Kinh tế
Sản phẩm địa phương vào chuỗi bán lẻ
Ghi nhận tại nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn, đặc sản “made in Đà Nẵng” được người dân, du khách ưa chuộng. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất đang thành công trong việc mở rộng kênh phân phối hiện đại thay vì chỉ tập trung vào thị trường truyền thống như lâu nay.
Hộ kinh doanh, đơn vị sản xuất trên địa bàn mong muốn được tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để giới thiệu sản phẩm đến các nhà phân phối. TRONG ẢNH: Sản phẩm tàu hũ tươi Covang lần đầu được tham gia hội nghị kết nối sản phẩm Đà Nẵng vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố ngày 17-6 vừa qua. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Liên kết cùng có lợi
Mỗi ngày, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cung ứng ra thị trường 4.000-5.000 quả trứng gà, chưa kể gà thịt. Lâu nay, sản phẩm của hợp tác xã (HTX) chủ yếu phân phối cho các chợ truyền thống và một vài cửa hàng bán lẻ. HTX chưa dám mạnh dạn đầu tư nhiều do đầu ra sản phẩm còn bấp bênh.
Ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bắc cho biết, đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối hiện đại như các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị là mục tiêu của không ít HTX vì có thể tiêu thụ được số lượng lớn nông sản với đầu ra ổn định. Nhiều năm nay, đơn vị tích cực đưa sản phẩm trứng gà Hòa Bắc tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại để quảng bá, tiếp cận với các nhà phân phối hiện đại; đồng thời, nỗ lực hoàn thiện các hạng mục để đạt chứng nhận OCOP và coi đây là “giấy thông hành” để sản phẩm dễ dàng hơn khi mở rộng thị trường, tham gia vào hệ thống phân phối siêu thị.
Tiểu thương Lê Thị Tức (đại diện Hội Phụ nữ chợ Cồn - đơn vị phụ trách điểm bán hàng Việt tại chợ Cồn) cho biết, từ năm 2015 đến nay, điểm bán hàng tại chợ Cồn thường xuyên tiêu thụ sản phẩm của Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ với số lượng khá lớn, chủ yếu bán cho khách du lịch. Hiện bà đang tìm hiểu, khảo sát sản phẩm bánh dừa nướng của Công ty TNHH Mỹ Phương Food.
“Chợ Cồn là chợ du lịch nên những sản phẩm thực phẩm đặc trưng của Đà Nẵng rất được khách hàng ưa chuộng. Nếu sản phẩm bánh dừa nướng đáp ứng được các yêu cầu của chúng tôi về giá, nguồn cung, cách thức giao hàng… thì chúng tôi có thể tiêu thụ vài thùng bánh/ngày (1 thùng đóng 100 gói bánh)”, bà Tức nói.
Là đơn vị thường xuyên tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để tìm kiếm những sản phẩm mới chất lượng, bà Phan Như Yến, Giám đốc hệ thống siêu thị Danavi mart cho rằng, mặc dù hiện tại, số lượng sản phẩm đặc sản của Đà Nẵng có mặt ở hệ thống siêu thị chưa nhiều nhưng các mặt hàng đã vào được siêu thị thì tiêu thụ rất tốt. Đơn vị luôn dành sự ưu tiên cho sản phẩm đến từ các hộ kinh doanh, HTX trên địa bàn. Những sản phẩm phù hợp tiêu chí của siêu thị sẽ được xem xét hỗ trợ giảm những chi phí ban đầu. Việc đồng hành doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, hộ gia đình địa phương nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm chất lượng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm
Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị GO! Đà Nẵng bày tỏ, việc triển khai phân phối các sản phẩm OCOP tại siêu thị giúp doanh nghiệp sản xuất, HTX địa phương đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng là chủ trương của GO! trong thời điểm hiện nay song vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động liên kết tiêu thụ vì sản lượng và chất lượng không ổn định, thường xuyên bị “đứt” nguồn cung. Nhiều sản phẩm OCOP thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm... Trong khi đó, các kênh bán lẻ hiện đại rất chặt chẽ khâu nhập, xuất, duy trì sự ổn định của hàng hóa. Vì vậy, để sản phẩm địa phương tạo được chỗ đứng tại các siêu thị, các đơn vị phải khắc phục tình trạng này. Ngoài ra, thêm một vướng mắc khác đó là nhiều sản phẩm địa phương chưa có mã vạch, chưa công bố đủ thông tin trên bao bì. Các cơ sở, doanh nghiệp cần chủ động, tìm hiểu, cải tiến bao bì, mẫu mã, xây dựng chính sách bán hàng để sớm đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị trên toàn quốc.
Thông tin từ Sở Công Thương, để hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng của thành phố phát triển, tìm chỗ đứng trên thị trường, thời gian qua, ngành công thương phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông qua các chương trình như: hỗ trợ chi phí gian hàng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng nông sản tham gia các hội chợ trong và ngoài nước; tổ chức và hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia hội nghị kết nối cung cầu đến các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, chợ đầu mối, đơn vị phân phối khác trên địa bàn và các tỉnh, thành phố khác; hỗ trợ thiết kế bao bì, tư vấn các giải pháp quảng bá thương hiệu, đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu các sản phẩm nông nghiệp…
Các hoạt động thúc đẩy giao thương bước đầu đạt kết quả khả quan. Đơn cử như tại hội nghị kết nối sản phẩm Đà Nẵng vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022, có 15 cặp được kết nối, gồm: giữa siêu thị với đơn vị sản xuất, giữa chuỗi cửa hàng tiện lợi với đơn vị sản xuất, kết nối đưa hàng vào chợ và đưa vào bán tại các điểm bán sản phẩm OCOP.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, sau Covid-19, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp vẫn khó khăn trong giải quyết đầu ra; chưa đưa được hàng vào siêu thị do chưa đáp ứng được các yêu cầu; việc sản xuất chủ yếu dựa vào đơn đặt hàng, không thường xuyên liên tục… Thời gian tới, ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến cũng như công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nắm rõ hơn các quy định, chính sách có liên quan của Nhà nước; các điều kiện, quy trình để đưa một sản phẩm vào tiêu thụ tại siêu thị; tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp đi trước và được gặp gỡ, kết nối giao thương với nhau, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp từng bước hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu và giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm.
QUỲNH TRANG