Kinh tế
Tiếp tục giảm giá cước vận tải theo giá xăng, dầu?
Sau nhiều lần giá xăng dầu điều chỉnh giảm, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố đã và đang rục rịch giảm giá cước vận tải. Tuy nhiên, số doanh nghiệp công bố giảm chưa nhiều; không ít doanh nghiệp có tâm lý nghe ngóng chờ giá xăng dầu giảm tiếp...
Bến xe Trung tâm thành phố dự báo sẽ không tăng giá vé trong dịp lễ 2-9. Ảnh: THÀNH LÂN |
Doanh nghiệp bắt đầu giảm cước vận tải
Đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng cao đột ngột, các doanh nghiệp vận tải và người lao động ngành vận tải phải gắng gượng để duy trì hoạt động. Trước sức ép của giá xăng dầu, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định, các hãng taxi tại Đà Nẵng phải đăng ký tăng giá cước cho phù hợp với giá nhiên liệu. Hiện nay, sau 5 lần giảm liên tiếp, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Đà Nẵng cũng bắt đầu giảm giá cước theo.
Ông Nguyễn Đăng Phận, chủ một đầu xe chạy tuyến Đà Nẵng - Bắc Trà My (Quảng Nam) cho hay, cách đây 2 tuần, nhà xe của ông thông báo giảm giá cước vận chuyển tuyến xuống 5% so với giá đăng ký trước đó. Tương tự nhà xe Tùng Lâm chạy tuyến Đà Nẵng - Nghệ An cũng giảm giá cước vận chuyển 4,8% so với giá cũ.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Sáu (trú quận Cẩm Lệ), chủ một đơn vị vận tải tư nhân cho rằng: “Xăng tăng, doanh nghiệp cũng muốn tăng giá cước vận tải nhưng khách hàng không đồng ý, điều này khiến nhà xe khó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Giờ xăng dầu giảm, bảo chúng tôi giảm giá thì cũng khó, bởi có tăng đâu mà giảm?”.
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng, ngay cả những tài xế taxi hay xe ôm công nghệ cũng “khốn khổ” trước những đợt “leo thang” của giá xăng. Bởi khi muốn thì không tăng được ngay nhưng khi chưa kịp giảm thì lại bị khách hàng than phiền.
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện có 6 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi điều chỉnh giá cước/km tăng từ 4,28% đến 4,76% trong thời điểm xăng dầu tăng. Đến nay, toàn bộ 6 đơn vị xe taxi đã đăng ký điều chỉnh giảm giá cước/km từ 3% đến 6,5%.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, trong tháng 7, tháng 8, giá xăng dầu giảm mạnh, các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi tại Đà Nẵng đã đăng ký điều chỉnh giảm giá cước.
Ông Phạm Thế Vỹ, Giám đốc Xí nghiệp taxi Đà Nẵng cho hay, đơn vị có 70 đầu xe, trước thời điểm xăng tăng, giá cước của taxi Đà Nẵng là 16.500 đồng/km. Khi xăng tăng cao, hãng bắt buộc phải tăng thêm 500 đồng/km cho phù hợp. Nay giá xăng giảm, taxi Đà Nẵng điều chỉnh giá cước về mốc cũ là 16.500 đồng/km.
“Xăng tăng hay giảm thì đơn vị cũng phải theo dõi kỹ chứ không thực hiện điều chỉnh giá ngay. Việc tăng, giảm giá cước rất hạn chế, bởi mỗi lần tăng, giảm giá sẽ tốn rất nhiều chi phí như dán decal công khai cước, điều chỉnh đồng hồ báo giá…”, ông Vỹ nói.
Được biết, trong thời gian xăng dầu tăng giá vừa qua, có 10 trong tổng số 17 đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh điều chỉnh tăng giá vé/chuyến từ 8,3% đến 13,6% so với mức kê khai liền trước.
Hiện tại, có 3/10 đơn vị tuyến cố định (đã tăng giá trong các tháng đầu năm) điều chỉnh giảm giá cước với mức giảm từ 5% đến 11%. Theo các đơn vị chức năng, việc giá vận tải điều chỉnh có độ trễ nhất định với nhiều nguyên nhân, trong đó, khi đăng ký kê khai giá mới phải làm thủ tục để in lại vé gây tốn kém.
Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông Lê Văn Lâm cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, mặc dù giá nhiên liệu tăng liên tục nhiều lần nhưng các đơn vị xe taxi và tuyến cố định tại Đà Nẵng phải đến đầu tháng 6 mới thực hiện điều chỉnh tăng giá cước. Các đơn vị xe tuyến cố định cũng đang tính toán lại chi phí đầu vào để đăng ký mức giá cước vận chuyển cho phù hợp.
Không tăng giá cước
Dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, nhiều đơn vị vận tải dự kiến không tăng giá vé. Bà Phan Thị Ngọc Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, dự báo hầu hết các nhà xe sẽ không tăng giá vé bởi giá xăng, dầu hiện đã bình ổn. Ghi nhận cho thấy tình hình chung, bến xe, hãng vận tải đều không có kế hoạch tăng giá vé hay tăng chuyến, do dự báo nhu cầu đi lại của người dân không quá đột biến.
Riêng về đường sắt, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ tăng nhiều tàu khu đoạn ngắn đường đến các điểm nóng du lịch, ngoài các đôi tàu chạy hằng ngày Sài Gòn - Đà Nẵng, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết. Cụ thể, tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang, chạy thêm 7 mác tàu với 13 chuyến cả chiều đi và về; tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Quy Nhơn chạy đôi tàu SQN1/SQN2; tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết chạy thêm đôi tàu SPT3/SPT4.
Về đường hàng không, hiện nay, giá vé máy bay được bán ở mức “mềm” hơn mọi năm và cũng không khan hiếm hàng. Hành khách có thể đặt mua dễ dàng các chặng Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh; Đà Nẵng - Hà Nội và ngược lại.
Điều chỉnh giá cước phù hợp giá nhiên liệu Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung cho biết, ngày 5-8-2022, sở có công văn triển khai đến các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc diện kê khai giá theo quy định, yêu cầu các đơn vị chưa điều chỉnh giảm giá cước thực hiện việc rà soát các yếu tố hình thành giá để điều chỉnh giá cước cho phù hợp, bảo đảm lợi ích cho người sử dụng dịch vụ vận tải đường bộ. Theo đó, từ nay đến cuối tháng 8-2022, sở tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị tuyến cố định chưa điều chỉnh giảm giá thực hiện rà soát, điều chỉnh phù hợp mức giá nhiên liệu đầu vào. Trường hợp các đơn vị không điều chỉnh cho phù hợp, Sở Giao thông vận tải sẽ cung cấp thông tin các đơn vị này đến Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường để các lực lượng chức năng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về giá theo quy định. |
THÀNH LÂN