Kinh tế
Giá hàng hóa cần giảm theo giá xăng, dầu
Sau 4 phiên giảm giá liên tiếp, từ mức tăng kỷ lục gần 33.000 đồng/lít đối với xăng và hơn 30.000 đồng/lít đối với dầu, giá các mặt hàng này đã xuống còn khoảng 26.000 đồng/lít với xăng và 25.000 đồng/lít với dầu. Tuy nhiên, thực tế giá các loại hàng hóa, cước vận tải hiện nay vẫn chưa giảm theo giá xăng, dầu. Trước tình hình này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.
Người dân mua hàng tại chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: QUỲNH TRANG |
“Giá xăng dầu giảm, cước vận tải nên giảm theo”
Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Tô Văn Hiệp cho biết, giá xăng dầu giảm giúp người dân giảm bớt chi phí. Vận tải là ngành chịu tác động trực tiếp của giá xăng, dầu nên việc giảm lần này kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm. Cũng theo ông Hiệp, giá xăng dầu giảm sâu đang tạo ra tín hiệu tích cực đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần giảm sâu hơn nữa giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đã giảm kịch khung từ 3.000 đồng/lít, xuống còn 1.000 đồng/lít.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Kim Hoàng Ngân bày tỏ, giá xăng dầu giảm giúp cho chỉ số giá giảm theo và có tác động lan tỏa lớn tới các lĩnh vực như vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, đánh bắt hải sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Hiệp, đại diện đơn vị đang thi công dự án Tuyến đường vành đai phía tây, với mức giảm như trên, thì giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao. Giá xăng dầu nên ở mức khoảng 22.000-23.000 đồng/lít là tốt nhất. Nếu về mức này, chi phí thi công, nguyên vật liệu cũng sẽ giảm theo và nhà thầu có thêm nhiều lựa chọn để đẩy nhanh tiến độ công trình...
Trong khi đó, theo ông Phạm Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh nhiều lần, chủ yếu là tăng. Tuy nhiên, sau 4 lần giảm liên tiếp, giá xăng dầu đã góp phần hạn chế các tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải giảm. Song, hiện các đơn vị vận tải trực thuộc vẫn chưa thấy thông báo giảm cước theo giá xăng dầu... Qua tìm hiểu thực tế tại Bến xe Trung tâm thành phố, lượng khách đi lại vẫn bình thường, không có sự biến động tăng.
Bà Hoàng Thị Hữu, một hành khách đi tuyến Huế - Đà Nẵng bày tỏ: “Giá xăng dầu giảm, nhưng giá vé tuyến này lại vừa được thông báo tăng lên thêm từ 12-20% so với mức cũ từ ngày 24-7. Chúng tôi mong muốn khi giá xăng dầu giảm thì giá cước vận tải hành khách cũng giảm theo để kích cầu đi lại”.
Trong khi đó, ông Trần Thạo, chủ xe tuyến Đà Nẵng - Gia Lai cho rằng, một khi giá xăng dầu giảm thì cước vận tải sẽ giảm theo nhưng cần một độ trễ nhất định, chứ không phải giảm theo ngay. Hiện nhiều nhà xe đang chuẩn bị kê khai lại giá đối với lĩnh vực cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ để gửi cơ quan chức năng. Thật sự lâu nay khi giá xăng dầu tăng thì cước vận tải các tuyến cố định từ Đà Nẵng đi các tỉnh và ngược lại không tăng bao nhiêu, nên việc giảm chậm là điều dễ hiểu, vì có tăng mới có giảm...
Còn ông Phạm Thế Vỹ, Giám đốc hãng Taxi Đà Nẵng cho hay, trước đây giá xăng dầu tăng nhưng đơn vị cũng không thể tăng giá cước vì để giữ khách nên giờ xăng dầu giảm thì giá cũng vẫn vậy.
