Kinh tế

Khi nào chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa?

14:04, 12/08/2022 (GMT+7)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản trả lời Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng về việc chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa gắn với tiến trình đầu tư cảng Liên Chiểu và hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - giai đoạn khởi động. Theo đó, thời gian chuyển đổi từ sau năm 2030 thay vì năm 2026 như đề xuất của đơn vị.

Công nhân bốc xếp hàng ở cảng Tiên Sa. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Công nhân bốc xếp hàng ở cảng Tiên Sa. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, từ tháng 4-2022, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất về chủ trương và có ý kiến chỉ đạo để đơn vị hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt “Đề án di dời, chuyển đổi công năng khu bến cảng Tiên Sa gắn với tiến trình đầu tư khai thác khu bến cảng Liên Chiểu”.

Trong đó, từ năm 2026 sẽ bắt đầu thực hiện chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa thành cảng hành khách. Đồng thời doanh nghiệp này cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải ủng hộ công ty được chỉ định là nhà đầu tư, khai thác 2 bến khởi động khu bến cảng Liên Chiểu (theo Luật Đấu thầu).

Cùng thời gian đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận được văn bản số 541/CĐN-KTCT ngày 22-4-2022 của Cảng Đà Nẵng về việc chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa gắn với tiến trình đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, kèm theo phiếu chuyển số 919/PC-VPCP ngày 19-5-2022 của Văn phòng Chính phủ. Ngày 8-6-2022, Bộ KH&ĐT nhận được văn bản đề nghị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - giai đoạn khởi động.

Theo văn bản số 5508/BKHĐT- KCHTĐT ngày 8-8-2022 do Chánh văn phòng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Đoàn ký thừa lệnh Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đề cập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22-9-2021, khu bến Tiên Sa thuộc cảng biển Đà Nẵng có chức năng phục vụ liên vùng và tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đông bắc Thái Lan; có các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng khách quốc tế; sau năm 2030 sẽ từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu.

Bên cạnh đó, Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25-3-2021. Theo đó, dự án có thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2021-2025. Mặt khác, đây là dự án phần cơ sở hạ tầng dùng chung của bến cảng Liên Chiểu như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối, các hạng mục như: bến cảng, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa, kho bãi và hiện chưa rõ phương án đầu tư nên chưa thể xác định thời điểm dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cảng Liên Chiểu.

Do vậy, việc đề xuất tiến trình chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa bắt đầu từ năm 2026 là chưa phù hợp với thực tế triển khai đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu và tiến độ chuyển đổi công năng bến cảng này theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Bộ KH&ĐT, đối với kiến nghị chỉ định doanh nghiệp làm nhà đầu tư khai thác 2 bến khởi động của khu bến cảng Liên Chiểu theo Luật đấu thầu, Nghị định Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu quy định phạm vi điều chỉnh là: “Dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị; xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm nhà ở thương mại, trụ sở, văn phòng làm việc, công trình thương mại dịch vụ”. Trong khi đó, theo phân loại, bến cảng thuộc công trình phục vụ giao thông vận tải và không thuộc công trình sử dụng cho các mục đích trên, vì vậy đề nghị doanh nghiệp liên hệ UBND thành phố và các cơ quan liên quan để hướng dẫn thực hiện theo quy định pháp luật.

Theo Bộ KH&ĐT, cảng biển Đà Nẵng bao gồm khu bến cảng Liên Chiểu là cảng biển loại 1, trong đó, khu bến cảng Liên Chiểu có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng và cả nước, tiềm năng cảng cửa ngõ quốc tế tại duyên hải miền Trung. Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - giai đoạn khởi động có tổng mức đầu tư dự kiến là gần 6.484 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, vốn góp bằng tiền mặt của nhà đầu tư là 2.269 tỷ đồng, phần còn lại là vốn vay các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, hồ sơ dự án của Cảng Đà Nẵng thể hiện giá trị tài sản cố định chuyển từ cảng Tiên Sa qua cảng Liên Chiểu năm 2025-2026 là 500 tỷ đồng. Như vậy, vốn góp của nhà đầu tư không phải hoàn toàn bằng tiền mặt, do đó Bộ KH&ĐT đề nghị doanh nghiệp giải thích làm rõ nội dung này và đề nghị làm rõ phương án tăng vốn điều lệ và khả năng huy động vốn của công ty để bảo đảm vốn góp nhà đầu tư vào dự án.

Về đề xuất thời hạn hoạt động dự án lên tới 70 năm, Bộ KH&ĐT cho biết, theo báo cáo tiền khả thi, dự án có thời gian hoàn vốn trong 15 năm được đầu tư tại khu vực không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khó khăn theo quy định nên việc nhà đầu tư đề xuất thời hạn hoạt động dự án 70 năm là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai.

GIA MINH

.