tỷ lệ chiết khấu thêm khoảng 5% lên mức từ 20-25%, do đó nguồn thu của quán đối với các đơn hàng online ít nhiều bị ảnh hưởng theo. Phí ship tăng cao thì người chịu bất lợi nhiều nhất vẫn chính là khách hàng, bởi để cân đối chi phí chiết khấu cho bên trung gian, các quán phải tăng giá bán ngay trong ứng dụng để bù đắp các khoản phát sinh hoặc sẽ cắt giảm nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu so với trước đây.

Ngày 11-7-2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) có công văn gửi Công ty TNHH Grab về việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể như: cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị; cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay...; cùng các thông tin, tài liệu liên quan khác. Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin trước ngày 18-7. Trước đó, hãng gọi xe công nghệ Grab thông báo cập nhật chính sách thu phụ phí nắng nóng với thông báo: kể từ ngày 6-7-2022, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác (như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế...), Grab sẽ thu thêm “phụ phí nắng nóng” 5.000 đồng với mỗi chuyến Grab Bike và mỗi đơn hàng Grab Food, Grab Mart; với dịch vụ Grab Express là 3.000 đồng/đơn hàng.

  QUỲNH TRANG

CHIẾN THẮNG

.