Vốn đầu tư công lẫn đầu tư xã hội vào lĩnh vực xây dựng luôn được duy trì và gia tăng; trong đó vốn đầu tư công luôn trong tình trạng chờ có khối lượng xây lắp để giải ngân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xây dựng đang đứng trước nguy cơ rời thị trường bởi hàng loạt khó khăn.
Hoạt động thi công xây lắp tại công trình Tuyến đường vành đai phía tây 2. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng rời thị trường
Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến tháng 8-2022, thành phố có 797 DN thuộc đối tượng rơi vào tình trạng buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nguyên nhân là DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký từ 1 năm trở lên, không gửi báo cáo hoạt động, bị cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định…
Trước đây, việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thường tập trung ở các nhóm ngành thương mại, dịch vụ thì nay chuyển sang nhóm ngành xây dựng với các ngành nghề thi công xây lắp, tư vấn thiết kế, vật liệu xây dựng…
Trong số 797 DN mà Sở Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo có vi phạm cần áp dụng xử lý buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có nhiều DN ngành xây dựng. Nhiều DN đã dừng hoạt động hơn 1 năm qua như Công ty CP Thiết kế và xây dựng PM, Công ty TNHH Xây dựng ĐT, Công ty CP Đầu tư xây dựng CC, Công ty CP Xây dựng TTT… và nhiều DN xây dựng khác vốn đã có thương hiệu trên địa bàn thành phố cũng đã rời thị trường như: Xí nghiệp 209 thuộc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Vạn Tường (mã số doanh nghiệp: 04001005...), Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Bắc Hòa Vang (mã số doanh nghiệp: 0401774...)… Những DN này hầu như không còn thông tin hoạt động nên Phòng Đăng ký doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) không thể hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ hoạt động để quay lại thị trường.
Ngành xây dựng thành phố vốn có nhiều DN xây lắp có năng lực, uy tín thương hiệu; nhiều sản phẩm công trình quy mô đầu tư lớn trong và ngoài thành phố, tuy nhiên, sau một thời gian ngắn cổ phần hóa đã rời thị trường xây lắp, thu hẹp lĩnh vực kinh doanh. DN ngành xây dựng lần lượt rời bỏ ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, thị trường xây lắp tạo khoảng trống để DN xây dựng ngoài địa phương lấp vào.
Theo đó, hàng loạt các dự án công trình đầu tư từ vốn ngân sách, vốn xã hội… đều do các DN ngoài địa phương trúng thầu thi công. Thế nhưng, một số nhà thầu cho thấy sự thiếu năng lực thi công xây lắp; thường xuyên bị động về lao động dẫn đến tình trạng công trình thi công ì ạch, trễ tiến độ… tác động đến tình hình giải ngân vốn đầu tư.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinaconex 25 Trương Văn Đức cho biết, DN xây dựng dù là đối tượng tiếp cận nhiều nguồn vốn đầu tư xã hội, thị trường xây lắp, việc làm... nhưng thực tế lại rời ngành nhiều. Nguyên nhân là do lợi nhuận xây lắp có tỷ lệ thấp, cạnh tranh gói thầu tăng kéo theo thu nhập người lao động thấp, lực lượng kỹ sư bỏ nghề; nhóm công nhân kỹ thuật lành nghề đã qua đào tạo giảm sút và hệ lụy DN ngành xây dựng luôn thiếu hụt nguồn nhân lực.
Công nhân thi công công trình xây dựng dân dụng tại dự án phát triển nhà ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu. Ảnh: NAM PHƯƠNG |
Sớm tháo gỡ các thủ tục, quy định gây khó doanh nghiệp
Theo Bộ Xây dựng, các cuộc thăm dò gần đây cũng chỉ ra cơn “bão giá” vật liệu xây dựng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà thầu. Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, DN ngành xây dựng đang gặp tình trạng vướng mắc về pháp lý khiến số dự án được triển khai trong năm 2022 vẫn chậm tiến độ.
DN xây dựng đang chịu nhiều thiệt thòi, nợ đọng không chỉ tồn tại 5 năm gần đây mà có khi còn kéo dài trên 10 năm, gây không ít hệ lụy xấu. Với các dự án đầu tư công, nợ đọng chủ yếu là do thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp, đặc biệt các công trình có khối lượng phát sinh. Còn với dự án vốn ngoài ngân sách là do nhiều chủ đầu tư (chiếm 20-30%) có năng lực kém về tài chính, do vay mượn “tắc nghẽn”, không có tiền trả cho nhà thầu, không bán, thoát được hàng...
Để DN xây dựng vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Trương Văn Đức đề xuất cần thiết lập lại hệ thống quản trị bảo đảm khả năng ứng phó các khủng hoảng, định hình mô hình kinh doanh mới. Khó khăn của DN hiện nay là sự chậm thanh toán vốn từ chủ đầu tư, sự thiếu hụt cục bộ lẫn biến động giá về vật liệu xây dựng, nguồn vật tư thiết bị có ảnh hưởng do đứt gãy từ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Đức, giải pháp để DN ngành xây dựng tận dụng các chính sách về phục hồi phát triển kinh tế là tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất. Đồng thời đề nghị Hội Xây dựng các cấp cần có tiếng nói hiến kế xây dựng chính sách, đề đạt cơ chế quản lý hoạt động xây dựng. Để phát triển, DN ngành xây dựng cần sớm củng cố lại nguồn lực, gia tăng lợi nhuận thông qua hệ thống quản trị; tối ưu hóa sản xuất, quan tâm thu nhập cải thiện đời sống người lao động mới giữ chân nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư, bổ sung nguồn công nhân xây dựng qua đào tạo.
Mặt khác, nhanh chóng thiết lập hệ thống liên kết ngành để tạo ra chuỗi cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng. DN xây dựng cần đánh giá thực sự năng lực của mình để lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp, chọn chủ đầu tư có nguồn tài chính bảo đảm thanh toán; tránh tình trạng nợ đọng vốn khó thu hồi.
Nhằm hỗ trợ DN phát triển, trong đó có ngành xây dựng, ngày 24-8-2022, UBND thành phố có Công văn số 4671/UBND-STC yêu cầu tăng cường hoạt động thẩm định giá Nhà nước trên địa bàn. Theo đó, giao Sở Xây dựng có trách nhiệm tăng cường theo dõi diễn biến giá vật liệu xây dựng, kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá cả máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng và đơn giá xây dựng nhà, công trình. Trường hợp biến động giá quá lớn, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài chính báo cáo UBND thành phố biện pháp bình ổn giá. |
NAM PHƯƠNG