Kinh tế
Hơn 422.600 hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi
ĐNO - Chiều 20-9, UBND thành phố tổ chức hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ trên địa bàn thành phố.
Đến dự hội nghị có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hằng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.Q |
Cần quan tâm triển khai các chính sách tín dụng mới phù hợp với đặc thù của thành phố
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, kết quả 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và các báo cáo tham luận tại hội nghị, có thể thấy rằng hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã có những bước phát triển lớn mạnh cả về nguồn lực, chất lượng và hiệu quả, góp phần lớn trong công cuộc giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, hội, đoàn thể tại các phường, xã trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian qua, Ban thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 54-KH/TU ngày 8-6-2015 để triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kế hoạch số 25-KH/TU ngày 6-8-2021 để triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Từ những kế hoạch này, HĐND thành phố, UBND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành và tổ chức chính trị xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đã vào cuộc quyết liệt, đưa hoạt động tín dụng chính sách vào là một trong những nhiệm vụ trong chương trình kế hoạch hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình.
Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đơn vị liên quan về hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được nâng cao, hoạt động tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống và ngày càng phát huy hiệu quả.
Chính sách tín dụng ưu đãi đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại.
Thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, giúp bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đồng thời, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, tăng lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 78/2022/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách tín dụng đặc thù của thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Kế hoạch số 25-KH/TU của Ban thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
HĐND thành phố tiếp tục đồng hành cùng UBND thành phố trong việc ban hành các chính sách an sinh xã hội, nhất là dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ thành phố đến phường, xã đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phát huy vay trò địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn.
UBND thành phố quan tâm hằng năm bố trí ngân sách thành phố ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng đối ứng với tổng nguồn vốn Trung ương bố trí để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của thành phố; tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiên cứu, đề xuất và triển khai các chính sách tín dụng mới phù hợp với đặc thù của thành phố.
Trước mắt là chính sách cho vay đối với hộ có mức sống trung bình theo Nghị quyết số 76/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố và Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đây là các đối tượng cần quan tâm trong thời gian tới.
Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương tiếp tục quan tâm, bổ sung thêm nguồn lực cho thành phố trong thời gian tới để người nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng nhiều hơn các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần cùng thành phố thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, có việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 20 năm qua, nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố ngày càng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 18,68%.
Từ nguồn vốn khi nhận bàn giao 129,7 tỷ đồng, đến ngày 31-8-2022, tổng nguồn vốn đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 3.638 tỷ đồng so với năm 2002. Các chương trình cho vay được mở rộng, từ 3 chương trình tín dụng chính sách, đến nay trên địa bàn thành phố đang thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách.
20 năm, 422.602 lượt đối tượng vay vốn
Toàn thành phố có 422.602 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 9.801 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 6.151 tỷ đồng.
Tổng dư nợ đến 31-8-2022 đạt 3.756,8 tỷ đồng, tăng 3.640 tỷ đồng so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 19,4%. Hiện còn 88.177 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ vốn vay; dư nợ bình quân là 42,6 triệu đồng/khách hàng.
Dư nợ tập trung vào một số chương trình như: chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 68%; chương trình cho vay nhà ở xã hội chiếm tỷ trọng 12%; chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ trọng 8%; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chiếm tỷ trọng 4%…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (thứ nhất, bên phải) trao cờ thi đua của UBND thành phố cho Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố. Ảnh: M.Q |
Dịp này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết trao cờ thi đua của UBND thành phố cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố ghi nhận thành tích 20 năm xây dựng và phát triển.
Đồng thời, có 7 tập thể và cá nhân thuộc thành phố Đà Nẵng nhận bằng khen của các bộ, ban, ngành Trung ương về triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng trao bằng khen của UBND thành phố cho 24 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố.
MAI QUẾ