Tiếp tục xử nghiêm xe quá tải trọng

.

ĐNO - Ngày 10-9, Sở Giao thông vận tải cho biết, Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì và tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe có dấu hiệu quá tải. Ảnh: THÀNH LÂN
Lực lượng chức năng kiểm tra xe có dấu hiệu quá tải. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương tiếp tục duy trì và tăng cường kiểm soát tải trọng xe, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Cụ thể, tăng cường các lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe ngay tại các đầu nguồn hàng và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, trọng tâm là vào ban đêm; tăng cường kiểm tra các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe lưu thông trên các tuyến đường.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn địa phương bằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và các thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đã được cấp.

Đồng thời sử dụng thiết bị ghi hình để ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm, đặc biệt là các xe cơi nới kích thước thành thùng, làm cơ sở để lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe; tổng hợp các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xếp dỡ hàng hóa, mỏ vật liệu... thực hiện nghiêm túc cam kết đã ký về việc không xếp hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về tải trọng xe…

Theo Công văn 5926/VPCP-CN ngày 9-9-2022 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc không sử dụng xe ô-tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 trở ngồi trở lên để kinh doanh vận tải hành khách.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông có giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để người dân, doanh nghiệp hiểu và chấp hành tốt các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô, trong đó có khoản 4 Điều 1 Nghị định số 47/2022/NĐ-CP (bổ sung khoản 3 Điều 13 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP) quy định về "Không sử dụng xe ô-tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ ngồi trở lên thành xe ô-tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách"; không làm ách tắc hoạt động kinh doanh vận tải và ảnh hưởng đến người dân; không để xảy ra trục lợi cá nhân.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn thực hiện Nghị định 47/2022/NĐ-CP quy định không sử dụng ô-tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô-tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách.

Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp vận tải và lái xe lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các xe limousine. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đã có thông báo khẳng định, nội dung quy định này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải, kể cả các loại xe Limousine, Dcar, vì các loại xe này đều có sức chứa từ 10 chỗ trở lên. 

Bên cạnh đó, Nghị định số 47/2022/NĐ-CP cũng đã có quy định chuyển tiếp, nếu trường hợp đã hoán cải trước khi Nghị định có hiệu lực (1-9-2022), có thể tiếp tục sử dụng cho hết niên hạn của phương tiện theo quy định.

PHƯƠNG UYÊN - NAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.