Người dân đổ xăng trên tuyến quốc lộ 14B. Ảnh: THÀNH LÂN |
Thị trường hàng hóa tăng, giảm chưa phụ thuộc vào giá xăng dầu
Khảo sát giá hàng hóa ngày 5-8 tại một số chợ truyền thống trên địa bàn cho thấy, một số mặt hàng thiết yếu vẫn giữ giá cao, tuy nhiên, một vài mặt hàng đã hạ nhiệt. Cụ thể, các mặt hàng neo giá cao có thịt heo (vẫn giữ giá tăng 10.000-20.000 đồng/kg), thịt gà công nghiệp có giá 80.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng), thịt bò có giá 270.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng), trứng gà công nghiệp 52.000-55.000 đồng/kg (tăng 5.000-10.000 đồng/kg). Một số mặt hàng hạ nhiệt có dầu ăn (giảm 10.000-20.000 đồng/canh 5 lít), rau củ quả các loại.
Lý giải nguyên nhân khiến giá hàng hóa ở chợ chưa giảm mạnh theo giá xăng dầu, bà Vân (tạp hóa Cô Vân, chợ Bắc Mỹ An) cho biết: “Có một số nhóm hàng không thể giảm liền theo giá xăng dầu được. Ví dụ từ hồi ra Tết đến nay, dầu ăn liên tục tăng giá, người bán như chúng tôi thường nhập sỉ số lượng dầu với giá cao. Tôi phải bán cho hết hàng tồn thì mới nhập hàng mới, lúc đó nếu xăng dầu vẫn giữ hạ thì nhà cung cấp hạ giá, chúng tôi sẽ bán giảm giá theo thôi”.
Một vài tiểu thương tại các quầy hàng lân cận thông tin thêm: “Một số nhà cung cấp “lợi dụng” sự tăng giá xăng dầu và khan hiếm nguồn nguyên liệu nên trữ hàng, khi giá cao thì họ tung ra bán, khi giá hạ thì họ nói không có hàng, cung cấp cho chúng tôi số lượng rất nhỏ giọt. Cả mấy quầy tạp hóa lớn mà chia ra mỗi quầy 5,6 thùng dầu ăn, 50-100kg đường… Chưa kể, một số tiểu thương vì sợ sự tăng giá liên tục của xăng dầu nên đã nhập dầu ăn, hạt nêm số lượng lớn. Bây giờ, với sự hạ nhiệt của xăng dầu thì hiện, giá dầu ăn đã giảm và sẽ giảm thêm. Cuối cùng, tiểu thương chịu lỗ, người tiêu dùng chịu thiệt”.
Trong khi đó, theo đại diện chi nhánh Công ty CP Acecook Việt Nam tại Đà Nẵng, mặt bằng giá các sản phẩm của công ty được thiết lập tăng 6-7% từ đầu tháng 3 năm nay. Giá xăng dầu mới đây giảm nhưng chưa đủ mạnh để kéo giá thành sản phẩm giảm trở lại, vì trước đây doanh nghiệp dù có điều chỉnh tăng vẫn chưa tính hết vào giá thành. Mặt khác, gần đây, mới chỉ có mỗi giá xăng dầu giảm, trong khi mặt bằng giá của các nguyên liệu, chi phí đầu vào, logistics, vận chuyển… vẫn chưa giảm giá.
Tương tự, ông Nhâm Đức Quảng, Trưởng phòng kinh doanh chi nhánh Vissan Đà Nẵng cho biết, để bảo đảm giá hàng hóa cung ứng ra thị trường bình ổn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ có giá xăng. Công ty có đợt tăng giá 5-10% tùy mặt hàng vào đầu tháng 2 năm nay và từ sau thời điểm đó, dù giá xăng dầu liên tục biến động tăng thì các sản phẩm của công ty vẫn bình ổn giá. Nguyên nhân là bởi sản phẩm của công ty ít chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu mà ảnh hưởng quan trọng nhất từ nguyên liệu đầu vào.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hữu Hạnh cho biết: “Lãnh đạo sở đã giao Thanh tra sở phối hợp Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ để kịp thời phát hiện các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý thu lợi bất chính, bảo đảm về ổn định thị trường phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có trường hợp nào sai phạm, chúng tôi xử lý theo quy định của pháp luật”.
THÀNH LÂN - QUỲNH TRANG