Kinh tế

Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng vật liệu xây dựng

13:53, 14/07/2022 (GMT+7)

Trước nhu cầu cao về đất san lấp, cát xây dựng phục vụ thi công các công trình và giá tăng cao do tính thêm chi phí, cự ly vận chuyển khi giá xăng dầu tăng cao, các đơn vị, địa phương đang kiến nghị thiết lập các bãi tập kết cát, điều phối đất dư thừa và bổ sung khai thác tầng phủ mỏ.

Bãi tập kết cát bên sông Quá Giáng đi vào hoạt động 2 năm qua đã góp phần bình ổn giá cát, giúp người dân xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) không còn mua cát với giá cao như trước đây.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bãi tập kết cát bên sông Quá Giáng đi vào hoạt động 2 năm qua đã góp phần bình ổn giá cát, giúp người dân xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) không còn mua cát với giá cao như trước đây. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đề nghị quy hoạch các bãi tập kết cát tại huyện Hòa Vang

Đầu năm 2021, từ kiến nghị của cử tri, UBND xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) đã rà soát và xét thấy tại thửa đất số 244 thuộc thôn Quá Giáng 2 (đất địa phương quản lý) ở bên sông, dưới chân cầu Quá Giáng đã bỏ hoang không sử dụng nên có tờ trình và phương án sử dụng tạm thửa đất để đề nghị UBND huyện Hòa Vang cho phép xã cho doanh nghiệp thuê sử dụng tạm để làm bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng để kinh doanh.

Sau khi được UBND huyện Hòa Vang đồng ý, UBND xã Hòa Phước đã kêu gọi và đồng ý cho một cá  nhân thuê đất để kinh doanh tập kết mua bán cát vật liệu xây dựng (cát, đá, gạch…). Qua kiểm tra theo dõi, cá nhân trên đã chấp hành đầy đủ cam kết về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông và có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh phù hợp. Cát xây dựng cá nhân này mua sỉ từ các bãi cát ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) chở ra để bán cho người dân.

Theo UBND xã Hòa Phước, từ khi bãi cát, vật liệu xây dựng nói trên đi vào hoạt động đã góp phần bình ổn giá cát, người dân trên địa bàn xã không còn mua cát với giá cao do vận chuyển xa như trước đây. “Xã cũng mong muốn được huyện và thành phố cho phép lập thêm một bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng tương tự để đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình và người dân có thêm sự lựa chọn, mua với giá thấp và cạnh tranh”, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Trần Bùi Quốc Bình nói.

Trước nhu cầu cao về cát xây dựng, tại Báo cáo số 329-BC/HU ngày 29-4-2022, Huyện ủy Hòa Vang đề nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố giao các sở, ngành liên quan sớm chọn địa điểm quy hoạch để làm các bãi tập kết cát xây dựng trên địa bàn huyện phục vụ nhu cầu xây dựng cơ bản, xây dựng nhà ở... và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý.

Được biết, trên địa bàn 11 xã của huyện Hòa Vang, có 29 bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng để kinh doanh, trong đó có 18 bãi tập kết trên đất ở và 11 bãi tập kết trên đất do UBND xã quản lý. Huyện Hòa Vang đang có tốc độ đô thị hóa nhanh và nhiều dự án động lực, trọng điểm đang triển khai thi công. Do đó, việc dự trữ vật liệu xây dựng để cung cấp cho các dự án, công trình là nhu cầu cấp thiết. Mặt khác, người dân có nhu cầu sửa chữa, xây dựng nhà ở, công trình phụ, nhỏ lẻ không thể vào tận Quảng Nam để mua cát. Tuy nhiên, huyện vẫn thiếu quy hoạch các bãi tập kết cát, vật liệu xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Tấn Khoa thông tin, thời gian qua, huyện kiến nghị thành phố quy hoạch các bãi tập kết cát. Hiện huyện đang xử lý các bãi tập kết cát trái phép, riêng 18 trường hợp tập kết cát trên đất ở thì các đơn vị, địa phương đang hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện các thủ tục để cho tồn tại, nhất là bổ sung hồ sơ về bảo vệ môi trường, để cát và vật liệu xây dựng không đứt gãy, tránh để giá tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng.

Điều phối đất thừa, khai thác đất tầng phủ mỏ

Theo thống kê của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, tổng trữ lượng đất cần san lấp các công trình, công trình trọng điểm, động lực trong năm 2022 và 2023 mà 3 đơn vị này điều hành lên đến 1,71 triệu m3 (chưa kể nhiều công trình, dự án khác). Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, các mỏ đất đồi trên địa bàn thành phố đã được UBND thành phố cấp phép khai thác làm vật liệu san lấp chỉ có trữ lượng còn lại 975.712m3.

Trước tình hình đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND thành phố cấp phép khai thác khoáng sản ở các công trình khác để điều phối hơn 1,18 triệu m3 đất thừa, chở đi phục vụ san lấp, thi công các dự án như: khu tái định cư phục vụ giải tỏa tuyến đường vành đai phía tây, tuyến đường vành đai phía tây 2, công trình doanh trại hải đội dân quân thường trực, khu tái định cư Tân Ninh mở rộng giai đoạn 1, khu tái định cư phía tây nam khu đô thị Dragon City Park, trạm xử lý nước thải Hòa Xuân giai đoạn 3. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã cho phép 2 mỏ đá: Trường Bản (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) và Sơn Phước (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) được khai thác đất tầng phủ làm vật liệu san lấp cùng với đá xây dựng.

Tuy nhiên, để nhanh chóng có nguồn vật liệu san lấp cho các công trình đầu tư công trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND thành phố cho phép 2 chủ mỏ đá Trường Bản và Sơn Phước được bổ sung thêm khối lượng khoáng sản phụ (đất phủ và bán phong hóa) vào giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.

Sở cũng đề nghị UBND thành phố cho phép một số chủ mỏ đá có tầng phủ dày trên mỏ được bóc, vận chuyển một phần đất tầng phủ phục vụ san lấp, thi công các công trình của thành phố. Sở cũng đã kiểm tra thực địa, thẩm định, trình UBND thành phố hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản đất đồi của 2 đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; lấy ý kiến các đơn vị liên quan về 3 khu vực đất đồi dự kiến đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác trong năm 2022...

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quang Vinh thông tin, vào ngày 5-7, tại cuộc họp nghe báo cáo việc điều phối đất đắp nền đường công trình tuyến đường vành đai phía tây 2, lãnh đạo UBND thành phố đã thống nhất điều phối đất thừa trong nội bộ dự án. Trữ lượng đất điều phối được Sở Giao thông vận tải tính toán là đủ để đắp nền đường của công trình.

HOÀNG HIỆP

.