Kinh tế

Cơ cấu lại kinh tế thành phố giai đoạn 2021-2025

13:59, 26/08/2022 (GMT+7)

UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó cơ cấu lại các ngành hướng đến mục tiêu tạo sự thay đổi rõ nét cho mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.

Nhiều lĩnh vực công nghiệp như điện tử, hàng không, chế tạo được cơ cấu phát triển theo hướng ưu tiên nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Trong ảnh: Các kỹ sư đang làm việc tại nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn UAC (Mỹ) đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Nhiều lĩnh vực công nghiệp như điện tử, hàng không, chế tạo được cơ cấu phát triển theo hướng ưu tiên nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. TRONG ẢNH: Các kỹ sư đang làm việc tại nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn UAC (Mỹ) đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Phát huy hiệu quả vốn đầu tư công

Trong bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt Covid-19 còn diễn biến phức tạp tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thành phố Đà Nẵng đã lập kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế để tổ chức thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Cụ thể, Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 10-8-2022 của UBND thành phố về cơ cấu lại nền kinh tế thành phố giai đoạn 2021-2025 đã đề ra 5 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách Nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng, các đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai là phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, phát triển doanh nghiệp. Thứ ba là thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thứ tư là phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn. Thứ năm là cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.

Việc cơ cấu lại nền kinh tế được thành phố xác định đầu tiên là từ việc cơ cấu lại nguồn lực đầu tư công. Cụ thể, thành phố ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối với các dự án thanh quyết toán, chuyển tiếp; các công trình, dự án động lực, trọng điểm, an sinh xã hội, môi trường. Đồng thời bố trí vốn cho các dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng xem xét, chọn dự án có tính cấp thiết, tác động trực tiếp đến mục tiêu phục hồi, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm, hằng năm, thành phố chú trọng về chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; chủ động tháo gỡ kịp thời vướng mắc khi giao dự toán vốn và giải ngân vốn đầu tư. Với giải pháp này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn 2021-2025 thành phố bảo đảm được tiến độ triển khai lẫn hoàn thành nhiều công trình, dự án động lực, trọng điểm.

Cụ thể như dự án hạ tầng Khu Công nghệ cao, Khu công viên phần mềm số 2, tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đường ĐT 601, đường vành đai phía tây cùng một số khu, cụm công nghiệp mới. Vốn đầu tư công tại thành phố được ví là “vốn mồi” để huy động nguồn lực đầu tư xã hội, phát huy mạnh mẽ về kinh tế đô thị.

Tác động từ cơ cấu kinh tế ngành

Việc tái cơ cấu kinh tế ngành giai đoạn 2021-2025 được thành phố thực hiện đối với ngành nông nghiệp, công nghiệp, các ngành dịch vụ (trong đó du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và các lĩnh vực khác như công nghệ số, logistics, dịch vụ y tế - giáo dục…).

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Thúy Mai, công nghiệp hỗ trợ được xác định là một trong 3 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển của Đà Nẵng nhằm góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố. Ngày 20-7 vừa qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1927/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.

Cùng với lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, 2 lĩnh vực công nghiệp cũng được thành phố ưu tiên là phát triển công nghiệp công nghệ cao trở thành công nghiệp mũi nhọn gồm: công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử... và công nghệ nano. Đồng thời thành phố tập trung hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghiệp ưu tiên đối với công nghiệp điện tử, công nghiệp ô-tô, công nghiệp hàng không, công nghiệp du thuyền, công nghiệp chế biến - chế tạo... Ngành công thương cũng cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại kinh tế như: phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử...

Đối với ngành du lịch, thành phố cơ cấu lại nhằm phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch, xử lý các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng du lịch, cơ cấu lại không gian phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa thị trường.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên ngành xác định không gian phát triển du lịch là yếu tố quan trọng để phát triển sản phẩm, khai thác hiệu quả hạ tầng, nguồn lực. Cụ thể, ngành du lịch Đà Nẵng tập trung kết nối xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, kết nối kêu gọi dự án đầu tư nhưng không hòa lẫn, định vị được sản phẩm đặc sắc để tạo nên chuỗi giá trị, hệ sinh thái du lịch riêng...

Đối với ngành dịch vụ logistics, thành phố chủ động xây dựng đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời đầu tư phát triển hạ tầng thông qua các dự án trọng điểm như dự án Bến cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và trung tâm logistics, cảng cạn trên địa bàn thành phố.

TRIỆU TÙNG

.